Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những đứa trẻ nuôi ước mơ trên sóng

 
Có thể nói, Quỳnh Long quê tôi là làng biển gần chân sóng nhất. Nhà ở của người dân cách chân sóng đúng 9m (6m chiều rộng của con đê biển và 3m đất lưu không). Vì thế, trẻ con ở đây sống với sóng và nuôi ước mơ trên sóng. Những ước mơ này nhiều vẻ, nhiều dạng, từ chuyện học hành, lập nghiệp đến tình bạn, tình yêu… Điều cơ bản là họ tìm ra được sức mạnh, sức bền để đương đầu với sự quăng quật của cuộc đời.
 
Làng tôi có vẻ đẹp hùng vĩ của biển và núi, vừa có vẻ lãng mạn với ráng đỏ của bình minh, màu tím của hoàng hôn; sự lung linh, mênh mông của biển trăng; cái bạo liệt, ngang tàng của những cơn bão biển… Tất cả sự êm đềm và dữ dội của thiên nhiên đằm sâu trong tính cách của những con người sinh ra, lớn lên hay đơn giản là thường có mặt ở nơi này. Người làng tôi đi lập nghiệp ở khắp nơi, nhưng dịp Tết và nghỉ hè thường đưa con về làng cho chúng biết quê cha, đất tổ.
 
Biển phóng khoáng, bao dung, dữ dội, mênh mông, sâu thẳm đã làm nền cho những suy nghĩ và hành động của bao thế hệ. Có lẽ vì thế mà những con người nơi đây luôn luôn điềm tĩnh trong mọi hoàn cảnh; họ luôn mạnh mẽ, trung thực, sống  đẹp; lặng lẽ thực hiện những ước mơ từ thuở bé của mình. 
 

Làng bên chân sóng. 
 
Tôi nhớ, khi tôi khoảng 6 tuổi (đã biết chăn bò), làng tôi có hẳn 3 cánh đồng là đồng Nam, đồng Kiến và đồng Bông. Ấy thế nhưng chúng nhanh chóng biến thành đất ở, vì trước những năm 80 của thế kỷ trước, làng tôi “sùng bái” câu: “Một con, một của chẳng ai chê” nên các gia đình sinh rất nhiều con. Nhà nào chỉ có 2 đến 3 con bị xem là ít; có từ 5 đến 6 trẻ trở lên được xem là trung bình; phải có từ 8 con trở lên mới được xem là đông. Trong làng, không hiếm gia đình có từ 10 đến 12 con. Vì vậy, làng tôi luôn luôn sôi động, giống như một cái tổ ong khổng lồ vậy.
 
Các thế hệ xa xưa thì tôi không biết rõ, nhưng từ khi tôi có trí nhớ tới nay (khoảng những năm sáu mươi của thế kỷ trước), tôi thấy bao nhiêu người nuôi ước mơ và  cố gắng biến chúng thành hiện thực. Bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, hầu hết nam thanh niên làng tôi đều ấp ủ mộng tòng quân. Phần lớn họ muốn làm lính hải quân hay sắc lính gì đó liên quan đến sóng nước; có làm lính đặc công thì cũng là đặc công nước. Vì thế, làng tôi có 2 Anh hùng lực lượng vũ trang là Hồ Sỹ Nhất và Nguyễn Bá Vanh - đều là những người chiến đấu và lập công trên biển. 
 
Trong thời hòa bình, những ước mơ của trẻ con làng tôi vẫn gắn với biển là chính. Đó là những chàng trai mơ ước trở thành thủy thủ, thuyền trưởng tàu viễn dương. Ở nơi đây đã sản sinh ra những thuyền trưởng tàu vạn tấn đi vòng quanh thế giới. Trên thực tế, để giữ chủ quyền biển đảo, chúng ta vẫn tiếp tục phải đối đầu với những thách thức. Các chàng trai của làng tôi vẫn ưu tiên làm lính biển. Trong sự kiện Gạc Ma 1988, một thanh niên của làng là Trung úy Nguyễn Văn Minh đã anh dũng hi sinh tại đây. Những gì liên quan đến biển vẫn ẩn chứa mối nguy hiểm từ lực lượng thù địch hoặc từ những cơn cuồng phong từ thiên nhiên. Dù vậy, thanh niên của làng tôi vẫn có mặt ở nhiều điểm trên quần đảo Trường Sa. Ở quần đảo này, không có gì hấp dẫn ngoài sóng nước, hoàng hôn, bình minh và những ước mơ không giới hạn. Người làng tôi nhìn ra những giá trị lớn lao trong sắc màu và không gian này.


Cứ cười thoải mái thôi! 
 
Nhưng ước mơ luôn luôn thuộc về tuổi trẻ, kể từ những cô bé, cậu bé còn chưa biết đọc, biết viết. Nhìn vào ánh mắt, nụ cười và cách tiếp bước của trẻ em làng tôi, biết ngay đây là những con người sẽ dạn dày với sóng gió. Những đứa trẻ chưa đầy chục tuổi nhưng rủ nhau ra biển mà không cần người lớn đi kèm. Dù có bị sóng vùi, sóng dập, nhưng chúng vẫn đứng dậy, cười như nắc nẻ và nhằm vào những con sóng đang lao tới để phá tan chúng. Trong hành động của trẻ con làng tôi luôn có một cái gì đấy ngông cuồng nhưng rất đáng yêu.
 
Dưới sự chứng kiến của tôi, hàng ngàn cô bé, cậu bé từ chân sóng của làng đã tỏa đi khắp xứ. Lên Lai Châu, vào Tây Nguyên, ra Phú Quốc, về Cửu Long… chưa phải là những nơi xa xôi, hiểm trở. Moskva, Paris, Luân Đôn, New York… cũng chưa phải là những nơi hào hoa, sang trọng duy nhất mà trẻ làng tôi vươn tới. Một khi đã nuôi ước mơ trên sóng, họ có những lựa chọn ít giống ai. Đó là đến lập nghiệp ở Xiberi giá lạnh của nước Nga, hay sang tận Địa Trung Hải để hành nghề lái tàu ngầm du lịch. Có những người lặng lẽ đến thung lũng Silicon để ngắm nhìn và học hỏi. Cái gàn của dân Nghệ theo tận sang đây khi cô bé này biết lướt sóng, biết nhảy dù và không trang điểm.
 

Phía trước là Thái Bình Dương.
 
Mỗi năm, tôi về quê khoảng mươi lần; lần nào cũng ra biển dù có vội đến mức độ nào đi chăng nữa. Từ tháng 4 đến tháng 11, trẻ em làng tôi thường ra biển. Hình như chúng lao ra biển không phải để tắm, mà để giao lưu với sóng. Sóng là một phần tuổi thơ của trẻ em làng tôi. Chúng nuôi ước mơ trên sóng và bặm môi để thực hiện.
 
Vẫn biết, cuộc sống còn quá nhiều thử thách, quá nhiều tai ương, nhưng với những con người mang theo sóng biển trong hồn, họ sẽ càng lướt để đến những bờ bến mới.
 
 

Hồ Trọng Đàm/GĐTE