Thiếu niên 15 tuổi, quê Hải Dương cho biết chơi game hàng ngày từ lớp 6. Đầu lớp 7, Hưng được cho dùng chiếc iPhone 7 của mẹ, từ đó bắt đầu chơi nhiều loại game.
Nhưng càng chơi càng sa đà. Cuối lớp 8, Hưng không chỉ chơi trong thời gian rảnh mà bỏ luôn làm bài tập về nhà để cày game. Học lực sa sút, chẳng buồn quan tâm ngoại hình của chính mình và không còn muốn nói chuyện với ai.
"Có giai đoạn em chỉ cần bánh mỳ với sữa là đủ qua ngày. Bố mẹ lên tận phòng kéo xuống ăn cơm nhưng em vẫn chống đối", cậu kể.
Bố mẹ Hưng nhiều lần tịch thu điện thoại, khuyên nhủ, dùng cả đòn roi. Có lần mẹ thức thâu đêm phân tích cho đứa con út biết game đã khiến cậu gầy yếu, tâm lý thất thường, tính trầm hơn hẳn. "Lúc đó em cũng thấy ăn năn, có lỗi với bố mẹ nhưng ngay hôm sau quên hết", cậu kể.
Tình trạng này kéo dài hơn hai năm. Vì nghiện game, cậu bé xanh xao, liên tục sụt cân. Thi xong kỳ một lớp 9 vừa qua, bố Hưng thông báo sẽ đưa con vào trường cai nghiện game.
Ngày đi cai nghiện game, Thanh Tùng, 17 tuổi, ở trong tình trạng bất ổn. "Suốt một tuần trước đó em không đi học, không chơi game, không nói chuyện với ai. Ngoài ăn uống và vệ sinh, người em không hoạt động", thiếu niên quê Nam Định kể.
Tùng vốn là học sinh giỏi, lớp trưởng. Mỗi lần trường có hoạt động, cậu thường được chọn đại diện học sinh phát biểu trước đám đông. Với game, cậu chơi có kiểm soát từ hồi cấp hai, cân bằng giữa chơi, học và việc nhà. "Vào cấp ba em cảm giác bị nghiện, hễ có thời gian rảnh là chơi", Tùng cho hay.
Dần dần cậu bớt thời gian học, việc nhà làm qua loa để chơi. Bố mẹ bận kinh doanh, thấy con chơi nhiều cũng chỉ nhắc nhở. Đến lúc vì game con sao nhãng việc nhà, họ tịch thu máy tính, điện thoại.
Nhưng họ không biết con trai còn tham gia những giải eSports ở thành phố, từng ba lần đạt giải vàng, một giải bạc. Không chỉ chơi cho mình, cậu thi đấu và cày rank thuê cho người khác. Các ngày thông thường, một ván game 15 phút cậu nhận về 15.000 đồng. Vào những dịp đặc biệt như kiểm tra giữa kỳ hay thi cuối kỳ, 15 phút mang về 180.000 đồng. Tùng còn cùng ba người bạn lập kênh để live stream lúc mình chơi, hiện có khoảng 40.000 lượt đăng ký. "Em mua được ba chiếc laptop và hai iPhone đời mới, chủ yếu từ tiền chơi game thuê", cậu tiết lộ.
Để có thời gian làm những việc đó, cậu trốn học thêm buổi chiều. Lợi dụng việc được tín nhiệm, cậu không ghi chép, không học bài mà không bị giáo viên kiểm tra. Hàng đêm chờ cha mẹ đi ngủ, Tùng khóa trái cửa, chìm trong game đến 2-3h sáng. Riêng ngày nghỉ, cậu chơi thâu đêm.
Thiếu niên này cũng từng nhiều lần quyết tâm bỏ game, lên lớp ghi chép, tối về học bài, đi ngủ sớm, song chỉ được vài ngày lại ngựa quen đường cũ. Qua mỗi lần như thế, cậu nghiện nặng hơn, kiến thức càng hổng.
Bí mật của Tùng vỡ lở vào kỳ thi giữa kỳ một vừa qua. Từ hạng nhất nhì trong lớp, cậu tụt xuống nửa cuối, các môn thi chỉ được 4-5 điểm. "Thầy cô hỏi lý do, em cũng không biết phải trả lời sao", Tùng kể.
Thầy cô cảnh báo Tùng nếu lực học không cải thiện, sẽ cắt một số chức vụ đang đảm nhiệm. Mẹ buồn vì cậu. "Bố nói trước nay không cần em phải đua giải, chỉ cần nắm chắc kiến thức mà cũng không làm được. Sự thất vọng hiện rõ trên mặt bố", Tùng nhớ lại.
Điểm số thi lần này cũng là đả kích lớn với chàng trai. Cậu hối hận và cố gắng học hành trở lại, không để game chi phối. "Nhưng lúc này em nhận ra mình hổng kiến thức đến mình không thể học được nữa", Tùng nói.
Hưng, Tùng là hai trong số cả nghìn thiếu niên đang cai nghiện game tại Trường quốc tế IVS, thành lập từ năm 2009. Tại cơ sở Thanh Oai (Hà Nội) trường có 450 học sinh, cơ sở Bắc Ninh có 300 học sinh, hai cơ sở miền Nam có 700 học sinh.
"70% số học sinh của trường là nghiện game. Số còn lại là học sinh cá biệt, song cũng chuyển hóa từ game ra", bà Lã Thị Oanh, hiệu trưởng trường nội trú IVS miền Bắc nói.
Theo bà Oanh, lứa tuổi teen dễ bị game ảnh hưởng nhất. Ở tuổi này, vùng não khen thưởng phát triển sớm hơn vùng não kiểm soát, dẫn đến trẻ nhạy cảm với phần thưởng, tò mò, thích khám phá cái mới. Lượng hormone cơ thể cao cũng khiến trẻ thích thể hiện cái tôi, dễ bị khủng hoảng tâm lý. Các trò chơi điện tử hiện nay được thiết kế bắt mắt, hấp dẫn, dễ gây nghiện cho người chơi, nhất là game nhập vai vì thế giới trong game có thể bù đắp cho trẻ những điều chưa hài lòng trong cuộc sống.
"Học sinh nghiện game, cá biệt chưa hẳn đã hư. Nguyên nhân chủ yếu do các em chưa có môi trường và phương pháp giáo dục phù hợp", hiệu trưởng nói.
Theo bà, đầu tiên phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ nghiện game, sau đó đưa ra phác đồ điều trị không dùng thuốc mà dựa vào các biện pháp ổn định cảm xúc. Trường IVS cai nghiện game bằng võ Vovinam, cùng các hoạt động thể thao, nghệ thuật khác như các lớp thanh nhạc, mỹ thuật, yoga, lân sư rồng, bóng đá, bóng chuyền và sinh hoạt trong môi trường kỷ luật như quân đội.
"Đầu tiên chúng tôi phá vỡ các thói quen hiện tại, sau đó chuyển đổi các con sang trạng thái mới và hình thành thói quen, hành vi mới", bà nói.
Cũng theo nữ hiệu trưởng, cắt cơn đã khó, giai đoạn phục hồi rất quan trọng. Để trẻ hòa nhập thành công, người lớn cũng phải thay đổi thói quen dùng điện thoại ở nhà, gần gũi, quan tâm và đồng cảm với con. "15% học sinh tái 'nghiện' phải quay lại trường cai tiếp cũng do chưa có sự đồng hành hành của gia đình", bà Oanh cho biết thêm.
Công tác trong trường 6 năm, thầy Nguyễn Quyết Thắng đã làm chủ nhiệm của nhiều học trò nghiện game nặng. Tháng 9/2021, một phụ huynh ở Định Công (Hà Nội) đưa con trai lớp 7 tới trong tình trạng gần như "tự kỷ", co cụm, không giao tiếp với ai và mòn các kỹ năng sống. Việc ăn uống, tắm giặt, đi đứng cần có người can thiệp. Người mẹ kể có những thời điểm không dám về nhà, không dám quản con vì cậu bé sẽ cáu gắt, chửi, đuổi đánh mẹ.
Lại có em quê Thái Nguyên, học lớp 8 chỉ nặng 23,5 kg. Mê điện tử thời gian dài, cậu bé không thiết ăn uống, bố mẹ đưa cơm tận miệng cũng không ăn. Có em khác bị "ảo game", tưởng mình là nhân vật trong trò chơi đó, đánh đuổi thầy và bạn.
Lúc mới vào trường, tình trạng của Quốc Hưng y chang những học sinh trên. Cậu mắng chửi bạn, không nghe lời thầy và nghĩ xấu về cha mẹ. "Em bứt rứt, nhớ game, trong đầu thường trực suy nghĩ trốn ra ngoài", cậu kể.
Thứ níu kéo Hưng những ngày đó là guitar và võ. Qua hai tuần đầu, Hưng bớt cảm giác nhớ. Gần một tháng sau, cậu nhận thư và quà của chị gái gửi vào. Đọc thư của chị tới đâu, Hưng khóc tới đó. Ba ngày sau cậu gửi thư về cho gia đình chia sẻ bản thân đang dần thay đổi. Cậu kể về một cái Tết xa nhà nhưng không cô đơn vì trong trường có rất nhiều hoạt động lần đầu tiên trong đời được trải nghiệm.
Khi mới vào trường, Tùng cũng mất một thời gian chênh vênh. 10 ngày đầu, cứ lúc rảnh trong đầu cậu lại tưởng tượng mình là Florentino, Hayate, Omen, Raz... (những nhân vật trong game). "Em vốn mê thể thao, đàn hát, cũng một thời gian bận học nên không thể theo võ. Vào đây em được chơi lại tất cả những thứ mình thích", cậu nói.
Tùng đang tự học để lấy lại kiến thức lớp 11. Ngoài học, Tùng còn mê đọc. Vào trường 6 tháng, số lượng sách cậu đặt mua vào đọc đã đầy một rương. Chàng trai dự định học hết lớp 11 tại đây sẽ về học trường gần nhà và thi đại học.
"Game đã biến em thành con người không còn được cha mẹ, thầy cô tin tưởng. Từ khi vào trường em đã quyết tâm đoạn tuyệt nó", Thanh Tùng nói.