Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những giải pháp để nâng cao chất lượng gia đình văn hóa

Ngày 19/10, tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã diễn ra hội nghị tọa đàm "Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh".

Hội nghị do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn Hà Nội, Ban Đại diện Hội người cao tuổi thành phố, UBND huyện Thanh Oai tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị tọa đàm có sự tham dự của các cơ quan Trung ương, thành phố, các quận/huyện/thị xã, phường/xã/thị trấn và các gia đình văn hóa tiêu biểu của thành phố có mối quan tâm chung đến công tác gia đình, đến việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ban Tổ chức đã nhận được 15 bài tham luận của đại biểu gửi tới hội nghị tọa đàm.

Đại biểu Hội LHPN Hà Nội tham luận

Đại biểu Hội LHPN Hà Nội tham luận

Các bài tham luận tại hội nghị tập trung vào các nội dung trọng tâm và cụ thể. Đó là: Bàn về việc xây dựng con người có nhân cách tốt, lối sống đẹp, từ cách ứng xử trong gia đình là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; Mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người, định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.

Các ý kiến cũng nêu bật vai trò của gia đình, cách ứng xử của các mối quan hệ trong gia đình nhằm xây dựng gia đình văn hóa bao gồm các tiêu chí như: Tiêu chí ứng xử chung đó là: Tôn trọng; Bình đẳng; Yêu thương; Chia sẻ và 4 tiêu chí ứng xử cụ thể đó là: Tiêu chí ứng xử vợ chồng; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.

Bà Trần Thị Nhiên - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ tại hội nghị

Bà Trần Thị Nhiên - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) Trần Thị Nhiên chia sẻ những kinh nghiệm triển khai "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình". Chi bộ khu dân cư đã đưa nội dung thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" vào Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nội dung kết hợp xây dựng Tổ dân phố năm không.

Đảng viên phải xung phong gương mẫu tham gia thực hiện, tạo không khí sôi nổi để các gia đình đăng ký. Phường cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện với nhiều hình thức; Tổ chức các buổi sinh hoạt bằng hình thức tọa đàm... để nêu bật tiêu chí tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ trong gia đình.

Bí thư Huyện đoàn Thanh Oai Nguyễn Thị Minh Nguyện đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trong giới trẻ. Đó là: Xác định rõ vai trò của tuyên truyền; Mọi thành viên trong gia đình phải luôn tôn trọng, bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; Biết nhường nhịn và giữ hòa khí, quan tâm đến bữa cơm gia đình; Hoàn thành tốt công việc của gia đình và cơ quan; Nhân rộng, biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu.

Phó Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa Nguyễn Thị Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

Phó Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa Nguyễn Thị Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

Phó Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa Nguyễn Thị Ngọc đưa ra các đề xuất để đưa "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" vào thực tế cuộc sống một cách sâu rộng và thiết thực hơn.

Thứ nhất, đó là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Tôi cho rằng giải pháp mang tính kinh điển này luôn quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số len lỏi vào từng lĩnh vực, đời sống kinh tế xã hội; Tuyên truyền qua truyền hình, truyền thanh, qua mạng xã hội, pano, áp phích, sân khấu hóa và tuyên truyền phải nhắm tới những đối tượng cụ thể và phương thức phù hợp.

Thứ hai, cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, quá trình bình xét gia đình văn hóa cần tiếp tục công khai, minh bạch, có hình thức khuyến khích như khen thưởng, các hình thức vinh danh cụ thể.

Thứ ba, cần lựa chọn làm điểm xây dựng và phát huy những mô hình cụm dân cư, cộng đồng dân cư văn hóa tiêu biểu, trong đó có tỷ lệ gia đình văn hóa tiêu biểu với những tiêu chí được nâng cao hơn so với quy định chung.

Để việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình phát huy hiệu quả, theo Bí thư Huyện đoàn Mỹ Đức Lê Đức Anh cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các nền tảng không gian mạng như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trẻ cũng như người dân.

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Tạo môi trường thực tiễn để tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Xây dựng các tiêu chí cụ thể về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa cho các đối tượng đoàn viên thanh niên.

Xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành. Giải quyết vấn đề việc làm tốt sẽ góp phần giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên hiện nay.