Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những hình ảnh chưa đẹp của giới trẻ nơi cửa chùa

Thực tế, nhiều người đi chùa, đền không hề biết các danh nhân, nhân vật lịch sử được thờ cúng, họ đi theo hiệu ứng đám đông và mang chủ nghĩa vụ lợi. Đi chùa, dự hội đầu Xuân, không ít bạn trẻ diện quần cộc, váy ngắn, áo hai dây. Có bạn còn lao vào tranh cướp lộc đến sứt đầu mẻ trán...

 

Váy ngắn, áo dây vào chùa

Theo phong tục của người Việt Nam, đầu xuân năm mới đi chùa để cầu bình an. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ ăn mặc phản cảm đi lễ chùa, đền khiến nhiều người bức xúc. Nhiều đình, chùa trưng biển thông báo nhắc nhở du khách không mặc váy ngắn, quần đùi, áo hai dây khi đi lễ, nhưng nhiều nữ thanh niên vẫn ăn mặc “mát mẻ”. Thậm chí nhiều bạn trẻ diện váy ngắn vô tư chụp ảnh “tự sướng” ngay trong sân chùa.

Giới trẻ hiểu ý nghĩa đi lễ chùa để ứng xử có văn hóa.

 

Chùa, đền là chốn linh thiêng, trang nghiêm vì thế người đi lễ cần phải mặc trang phục kín đáo, màu sắc nhã nhặn, lịch sự và đặc biệt là phải có những hành vi, ứng xử văn hóa. Những điều tưởng chừng rất đơn giản ấy vậy mà lại trở nên quá khó khăn đối với 1 bộ phận các bạn trẻ, để những hình ảnh chẳng mấy đẹp mắt ấy khiến dư luận rất bất bình. Người ta không hiểu những bạn trẻ ấy đi lễ chùa cầu an hay đang đi dự những các buổi tiệc ồn ào? Kiểu ăn mặc hớ hênh, phản cảm ở các đền chùa đang là vấn đề nhức nhối trong dư luận những năm gần đây. Việc ăn mặc gợi cảm quá mức vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, dù người đó có mất công thờ cúng cũng không có ích gì.

Những trang phục hở hang, váy ngắn trong một không gian thiền thanh tịnh rất dễ làm “nhức mắt” người xung quanh, tạo sự phản cảm. Khi đi lễ chùa, cách ăn mặc không đơn giản là sở thích cá nhân, mà còn thể hiện văn hóa thẩm mỹ, văn hóa tâm linh và cả giá trị đạo đức. Cái tâm của người đi lễ cũng thể hiện ngay cả ở cách ăn mặc, trang phục lịch sự và lời ăn tiếng nói. Mặc dù không khó để nhận thấy số lượng đông đảo các bạn trẻ tham gia tại các đền chùa dịp đầu năm. Tuy nhiên, hầu như các bạn đều không có hiểu biết nhiều về không gian lễ hội, về sự tích, sự linh thiêng nơi mình đang đến, về những vị phật mà mình chắp tay cúi lạy… Hầu hết họ đến với lễ hội, đến chùa chỉ để tham quan, đi cho biết hay chỉ để chụp ảnh cùng bạn bè cho thấy rằng mình đã từng đến đây, từng tham gia lễ hội như thế này.

Chuyện những bạn trẻ đến đình, đền, chùa chắp tay bái lạy chốn linh thiêng cầu mong may mắn, song khi được hỏi về ngôi chùa đang đứng lễ, sự tích vị thánh đang bái lạy, thì hầu hết trả lời không biết. Không ít người đi đền, chùa vì theo hiệu ứng đám đông, thấy người ta đi mình cũng đi theo mà không hiểu ý nghĩa của việc tâm linh này. Đến lễ tại đền Hoàng Mười (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhưng khi hỏi quan Hoàng Mười là ai, Nguyễn Minh Trang, sinh viên Đh Kinh doanh và Công nghệ Hà Nôi thật thật cho hay: “Em đi đền để cầu năm mới gặp nhiều may mắn và thành công trong học tập, sự nghiệp. Nghe nhiều người bảo đến quan Hoàng Mười rất thiêng, cầu gì được đó nên em rủ mấy người bạn cùng đến lễ chứ quan Hoàng Mười là ai thì em không biết”.

 

Trành giành, cướp đoạt trong lễ hội

Văn hóa đi chùa, lễ hội của một bộ phận người trẻ rất đáng báo động khi đi lễ vì vụ lợi, mất lòng tin, niềm tin trong cuộc sống rồi tìm đến thần quyền. Tất cả hình thức tranh giành, cướp đoạt ở nhiều lễ hội ngày nay hướng mục đích đánh thắng đối thủ và sẵn sàng dùng bạo lực để cưỡng đoạt. Các trò chơi dân gian như cướp phết ở Tam Nông (Phú Thọ) xưa chỉ mang tính tranh đoạt biểu trưng. Còn bây giờ, nhiều người mang thói thực dụng, vụ lợi, mất lòng tin tìm đến thần quyền, phết là một trong những vật phẩm đại diện cho sự thiêng hóa làm họ nổi lòng tham, muốn đoạt được để cầu lợi.

Trai làng băng ruộng, đè lên nhau cướp phết Hiền Quan.

 

Hình ảnh hàng nghìn thanh niên phá vỡ hàng rào an ninh, lao vào cướp phết tạo nên cảnh tượng náo loạn tại lễ hội cướp phết Hiền Quan (Tam Nông - Phú Thọ) vừa diễn ra là hồi chuông đáng báo động về văn hóa lễ hội của giới trẻ. Theo quy chế mới, năm nay, hội phết Hiền Quan giới hạn số người tham gia cướp phết để tránh tình trạng đánh nhau phải vào viện cấp cứu như năm trước. Chỉ 100 trai tráng được chia thành 2 đội mang đai xanh và đai đỏ được ban tổ chức cho phép xuống khu vực cướp phết. Tuy nhiên, hàng nghìn thanh niên đã phá vỡ hàng rào an ninh, lao vào cướp phết tạo nên cảnh tượng náo loạn. Một số bạn trẻ bị ngất vì cướp phết.

Hay những ngày qua, mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh xấu xí của nhiều bạn trẻ "đại náo" chùa Linh Quy Pháp Ấn ở Bảo Lâm, Lâm Đồng. Hình ảnh cô gái ngồi lên cột thỉnh chuông trong chùa khiến không ít người ngán ngẩm về ý thức của một bộ phận giới trẻ khi đi lễ đầu năm...

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng, người nhiều năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, nhiều bạn trẻ vô ý thức khi lễ chùa vì không hiểu phong tục và thể hiện cái tôi không đúng chỗ. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc này do chủ quan từ nhận thức, hiểu biết và trình độ văn hóa của người trong cuộc. Nhiều bạn trẻ không ý thức được hành vi của mình gây phản cảm, ảnh hưởng cộng đồng. Thứ hai, người trẻ đề cao cái tôi cá nhân quá mức và cho rằng lên chùa là sở thích muốn làm gì cũng được. Họ quên ở chốn tâm linh mọi hành vi phải theo chuẩn mực của văn hóa. Nguyên nhân khách quan dẫn đến những hành vi không đẹp một phần là công tác quản lý chưa tốt. Đại diện ban tổ chức mới chỉ chú ý nhắc nhở vệ sinh công cộng, giữ gìn an ninh trật tự, mà chưa quan tâm cách ứng xử và trang phục của người đi lễ chùa.

Đi chùa và đi chơi hoàn toàn khác nhau. Giới trẻ cần hiểu đúng ý nghĩa tâm linh chốn đền, chùa để ứng xử có văn hóa.