Vì sao trẻ em nên tập luyện thể thao thường xuyên?
Trẻ em Việt Nam thường gặp phải hai vấn đề về rối loạn dinh dưỡng: một là suy dinh dưỡng, thấp còi; hai là thừa cân, béo phì. Nguyên nhân có thể do chế độ dinh dưỡng không hợp lý và trẻ ít vận động thể lực. Vấn đề dinh dưỡng gần đây đã được nhiều bậc cha mẹ chú trọng, số trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi ngày càng có xu hướng giảm; tuy nhiên, số trẻ em thừa cân, béo phì lại có nguy cơ tăng, một phần do trẻ ăn quá nhiều chất béo, đồ ngọt và ăn vặt thường xuyên, nhưng phần lớn là do trẻ lười vận động, xem tivi, điện thoại quá nhiều.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em nên vận động 2 tiếng mỗi ngày, trong đó, có ít nhất 1 tiếng hoạt động thể lực từ trung bình đến mạnh với các môn thể thao như: bóng đá, bóng rổ, bơi lội... Để làm được điều này, trẻ cần chơi thể thao hơn 3 lần một tuần.
Chơi thể thao giúp trẻ không chỉ khỏe mạnh, thông minh, mà còn khiến trẻ năng động, tự tin và hạnh phúc hơn. Ảnh: Hoàng Gia
Những ích lợi tuyệt vời của thể thao có thể bạn chưa biết hết
Chơi thể thao giúp trẻ phát triển thể chất
Vận động giúp tăng cường trao đổi chất, thúc đẩy sự phát triển của hệ xương và cơ bắp. Vận động cũng kích thích các hormone tăng trưởng phát triển, tăng lượng máu trong tế bào, từ đó giúp trẻ cao lớn. Một số công trình nghiên cứu đã chứng minh, trẻ thường xuyên tập luyện thể thao sẽ cao hơn 5cm so với trẻ không tập luyện.
Sarah Sleziak Johnson - chuyên gia về sức khỏe và sự phát triển của trẻ em Đại học Michigan (Mỹ) cho biết: “Xương tiếp tục phát triển và dần hoàn thiện cho đến tuổi trưởng thành. Độ dẻo dai của xương khớp được hình thành khi xương chịu áp lực và hoạt động chống lại trọng lực”. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ thì các cơ càng chắc khỏe khi được rèn luyện qua các hoạt động đòi hỏi thể lực.
Tốt cho tim mạch
Nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết, tất cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên cần thiết phải tham gia hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày nếu muốn có một trái tim khỏe mạnh.
Nạp năng lượng giúp trẻ luôn tỉnh táo
“Tập luyện thể lực chính là nạp năng lượng cho cơ thể. Cơ thể chúng ta giống như cục pin và phải được sạc thường xuyên để đảm bảo hoạt động”, James Hamblin - biên tập viên sức khỏe của Tạp chí The Altanic chia sẻ.
Vận động giúp trẻ thông minh hơn
Ngoài ra, tập luyện thể thao giúp cung cấp đủ oxy và máu cho não, thúc đẩy hệ thần kinh hoạt động nhịp nhàng, tăng cường khả năng tập trung, sáng tạo, nâng cao khả năng phản ứng, xử lý thông tin và thích nghi với môi trường, từ đó giúp trẻ thông minh hơn.
Khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn
Dành thời gian cho các hoạt động và trò chơi thể chất khiến cho trẻ em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hoạt động thể chất có tác dụng cải thiện đời sống tinh thần, giảm thiểu cảm giác lo lắng và nguy cơ trầm cảm.
Với áp lực học tập như hiện nay thì việc tập luyện thể thao thường xuyên có thể giúp trẻ em thư giãn, giảm áp lực học tập, duy trì được tâm trạng vui vẻ, lạc quan, yêu đời.
Ngoài ra, thể thao còn giúp trẻ rèn luyện ý chí, sự kiên trì, tinh thần dũng cảm, phát triển khả năng sáng tạo và không ngừng nỗ lực vượt qua các thử thách.
Trẻ nhỏ chưa thích hợp để tham gia các môn thể thao mạnh, có thể đi bộ nhẹ nhàng, đạp xe quanh nhà hoặc chơi đuổi bắt, nhảy dây… Những hoạt động thể chất này đều rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Ảnh: Thanh Huyền
Để trẻ yêu thích thể thao
Để con hứng thú với các hoạt động thể thao, cha mẹ cần định hướng trẻ dựa trên nguyên tắc tôn trọng con, hãy để trẻ được quyền chọn môn thể thao mình thích. Được chơi một trò chơi vận động hoặc bộ môn thể thao mình yêu thích sẽ giúp trẻ đạt được thành tích tốt nhất và có thể duy trì thường xuyên hơn.
Nếu con bạn là một đứa trẻ không thích vận động, cha mẹ nên đồng hành cùng con trong việc luyện tập thể thao hàng ngày. Các môn thể thao đối kháng hoặc có tính đồng đội như đá bóng, cầu lông, bóng chuyền… là những sự lựa chọn khá phù hợp. Việc cha mẹ cùng con tập luyện cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn được gần gũi và hiểu con hơn.
Để việc tập luyện thực sự hiệu quả và duy trì lâu dài, bạn có thể đăng ký cho con tham gia các câu lạc bộ thể dục, thể thao hoặc lớp tập luyện với huấn luyện viên chuyên nghiệp. Ví dụ, bạn đăng ký cho con học bơi 1 tuần 3 buổi, mỗi buổi 60 phút tại bể bơi gần nhà, hoặc tập yoga 1 tuần 3 buổi, mỗi buổi 45 phút tại phòng tập Gym hay mỗi ngày đạp xe 1 tiếng đồng hồ quanh công viên…, miễn sao thời lượng tập luyện không vượt quá khuyến cáo của WHO mà ở đầu bài viết đã đề cập.
Để việc tập luyện không mất sức và gây áp lực cho trẻ, bạn nên chia nhỏ thời gian tập luyện của con. Thay vì bắt con chơi liên tục một bộ môn thể thao nào đó trong suốt 1 tiếng đồng hồ, hãy khuyến khích con tập luyện 10-15 phút/lần, nghỉ giữa chừng và lại tập luyện tiếp.
3 nhóm hoạt động thể chất có lợi cho sự phát triển của trẻ, cha mẹ có thể tham khảo:
1. Hoạt động aerobic
Các hoạt động aerobic rất tốt cho mạch đập của tim. Theo chuyên trang Kidshealth: “Tập luyện aerobic thường xuyên và trong thời gian dài sẽ giúp tim khỏe mạnh, tăng cường khả năng cung cấp oxy đến các tế bào”. Ngoài ta, aerobic cũng rất tốt trong việc cải thiện tâm trạng. Trẻ có thể dễ dàng tập luyện aerobic ngay tại nhà mà không nhất thiết phải đến phòng tập.
2. Bài tập tăng cường cơ bắp
Các bài tập này có tác dụng rèn luyện cơ bắp và sự dẻo dai cho trẻ. Đó có thể là các hoạt động như leo núi, kéo co, tập xà, gập bụng, đánh cầu lông, bóng rổ...
3. Bài tập xương khớp
Các bài tập xương khớp không chỉ giúp trẻ có khung xương chắc khỏe mà còn có tác dụng rèn luyện cơ bắp cho trẻ như gym, nhảy cao, nhảy xa, nhảy dây, bóng rổ, bóng chuyền…
Phương Anh/GĐTE