Căn bệnh này được coi là "kẻ giết người thầm lặng" khi gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu lớn...
Nhiều người mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện
Theo PGS, TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh không lây nhiễm là bài toán khó với ngành y tế; trong đó, tăng huyết áp và đái tháo đường là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch và cũng là những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam và toàn cầu.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp và đái tháo đường có xu hướng tăng nhanh (khoảng 12 triệu người); chưa kể còn tỷ lệ tương đối cao bệnh nhân chưa được phát hiện hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh. Nguy hiểm hơn, người bệnh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên nhiều người không biết mình mắc bệnh.
“Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây nên tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và tử vong. Trong đại đa số các trường hợp, tăng huyết áp xảy ra không có triệu chứng gì, chính vì vậy mà nó được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, bệnh đái tháo đường tăng rất nhanh, đặc biệt ở người trẻ và trẻ em, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Theo điều tra quốc gia trên quy mô toàn quốc ở lứa tuổi 30 - 69 tuổi, năm 2002 khoảng 2,3% mắc đái tháo đường. 10 năm sau tỷ lệ này tăng lên 5,4% và kết quả điều tra mới nhất năm 2021, tỷ lệ này là 7,1%. Theo đó, có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường. Bệnh gây ra tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là tim, mạch máu, thận, thần kinh.
Đáng lo ngại là chỉ khoảng 43% số người bị tăng huyết áp và 30% số người bị đái tháo đường từng được phát hiện bệnh. Số người bệnh không được phát hiện, quản lý rất lớn.
Cần quản lý người bệnh ngay tại cơ sở
Theo TS, BS Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, việc chẩn đoán, điều trị, dự phòng sớm đối với bệnh nhân mắc tăng huyết áp và đái tháo đường ngay tại tuyến y tế cơ sở là vô cùng quan trọng, giúp giảm tỷ lệ người mắc, biến chứng, tăng cường các biện pháp điều trị, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
TS Nguyễn Đình Hưng cho biết, riêng bệnh đái tháo đường, tổng chi phí từ Quỹ BHYT chiếm khoảng 4,5%. Nếu chúng ta làm tốt được việc này giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. Vấn đề là khi triển khai khám, chữa bệnh cấp ban đầu làm sao chúng ta thực hiện tốt việc quản lý bệnh nhân.
Ông Hưng cho biết, ngành Y tế đã tham mưu thành phố xây dựng Đề án nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND TP Hà Nội đến năm 2030.
Trong đó, phát triển các phòng khám đa khoa và trạm y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại cấp ban đầu; đặc biệt, các trung tâm y tế cần làm tốt việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp và đái tháo đường ngay tại địa phương.
Lối sống lành mạnh giúp phòng bệnh hiệu quả
Theo các chuyên gia y tế, người bệnh tăng huyết áp kèm đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, thừa cân, béo phì… là đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng tim mạch.
Theo đó, để kiểm soát huyết áp hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, người tăng huyết áp có kèm các bệnh đồng mắc hoặc đã xảy ra các biến chứng cần phải tái khám định kỳ các chuyên khoa liên quan đến bệnh lý.
Bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh như tăng cường tập thể dục, ăn uống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ... Đặc biệt, nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thừa cân, rối loạn mỡ máu, gia đình có người bị bệnh… càng cần chủ động phòng ngừa.
Chế độ ăn hợp lý: Ăn dưới 5g muối/ngày, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như hạt mè, hướng dương, hạnh nhân, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Ngũ cốc, các loại hạt cung cấp vitamin, khoáng chất và ít carbohydrate. Những thực phẩm carbohydrate chứa ít đường, tinh bột (nguyên liệu tạo nguồn năng lượng cho cơ thể) và nhiều chất xơ đem lại nhiều lợi ích trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Duy trì cân nặng hợp lý: Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp và đái tháo đường. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Vì vậy, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút/ngày, ít nhất 3 - 4 lần/tuần. Vận động không chỉ giúp giảm cân nặng mà còn giúp giảm lượng đường trong máu; tăng độ nhạy cảm với insulin, giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống bia, rượu, tránh căng thẳng, sống tích cực, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và đúng giờ.
Duy Anh
Báo Lao động và Xã hội số 100