Thực tế cho thấy hành công lớn nhất chính là nhận thức, hiểu biết về CTXH đã có bước chuyển căn bản từ trung ương đến địa phương và toàn xã hội. CTXH đã dần trở thành một nghề chuyên nghiệp, được Nhà nước công nhận về mặt pháp lý và xã hội thừa nhận. Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), các chính sách liên quan đến CTXH đã ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng như: Nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề...
Đến nay, nhận thức, hiểu biết về nghề CTXH của đội ngũ cán bộ cốt cán thuộc ngành LĐ-TB&XH hay của một số các hội, đoàn thể đã có bước chuyển biến căn bản. Các mục tiêu cụ thể của Đề án 32 giai đoạn 2010 – 2015 đã đạt được, điển hình là mục tiêu về xây dựng, thí điểm mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH. Đã có nhiều mô hình trung tâm CTXH vận hành rất hiệu quả, như Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, TP Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Trong số đó có những Trung tâm đội ngũ nhân lực rất hạn hẹp nhưng cũng đã trợ giúp cho hàng nghìn đối tượng yếu thế trên địa bàn. Nhờ hoạt động hiệu quả, các mô hình Trung tâm CTXH đã giúp cho các tỉnh, thành phố nghiên cứu, học hỏi để chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Đào tạo nghề cho người khuyết tật giúp họ tự chủ hơn trong cuộc sống.
Như vậy, tính đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ cho trên 30 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm CTXH, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH trong cả nước là 432 cơ sở. Tổng số cán bộ, nhân viên CTXH hiện đang làm việc tại các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH và mạng lưới tại cấp xã gồm 35.000 người. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên CTXH làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội cũng ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên làm CTXH. Hiện đã có 21 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH với tổng số 8.784 cộng tác viên.
Trong quá trình triển khai Đề án, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã hỗ trợ xây dựng, hình thành Hiệp hội Dạy nghề và nghề CTXH. Đây là một bước phát triển quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên hợp tác, liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nghề CTXH. Hiệp hội này đã cùng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hội Người mù, Hội Phụ nữ, Hội Bảo trợ quyền trẻ em tổ chức các diễn đàn nghề nghiệp của cán bộ xã hội để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động về nghề nghiệp, chuyên môn và các hoạt động khác; trợ giúp và bảo vệ quyền của người nghèo, phụ nữ, trẻ em và người yếu thế trong xã hội.
Có thể nói, Đề án 32 đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Việc gắn kết với từng giai đoạn phát triển của Đề án đóng yếu tố quan trọng, không chỉ góp phần tôn vinh nghề CTXH, mà còn điều chỉnh suy nghĩ chưa đúng của một bộ phận xã hội trong cách đối xử với những cá nhân, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, khó hòa nhập cộng đồng.