Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những khúc bi ai của thể thao Việt

Ở đời, nếu không làm chủ được mình, đỉnh cao và vực sâu; vinh quang và cay đắng luôn cận kề, leo lên chót vót, rồi rơi tỏm đáy sâu lúc nào không hay. Trong thể thao những chuyện trên dễ thấy nhất.

 

1-Trong bóng đá Việt nhiều bài học cay nghiệt như thế đã diễn ra. Nhưng tiếc thay người trước ngã, ngã rất đau, người sau thấy, thấy rất rõ, vậy mà vẫn nối theo nhau đổ chỏng kềnh.

Trong ma trận cá độ, bài bạc,đỏ đen,… đã có quá nhiều bài học máu xương. Gần đây thôi các “tấm gương” Văn Quyến. Quốc Vượng, Hải Lâm, Bật Hiếu,…kẻ vào tù bóc lịch vài tháng, đứa bóc lịch vài năm, còn nóng hồi hổi thế, sinh động thế. Vậy mà gần chục cầu thủ Ninh Bình vẫn làm con thiêu thân lao vào. Đang là người của công chúng, là những ngôi sao sân cỏ được bao người ái mộ, hàng năm có tiền lót tay, hàng tháng có thu nhập ngất ngưỡng, chỉ một thoáng cạn nghĩ, không làm chủ bản thân, tương lai tan vào mây khói.

Ông Lê Thụy Hải tại buổi trò chuyện với chương trình Bóng đá TV

Ông Lê Thụy Hải tại buổi trò chuyện với chương trình Bóng đá TV.

Vụ bán độ ở Ninh Bình vẫn còn đau đáu, xót xa, lại lòi ra vụ bán độ ở Đồng Nai. Gần 15 cầu thủ của Ninh Bình và Đồng Nai bị treo giày vĩnh viễn, trong đó có nhiều cầu thủ đang là tuyển thủ quốc gia, tương lai vô vàn sán lạn. Hậu quả của tội ác trên, đâu chỉ có các cầu thủ “gieo gió gặt bão”, mà kéo theo hàng chục cầu thủ khác, bao người thân yêu, ruột rà cũng phải gánh  vạ lây.

Từ là niềm tự hào của quê hương, là tấm gương cho bao đứa trẻ mê bóng đá khao khát hướng tới, những cầu thủ bán độ bị phát hiện trở thành tội đồ. Dẫu cuộc sống của họ sau này trăm ngàn lần hơn, vết nhơ nhuốc này vĩnh viễn không gột tẩy nổi.

Sau sự cố xấu xí trên, cho dù đã đổ biết bao công sức, tâm huyết và cả khối tiền hang trăm tỷ, với mong muốn xây nên đội bóng để tạo một nốt son, một niềm tự hào, tạo niềm vui cho bà con quê hương, ông bầu Ninh Bình đã phải cắn răng,nuốt nước mắt uất hận từ giã bóng đá

          2-Người xưa có câu; Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung cũng có câu: Giành được chức vô địch đã khó, giữ được chức vô địch càng khó hơn nhiều lần. Thời cơ chế thị trường làm cho con người thực dụng hơn, người ta mê cái danh, đắm đuối vào cái danh, tìm mọi cách để có cái danh. Bởi đi cùng danh là lợi.

 Gần đây dư luận xôn xao bàn tán về phát biểu của ông Lê Thụy Hải; về giọng điệu chanh chua của Thủy Tiên với ông Hải; về bàn thắng kỷ lục của Lê Công Vinh,… âu cũng loanh quanh cái danh, cái lợi. Ông Hải cho rằng, Vinh qua mặt ông khi về Bình Dương. Cho dù Vinh thanh minh, do bận tập trung đội tuyển quốc gia nên không gặp trực tiếp mà có gọi điện cho ông Hải, đường đường là huấn luyện viên trưởng không được lựa chọn cầu thủ, bị lãnh đạo đội bóng can thiệp quá sâu vào chuyên môn, ông Hải cáu giận là điều dễ hiểu.

Công Vinh ăn mừng bàn thắng dẫu không phải của mình(trận Becamex-Hải Phòng)Công Vinh ăn mừng bàn thắng dẫu không phải của mình(trận Becamex-Hải Phòng)

Thực ra tâm trạng trên, ông Hải đã bộc bạch từ trước mùa giải. Ông không giấu cái suy nghĩ coi thường Công Vinh, khi nói: “Ở Bình Dương chỉ có một ngôi sao là tôi”.

Cuối tháng 4 vừa qua, trong một chương trình trao đổi với Đài Truyền hình Việt Nam sau vài ngày chia tay Bình Dương, ông Hải có nhắc lại. Giậu đổ bìm leo, tức giận bao ngày dồn nén nay có cơ hội “phát tiết”, ca sĩ Thủy Tiên vừa giải tỏa bức xúc, vừa lên tiếng bảo vệ chồng.

Hơn nữa đúng trận đầu tiên không còn ông Hải ở sân Gò Đậu, Công Vinh được ra sân ngay từ đầu và anh ta ghi được bàn thắng, mà trên các chương trình thể thao Đài Truyền hình quốc gia nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, đó là bàn thắng nhanh nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đồng thời nằm trong tốp 10 bàn thắng nhanh nhất của bóng đá thế giới.

Ngay sau đấy trên trang cá nhân, Công Vinh hả hê viết: Bàn thắng 110 thật ý nghĩa, cảm ơn mọi người. Trả đũa ông Hải, Thủy Tiên viết: Trời…bác là đàn lại là người lớn tuổi mà nói dối như cuội ấy bác ạ. Vậy mà cháu tưởng bác là đàn ông lại làm bóng đá phải là những người mạnh mẽ, cá tính dám làm, dám nhận chứ.

Buồn cho sự trả thù. Càng buồn hơn ngay trong thời điểm ấy, dư luận nổi sóng cho rằng Công Vinh nhận vơ bàn thắng kỷ lục. Thường trực Ban tổ chức giải vô địch bóng đá quốc gia cùng với công ty VFV  buộc phải mở các băng thu hình trận đấu kiểm tra và  thông báo, bàn thắng trên chẳng phải của Công Vinh mà do hậu vệ Hải Phòng đốt lưới nhà. Chinh hậu vệ Hải Phòng cũng  thú nhận, cố phá ra ngoài, không may bóng chui vào lưới nhà.

Ông Hải nói dối gì với Công Vinh và Thủy Tiên ít người được tường tận, còn Công Vinh không ghi bàn vẫn nhận vơ có xứng là đàn ông như tiêu chí Thủy Tiên nêu ra không nhỉ ?.Chao ôi, cái danh cái lợi dẫu là nhỏ, là ảo cũng làm cho bao người lóa mắt, tự vả vào mặt mình. Đau quặn vẫn phải ngậm bồ hòn !

3-Mấy năm liền việc chọn cầu thủ lên đội tuyển bóng bàn quốc gia luôn gặp chuyện thắc mắc, kiện cáo. Điều đáng buồn, tranh nhau lên tuyển, nhưng khi mang “chuông” ra xứ người “chuông” tịt, “chuông” rè thì chẳng có ai chịu nhận trách nhiệm. Vẻ vang vơ vào, lợi lộc đoạt lấy, còn thất bại dửng dưng, coi là chuyện của thiên hạ.

Đấy là nguyên nhân giành giật nhau một suất đội tuyển của những kẻ tâm hèn, tài mọn. Không những thế, thể thao Việt còn có một số người ‘không có tướng nhưng có tinh’, được vài ba danh hiệu làng nhàng là  phát ngôn bạt mạng, vênh vênh váo váo coi trời bằng vung.

Dù là nhân tài, thậm chí là thiên tài thì các huấn luyện viên, vận động viên cũng là con người. Để thăng hoa trên các đấu trường, để được sống mãi với người hâm mộ, trước hết các huấn luyện viên, vận động viên hãy là Con Người.