Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Những khúc khải hoàn ca

Ngày đại thắng 30/4/1975 trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử hào hùng của dân tộc, được ghi lại từng khoảnh khắc chân thực không chỉ ở những thước phim tư liệu, tác phẩm nhiếp ảnh, ký họa, báo chí... mà còn cả trong thơ, với âm hưởng, niềm cảm xúc hân hoan rực rỡ cờ hoa của “Ngày vĩ đại” (Chế Lan Viên). Những bài thơ viết về ngày đại thắng đã phản ánh trung thực và sinh động thời khắc lịch sử huy hoàng của dân tộc ta như những khúc khải hoàn ca.

Nhiều nhà thơ quân đội vừa cầm bút, vừa cầm súng "xẻ dọc Trường Sơn" tham chiến ở nhiều chiến trường ác liệt theo sát cuộc hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kịp có mặt ngay tại Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975 lịch sử. Họ là những chứng nhân, là người lính trong cuộc, đã ghi lại khoảnh khắc ngày chiến thắng bằng những câu thơ tràn đầy cảm xúc, niềm hân hoan.

Là người có mặt tại Sài Gòn trong ngày đại thắng ấy, nhà thơ Vương Trọng xúc động viết nên những câu thơ vừa mừng vui, vừa ngỡ ngàng của những người lính xe tăng trong bài thơ "Tiếng ve trưa": "Cắm cờ lên đỉnh cuối cùng/Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi/ Cửa tròn vừa mới hé thôi/Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve/ Từng người cởi mũ lắng nghe/ Nhìn nhau mùa hạ đã về rồi sao"…

Tác giả "Trên đường chúng ta đi", nhà thơ Xuân Sách khi dạo bước trên đường phố Sài Gòn vào ngày "vui đại thắng" đã thốt lên những câu thơ như thực như mơ "sau nửa đời cầm súng": "Đường phố xôn xao đỏ rợp cờ/Người đi vừa thật lại vừa mơ/ Nửa đời cầm súng đi đánh giặc/ Nay bỗng hồn nhiên như trẻ thơ" (Trên đường phố).

Những khúc khải hoàn ca - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, tác giả bài thơ "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" nổi tiếng, khi có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử đã xúc động viết nên những câu thơ bình dị như một ký sự về bữa cơm chiều của những người lính ngay trong Dinh Độc Lập. "Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/ Rau muống xanh như hái tự ao nhà/ Trời còn đầy ắp hoa và pháo/ Nhìn nhau chưa vội mở vung ra/ Bỏ lại đằng sau bao trận đánh/ Kịp vào thành phố mang tên Người/ Độc lập theo tăng vào cổng chính/ Cờ treo trên đỉnh nước non ơi".

Tuy nhà thơ không nói rõ thời gian, nhưng đọc bài thơ ai cũng biết đó là bữa cơm chiều 30/4/1975, một bữa cơm đặc biệt khác thường của những người lính trận mạc với những bữa cơm dã chiến chỉ được nấu bằng bếp Hoàng Cầm, chứ không phải bằng bếp điện.

Nhà thơ Anh Ngọc lại rất chi tiết về đêm ngủ đầu tiên ở Sài Gòn vào những giờ phút của hòa bình và là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong đời. "Ru anh như chiếc giường/ Đệm chăn đầu không bén gối/ Trong mơ chợt nghe tiếng suối/ Mở mắt quạt trần đang quay" (Mắc võng ở Sài Gòn).

Cũng trong đêm giữa Sài Gòn đại thắng ấy, nhà thơ Anh Ngọc còn có những câu thơ giàu cảm xúc, với những hình ảnh mang tính liên tưởng, khái quát cao và đậm tính nhân văn, thật ấn tượng và ấm áp tình người trong bài thơ "Sài Gòn đêm giao hưởng": "Chúng tôi là một mảnh màu xanh/ Trong rực rỡ bức tranh Sài Gòn đêm giao hưởng/ Đôi dép lốp bước lên thềm Nhà hát Lớn/Để rơi mấy hạt bụi đường trường" và "Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ/Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau". Hình ảnh những người lính mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn còn bao điều ngỡ ngàng, nhưng họ đã phần nào thanh thản để bước chân vào "ngôi thánh đường nghệ thuật" - Nhà hát Lớn để được chìm vào những giai điệu âm nhạc vang lên trong đêm Sài Gòn thật an yên.

Những khúc khải hoàn ca - Ảnh 2.

Xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. (ảnh TL).

Trong "binh chủng" văn học nghệ thuật hòa với bước chân của nhiều cánh quân chủ lực tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975 có tác giả trường ca "Sư đoàn", nhà thơ khoác áo lính Nguyễn Đức Mậu. Bằng những câu thơ mang âm hưởng hào hùng, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã cho người đọc thấy không khí thần tốc "ào ào như thác đổ" không gì ngăn cản được của những binh đoàn, sư đoàn quân chủ lực tiến vào thành phố lúc rạng đông, trong bài thơ "30/4/1975".

"Áo còn vương bụi đỏ Trường Sơn/ Sư đoàn vào thành phố/ Giữa chói ngợp bao màu sắc lạ/ Mũ lá sen xanh một khoảng rừng/ Vào thành phố những người thắng trận/ Một mảng trời bén lửa sau lưng/ Khuôn mặt đường xa/ Chưa xóa dấu nhọc nhằn…".

Những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cứ trào dâng cuồn cuộn như không thể kìm chế, không thể nói hết được niềm vui của những người lính khi tiến vào Sài Gòn: "Tháng Tư này tôi là người cầm cờ/Tôi là người lái tăng, tôi là anh pháo thủ/Tôi là nỗi chia ly, tôi là niềm đoàn tụ/ Lòng muốn nhân lên khi đến với Sài Gòn". "Niềm vui như đến bất ngờ", "chiến tranh và hòa bình chỉ cách nhau nấc đạn", bởi khi buổi sáng sớm của ngày 30/4/1975 lịch sử ấy, những người lính còn "dồn đạn vào nòng" để quyết chiến trong trận đánh cuối cùng: "Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng/ Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh/ Hòa bình và chiến tranh/ Cách nhau bằng nấc đạn/ Súng đã khóa an toàn".

Theo bước đoàn quân tiến vào Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 lịch sử ấy, hầu hết các nhà thơ đều có những rung động, những cảm xúc "mừng hơn mọi nỗi mừng". Nhà thơ Bằng Việt, khi ấy là một phóng viên chiến trường đã theo sát những bước tiến của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã không kìm nén được xúc cảm của mình mà thốt lên những câu thơ mộc mạc mà sâu lắng trong đêm hòa bình đầu tiên: "Đi giữa phố, khóc cười như trẻ nhỏ/Cái giây phút một đời người mới có/ Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ như mơ" (Đêm 30/4/1975).

Những khúc khải hoàn ca - Ảnh 3.

Chiến thắng 30/4/1975 kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm, đem lại hòa bình, thống nhất đất nước, non sông nối liền một dải. Trong những giây phút mừng vui tột cùng của ngày đại thắng, nhà thơ Chế Lan Viên đã gọi đó là "Ngày vĩ đại", với những câu thơ như khúc khải hoàn ca đầy tính nhân văn sâu sắc.

"Tôi muốn bay lên cao nhìn xuống non sông cho thỏa mắt/ Từ Nam Quan đến Cà Mau tít tắp/ Mỗi điệu múa lời ca như cũng có thần/ Cả Tổ quốc Hùng Vương liền một dải/ Ngoảnh mặt nhìn đâu cũng thấy anh em…" (Ngày vĩ đại).

Hòa trong không khí hân hoan của giờ phút lịch sử kết thúc cuộc chiến, "toàn thắng về ta", nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ như tiếng reo vui và khẳng định đại thắng 30/4/1975 là sự thực hiện tuyệt vời ý nguyện của Bác Hồ, đồng thời cũng là ý nguyện của toàn dân tộc trong bài thơ "Toàn thắng về ta" (bài thơ đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 1/5/1975).

"Ôi, nỗi mừng hơn mọi nỗi mừng/ Trào vui nước mắt cứ rưng rung/ Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/ Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng"; và "Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa".

Nhưng để có "Ngày vĩ đại" và "Toàn thắng về ta" thì biết bao anh giải phóng quân là đồng đội của các nhà thơ khoác áo lính đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến và ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, khi mà "chiến tranh và hòa bình chỉ cách nhau một nấc đạn". Nỗi đau ấy đã được nhà thơ Ngô Thế Oanh tưởng nhớ tri ân bằng những câu thơ thật xúc động trong bài "Khoảng lặng yên tháng Tư".

"Những lá cờ trên những ô cửa sổ đỏ tươi/Những lá cờ… không hiểu sao tôi bỗng rưng nước mắt/Quân phục đẫm mồ hôi bụi đất/Chiếc bi đông chuyền tay cứu khát/ Những vòm sao cao vút trên đầu/Cụm mây trắng tinh di động về đâu/Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi/Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng/Bỗng thấm thía hơi ấm bàn tay bạn/Đất dịu mát dưới chân không sao thốt nên lời"…

Đã 46 năm trôi qua, kể từ ngày "Toàn thắng về ta", nhưng đọc lại những vần thơ viết về "Ngày vĩ đại" 30/4/1975, chúng ta vẫn như được sống với những rung động, cảm xúc và không khí của thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy. Đó chính là những vần thơ đã thực sự khắc ghi sâu sắc trong lòng bạn đọc và chắc sẽ mãi còn được ngân vang như một khúc khải hoàn ca chiến thắng.