Cá voi xanh có khối lượng chất béo nhiều nhất. (Ảnh: Bayanbox).
Theo một nghiên cứu năm 1968 tiến hành trên 49 loài động vật có vú ở Mỹ và Brazil, các nhà khoa học suy luận rằng cá voi xanh, loài động vật lớn nhất trên Trái Đất, có tỉ lệ chất béo cao nhất trong số động vật có vú - hơn 35%. Với cân nặng lên tới 180 tấn, lượng mỡ của một con cá voi xanh dễ dàng đạt 63 tấn.
Cá voi đầu bò bị săn để lấy mỡ. (Ảnh: WWF).
Mô mỡ ở động vật biển có vú đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ma sát khi bơi, giúp chúng nổi, phòng vệ, cách nhiệt và dự trữ năng lượng. Trong họ cá voi, cá voi đầu bò (Eubalaena) có lớp mỡ dày nhất.
"Chúng chậm chạp và béo, khi bị phóng lao, cơ thể chúng sẽ nổi lên mặt nước nên dễ thu hồi. Trong khi hầu hết các các giống cá voi khác chìm xuống", tiến sĩ Sam Ridgway, chủ tịch tổ chức bảo vệ động vật biển có vú quốc gia (NMMF), Mỹ giải thích.
Có ba loại cá voi đầu bò ở Bắc Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Nam Đại Dương, được xếp vào những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới do nạn săn bắt trong thế kỷ 19 để lấy mỡ làm xà phòng, nhiên liệu cho đèn và thậm chí cả bơ thực vật.
Hải mã, hay còn gọi là con moóc, có lượng chất béo lớn. (Ảnh: BBC).
Trong lớp động vật chân màng, hải cẩu và hải mã có thể xem là những ứng cử viên cho danh hiệu động vật béo nhất thế giới. Cơ thể chúng 18% là mỡ và 44% là cơ. Những con non mới cai sữa có thể đạt tỉ lệ chất béo cao sau khi uống sữa mẹ.
Hải tượng con. (Ảnh: BBC).
Cơ thể hải tượng, hải cẩu trùm mũ, hải cẩu Greenland, hải cầu đeo vòng con có thể chứa 50% mỡ khi mới cai sữa. Nhưng chất béo này không tồn tại lâu.
Hà mã có da dày chứ không béo. (Ảnh: BBC)
Hà mã được biết đến với vẻ ngoài đồ sộ nhưng 18% của cơ thể nặng 1,5 tấn là da. Dưới lớp da dày 5cm là lớp mỡ tương đối mỏng.
Lạc đà có bướu nhiều mỡ. (Ảnh: BBC)
Mỡ không chỉ để giữ ấm, khi được chuyển hoá, nó cung cấp nước thiết yếu cho động vật vùng sa mạc. Lạc đà có các bướu để dự trữ chất dinh dưỡng và chất béo. Các bướu này có thể nặng tới 35 kg.
Trên thực tế, lạc đà khá gầy vì hầu hết lượng mỡ trên cơ thể tập trung vào bướu. Theo lý thuyết, mỡ trong bướu giảm nhiệt các phần còn lại trên cơ thể, giúp chúng chống chịu với môi trường nắng nóng.
Bướm đêm bogong béo. (Ảnh: BBC).
Một số côn trùng được coi là béo so với kích thước của chúng. Bướm đêm và ấu trùng được biết đến như đồ ăn nhẹ giàu chất béo của thổ dân Australia.
Ấu trùng bướm cossid (Endoxyla leucomochla) còn gọi là ấu trùng witchettychứa 20% chất béo, trong khi bướm đêm bogong trưởng thành có tới 39%. Trong công viên quốc gia Yellowstone, Mỹ, gấu xám Bắc Mỹ ăn sâu ngài đêm để tích thêm mỡ trước khi mùa đông tới.
Ấu trùng witchetty toàn chất béo. (Ảnh: BBC).
Những loài côn trùng ở đồng cỏ miền Tây nước Mỹ xuất hiện nhiều vào mùa xuân. Khoảng tháng sáu, chúng di cư đến vùng khí hậu núi cao nơi chúng ăn mật hoa dại.
Sâu ngài đêm là loài béo nhất. (Ảnh: BBC).
Nếu cá voi xanh chỉ là loài động có vú có tỉ lệ chất béo cao nhất thì sâu ngài đêm là loài béo nhất trong thế giới động vật, với tỉ lệ chất béo chiếm 72% cơ thể khi thời tiết sang thu, giúp chúng tồn tại qua mùa đông lạnh giá.
"Về cơ bản chất béo là cách lưu giữ năng lượng của những loài côn trùng di cư. Một số loài có thể bay hơn 100 km một ngày không ăn, vì thế chúng cần năng lượng dự trữ lớn", nhà côn trùng học Todd Gilligan, đại học bang Ohio, Mỹ, giải thích.