Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những lời xin lỗi bóng nhẩy và trơn tuột !

Hiện nhiều người sử dụng việc xin lỗi như một chiêu trò để “hạ hỏa” dư luận, chứ không phải thành tâm, thành ý muốn sửa chữa, phục thiện, hoàn lại danh dự cho người bị tổn thương.

 

Ông cha ta khuyên: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ngay từ lời nói cũng đã phải lựa, phải chọn, thế mà trong việc xin lỗi một số người lại xuề xòa, cẩu thả. Biết sai không còn chốn lui thân phòng ngự, họ đành phải ‘muối mặt” nhũn co xin lỗi. Thế nhưng, mặc cho họ cố “sơn son, thếp vàng” nội dung xin lỗi, cùng với bộ mặt tang thương, hối cải cũng lộ ra cái bản mặt không phục thiện.

Đọc bức thư xin lỗi ông Trần Đình Bá của ông Cục trưởng Cục Hàng không (bức thư trên được nhiều báo đăng), thoạt nghe thật cảm động xen lẫn sự thán phục. Làm sai, dũng cảm nhận sai, sửa sai và xin người bị xúc phạm tha thứ, quá cầu thị .

Nhưng bất kỳ công chức, viên chức bình thường nào cũng nhận ra, lời xin lỗi ấy chỉ mang tính cá biệt, cá nhân, nó không có giá trị trong quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước. Đó chỉ là quan hệ giữa ông Cục trưởng với ông Trần Đình Bá, chứ không phải của Bộ Giao thông Vận tải với ông Trần Đình Bá.

Ông Trần Đình Bá.

Trong việc Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét bằng tiến sĩ của ông Trần Đình Bá, nếu có lỗi thì ông Bộ trưởng, người ký văn bản, hay người phát ngôn của Bộ nói lời xin lỗi mới hợp tình, hợp lý. Còn việc ông Cục trưởng nhanh nhẩu, vội vàng đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi chỉ là “kép phụ”, giống trò “áo gấm đi đêm”.

Có lẽ với quan niệm “tránh voi chẳng xấu mặt” nên ông Trần Đình Bá dễ dãi chấp nhận lời xin lỗi của ông Cục trưởng. Nhưng công luận không bao giờ chấp nhận việc xin lỗi nửa vời, chưa thấu tình, đạt lý như thế. Sự việc đặt không đúng chỗ, làm mất sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền, của đạo lý và pháp luật.

Nhân đây xin bàn thêm, hiện nay rộ lên phong trào xin lỗi và đòi xin lỗi. Trong đời sống, lời xin lỗi quá khó đối với một số người, nhưng cũng quá thừa thãi, dư dả đối với một số người, quan trọng nhất vẫn là cái tâm phục thiện thì họ thiếu vắng. Cha ông xưa nhắc: “Bát nước đổ không vớt lại được đầy”, ngàn lời xin lỗi cũng không khỏa lấp được nỗi đau đã gây ra. Nhà thơ Chế Lan Viên có câu: “Vết thương lành chỗ cắt vẫn còn đau”.

Xin ai đó đừng biến xin lỗi thành chiêu trò mị người, mị đời, mị dân, mị công luận, để vênh vang thân thế, hay che đậy khiếm khuyết cá nhân. Sự phục thiện, sửa đổi  không chỉ qua lời nói, mà phải bằng hành động thiết thực, hành động có ích cho mọi người, cho xã hội