Chúng tôi đến đảo Sinh Tồn một ngày trời rất đẹp, bầu trời trong vắt, biển xanh một màu xanh đến nao lòng. Giữa bốn bề sóng nước, Sinh Tồn hiện lên xanh tươi, nhìn xa cứ ngỡ như một làng quê nào đó trong đất liền. Ðược ưu tiên nên cánh phóng viên chúng tôi là những người đầu tiên đặt chân lên đảo. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã đứng đón sẵn ở cổng chào. Những đứa trẻ cũng theo chân bố mẹ ra đón đoàn. Thấy chúng tôi lỉnh kỉnh những đồ nghề tác nghiệp… chúng nhìn rất tò mò và háo hức. Sau lễ chào cờ thiêng liêng, vang vọng những lời thề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, ngay lập tức, vài đứa trẻ tách đoàn, líu ríu chạy theo chúng tôi. Dưới tán cây cổ thụ xanh mát, chúng ngồi bên tôi, tranh nhau kể chuyện.
Dễ dàng nhận thấy là hầu hết những đứa trẻ trên đảo có “chất biển” in đậm trong cả giọng nói, mái tóc và màu da. Xa đất liền hàng trăm hải lý, điều kiện khó khăn, ít được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, nhưng những đứa trẻ ở đây lại rất đáng yêu, gần gũi, thân thiện và lễ phép. Một cậu bé nhanh nhẹn giới thiệu: “Con tên là Võ Hoài Bảo An, năm nay con 8 tuổi, còn hai bạn này là Nguyễn Công Minh Hải và Võ Trung Trực, học cùng lớp với con. Kia là anh Võ Trung Tín, là anh trai của bạn Võ Trung Trực, năm nay anh 10 tuổi, là học sinh giỏi nhất đảo đó cô ạ. Còn ngồi ở kia là em Nguyễn Bình Minh Thủy…”. Sau màn chào hỏi thân tình ấy, chúng dẫn tôi về nhà chơi.
Khu dân cư trên đảo được xây dựng tập trung, khá khang trang với những ngôi nhà được thiết kế giống hệt nhau; phía trước là những tán cây xanh mát, những chậu hoa giấy rực rỡ với những bộ bàn ghế bằng đá để ngồi uống trà, trò chuyện; phía sau là vườn rau với những luống rau muống, rau cải, rau mùng tơi… và những giàn bầu bí xanh mướt; trong nhà, tivi, tủ lạnh, điện nước có đủ cả, cuộc sống không khác gì trong đất liền. Trong những tổ ấm ấy, hằng ngày những người chồng đi tuần tra quanh đảo hay ra biển chài lưới, người vợ ở nhà trông con, nội trợ và chăm sóc những vườn rau. Lúc chúng tôi vào thăm khu gia đình thì mọi người đang ở hội trường của đảo để đón tiếp đoàn công tác nên lũ trẻ lại dẫn tôi ra trường học.
Trường học trên đảo Sinh Tồn nằm ngay bên khu dân cư, rợp bóng cây, kế bên là chùa Sinh Tồn. Với đặc thù biển đảo, xa đất liền nên trường chỉ có hai cấp học: mầm non và tiểu học, học hết tiểu học, các em sẽ được vào bờ để học tiếp. Tuy đã được đầu tư cơ sở vật chất khá đầy đủ, nhưng việc học của các em ở đây vẫn gặp không ít khó khăn. Ðó là thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, thường xuyên phải hứng chịu những sóng to, gió lớn, mưa bão... Ðặc biệt, vì số lượng học sinh ít nên các em phải học chung một phòng, nhưng lại chia thành các nhóm lớp khác nhau nên việc học vất vả hơn. Thế nhưng, ngày ngày, các em vẫn ríu rít rủ nhau tới trường, tiếng đọc bài vẫn cứ vang vọng một góc đảo. Bên cạnh con chữ, đạo làm người, bài học xuyên suốt năm tháng tuổi thơ của các em giữa sóng gió trùng khơi là tình yêu biển đảo, là “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Thầy Nguyễn Ngọc Hạ, 28 tuổi nhưng đã có 6 năm bám đảo để gieo con chữ nơi đầu sóng, là một trong hai thầy giáo trên đảo Sinh Tồn tâm sự: “Ở đây, giáo viên vừa là người thầy, vừa là người bạn cùng các em thực hiện tốt các hoạt động giáo dục. Ðặc biệt là việc sử dụng triệt để hình ảnh trực quan sinh động để truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo vào từng tiết dạy, giúp các em hình thành nhân cách cũng như kỹ năng sống của mình”.
Ở đảo xa, không có công viên, rạp xiếc, khu vui chơi hay những trò chơi điện tử hiện đại, rất thiếu thốn và thiệt thòi, nhưng dường như những đứa trẻ trên đảo Sinh Tồn không cảm thấy buồn chán bao giờ. Mỗi khi hết giờ học, hay vào những ngày nghỉ, chúng lại tụ tập ở sân trường, hoặc sân nhà mình, những bé trai thì chơi trò: Cá mập lên bờ, đá lon bò sữa…; những bé gái thì chơi nhảy dây, chơi chuyền… Nhưng có lẽ, đứa nào cũng thích đến doanh trại chơi với các chú bộ đội vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, để nghe các chú kể chuyện, dạy hát hoặc dạy làm những cành hoa từ vỏ ốc. Cuộc sống kỷ luật, gọn gàng, ngăn nắp; tinh thần “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, “tất cả vì biển đảo yêu thương” cùng với những tài lẻ của các chú khiến các em rất ngưỡng mộ. Thế nên, trong nhiều ước mơ của mình, các em đều có chung một ước mơ, sau này trở thành bộ đội để bảo vệ biển đảo quê hương. Võ Trung Tín năm nay học lớp 4, chỉ còn hơn một năm nữa là em sẽ trở về đất liền để học tiếp, hớn hở nói: “Em rất yêu đảo Sinh Tồn và yêu các chú bộ đội. Ước mong của em là sau này sẽ trở thành chú bộ đội Hải quân, được trở lại đảo để bảo vệ biển đảo quê hương”. Ngược lại, được chơi với những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ cũng là niềm vui của những người lính đảo, như lời của Binh nhất Phan Ðình Duẩn: “Các em là một trong những điểm tựa tinh thần, sự động viên và niềm cảm hứng để chúng tôi vượt qua những khó khăn, vất vả, hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Ðã 4 năm trôi qua nhưng bài hát “Quê em ở Trường Sa” với những ca từ mộc mạc: “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển...” do các em bé trên đảo Sinh Tồn hát tặng chúng tôi lúc chia tay vẫn vang vọng đâu đây. Giờ đây, chắc Tín, Bảo, Trực, An… đã về đất liền để theo học tiếp, nhưng trên đảo vẫn còn Thủy, Hạnh… và một vài em bé nữa. Các em đúng là những “mầm non”, những đứa “con của biển”. Giữa biển trời mênh mông, các em đã, đang và sẽ cùng với cha mẹ và những cán bộ, chiến sĩ trên đảo đảm trách sứ mệnh thiêng liêng: Khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.