Ngày nay, con người dần chú trọng hơn trong việc lựa chọn chế độ ăn tốt cho sức khỏe, tăng cường các nguồn dinh dưỡng cần thiết. Trong đó, hoa quả, cơm, thịt… là những món không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày. Chúng ta đã biết cách ăn chúng làm sao cho ngon lành nhất nhưng lại không hề biết nên ăn vào lúc nào để có thể hấp thụ trọn vẹn dinh dưỡng, không sản sinh tác dụng phụ.
1. Chuối
Chuối là loại quả có đầy đủ chất xơ, kali và carbohydrate… Nó có thể cung cấp năng lượng ngay lập tức, thậm chí có thể được sử dụng thay thế gạo. Thời điểm tốt nhất để ăn chuối là vào bữa sáng. Ngoài ra, bạn có thể ăn nó như một bữa ăn nhẹ vào 4 giờ chiều để cảm thấy bớt thèm ăn.
2. Quả táo
Táo chứa rất nhiều chất dinh dưỡng giá trị và đặc biệt là polyphenols có vai trò trong giảm cân và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, bạn có biết nên ăn táo như thế nào là tốt nhất?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn nên ăn 1 quả táo vào bữa sáng mỗi ngày. Nếu không, bạn có thể ăn táo vào bữa trưa hoặc sau bữa tối cũng đều tốt.
Tuy nhiên, không nên ăn táo kèm với sữa kẻo có thể bị ngăn chặn sự hấp thụ sắt của cơ thể. Nên ăn táo cả vỏ bởi trong vỏ táo có chứa nhiều chất chống oxy hóa, kể cả polyphenol, hơn gấp 2,5 lần so với phần thịt.
3. Khoai tây
Khoai tây chứa nhiều vitamin C và B6, kali, mangan, chất xơ, photpho, niacin… Ngoài ra, loại thực phẩm này còn chứa flavonoid, carbohydrate sẽ cung cấp cho bạn một năng lượng tuyệt vời nếu như đều đặn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, bạn cần tránh ăn khoai tây vào bữa tối vì có thể gây đầy hơi, làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
4. Quả cam
Cam là loại quả giàu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, chất xơ, folate, chất chống oxy hóa… Bạn có thể uống nước cam vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng cần tránh uống vào buổi sáng vì nó có tính axit, có thể gây hại dạ dày.
5. Cơm
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn có thể ăn 1 bát cơm cho bữa trưa và sáng để cả ngày luôn tràn đầy năng lượng, nhưng nên hạn chế ăn cơm buổi tối vì sẽ khiến bạn dễ tăng cân, béo phì.
Ngoài ra, mỗi bữa cơm cũng không nên ăn quá no bởi khi dạ dày căng quá mức, nhu động co bóp chậm lại, dịch tiêu hóa tiết ra không đủ. Từ đó, thức ăn không được tiêu hóa hết gây trở ngại cho chức năng tiêu hóa , dẫn đến lão hóa.
6. Yến mạch
Yến mạch cung cấp nhiều chất xơ, các vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, protein… và được mệnh danh là "Nữ hoàng của các loại ngũ cốc". Vì chứa nhiều chất xơ, yến mạch đóng vai trò trong việc kiểm soát cơn thèm ăn trong ngày. Chính vì vậy, ăn một bát yến mạch lớn vào buổi sáng sẽ giúp bạn khỏe khoắn, no lâu, không có cảm giác quá đói cho đến bữa trưa.
7. Thịt đỏ
Thịt đỏ bao gồm: Thịt bò, thịt cừu, thịt heo, thịt bê, thịt nai, thịt dê, không bao gồm: Thịt gà tây, thịt vịt, thịt ngan, thịt chim, thịt gà, thịt thỏ. Dù thịt đỏ có hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng nhưng việc thường xuyên ăn loại thịt này sẽ đem lại tác hại không ngờ cho sức khỏe, gây ra nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ , ung thư…
Chuyên gia y tế tại Anh khuyến cáo tại Khảo sát Dinh dưỡng và Dinh dưỡng Quốc gia (NDNS), mỗi người không nên ăn quá 70g thịt bò mỗi ngày.
Nhìn chung, bạn có thể ăn thịt đỏ vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày miễn là ăn vừa phải, không nên ăn quá nhiều. Thời điểm duy nhất trong ngày không nên ăn thịt đỏ là vào buổi tối bởi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư…
8. Sữa chua
Sữa chua là một chế phẩm từ sữa tươi, có tác dụng rất tốt trong việc bổ sung canxi cho cơ thể. Bên cạnh đó, sữa chua còn chứa hệ men tốt probiotics – giúp giải quyết các bệnh về ruột, tăng cường hệ tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng.
Bạn nên ăn sữa chua vào buổi xế chiều hoặc là sau bữa tối khoảng 2h. Bạn không nên ăn sữa chua khi đói bởi sẽ làm kích thích đường ruột, khiến cho dinh dưỡng chưa hấp thụ đã bị đào thải ra bên ngoài.