Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những năm tháng cuối đời cật lực viết nhạc đầy khó khăn của nhạc sĩ “Bông hồng cài áo"

(Dân sinh) - Chân dung cuộc tình tập 6 mời khán giả gặp lại nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với những bản tình ca quê hương ngọt ngào và tuyệt phẩm kinh điển về tình mẫu tử “Bông hồng cài áo”. Chương trình sẽ tiết lộ những câu chuyện âm nhạc, lẫn cuộc đời được kể qua chính lời kể của những nghệ sĩ đã luôn yêu mến mà ngưỡng mộ Phạm Thế Mỹ như danh ca Phương Dung, ca sĩ Ánh Tuyết, đặc biệt là vợ của ông, ca sĩ Diệu Lý.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930 - 2009) tại Bình Định với hơn 6 thập kỷ sáng tác. Cái tên đã trở thành thân quen với những người yêu nhạc qua những bản nhạc tình tự quê hương như: Thương quá Việt Nam, Chuyến tàu về quê ngoại, Đường về hai thôn, Rạng Đông trên quê hương Việt Nam… Ông có khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm hàng trăm ca khúc, trường ca, ca khúc dành cho thiếu nhi và các bài hát phổ thơ. 

Đặc biệt, một bài hát đã ghi tên ông trong lòng công chúng, gợi lên những xúc cảm mạnh mẽ nhất về tình mẫu tử: Bông hồng cài áo. Và vẫn còn đó những bản tình ca thật nồng nàn, ra đời từ những cảm xúc ông dành cho mối tình đẹp của đời mình - ca sĩ Diệu Lý. Người phụ nữ đã trở thành bóng hồng cho những năm tháng đẹp đẽ của đời nghệ sĩ, dù có lúc phải trải qua muôn vàn gian khó.

Những năm tháng cuối đời cật lực viết nhạc đầy khó khăn của nhạc sĩ “Bông hồng cài áo" - Ảnh 1.

Chân dung nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

Xuất hiện trong Chân dung cuộc tình, chủ đề nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, danh ca Phương Dung bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian được làm việc cùng Phạm Thế Mỹ. Phương Dung kể: “Tôi gặp anh Phạm Thế Mỹ lúc đến thu đĩa cho ca khúc Người yêu và con sâu nhỏ. Anh ít nói, nước da ngăm, có một nụ cười dễ thương. Anh là người con trai miền Trung, nên tính cách điềm đạm. Dù chỉ gặp vài lần nhưng tôi tin rằng ai gặp cũng sẽ mến anh từ học trò, đồng nghiệp, ca sĩ, cả những người quê ở Bình Định”.

Nữ danh ca còn xúc động khi nói về Bông hồng cài áo, đây là tên của một bài tùy bút viết về Mẹ của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962 tại Sài Gòn. Bài viết kể về một tập tục cài hoa lên áo mà ông đã gặp ở Nhật Bản. “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Khi hát  tôi xúc động vì sau nhiều năm làm con và bây giờ làm mẹ, tôi thấm thía nhiều hơn. Bên ướt mẹ nằm, bên ráo cho con. Mỗi đứa con, tôi thương theo cách khác nhau. Tôi sợ mai đây tôi lìa xa các con mà chưa thổ lộ nhiều với các con. Khi nhớ lại những lần lỡ la mắng, đánh con, nhiều khi tôi cũng đau. Đây là một bài hát tôi thích nhất trong gia tài của Phạm Thế Mỹ. Tôi mong các con hiểu sâu xa hơn bài Bông hồng cài áo này, để sau này tôi có đi xa thì các con nhớ và truyền cho các cháu sau này”, nữ danh ca xúc động. Danh ca Phương Dung cảm ơn người nhạc sĩ đã cho ra đời một bài hát quá tuyệt vời về tình mẫu tử.

Những năm tháng cuối đời cật lực viết nhạc đầy khó khăn của nhạc sĩ “Bông hồng cài áo" - Ảnh 2.

Ca sĩ Diệu Lý lúc còn trẻ

 Vợ cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ kể về hoàn cảnh ra đời ca khúc Còn gì cho em được ca sĩ Xuân Nghi thể hiện trong chương trình: “Đây là bài hát nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết cho tôi trong những năm tháng khó khăn, ông vất vả sáng tác, vừa phải lo cho cuộc sống. Tâm trạng của anh ấy khi thấy vợ còn trẻ mà ông tóc đã bạc, tâm trạng lo lắng không yên. Dù bài hát buồn, nhưng vẫn có những điểm sáng. Ông tin rằng sẽ vượt qua khó khăn bởi niềm tin, ước mơ vẫn còn. Thời gian ấy, ông làm việc cực lực, những bài tình yêu riêng tư không được ông phổ biến rộng rãi như những bài hát viết cho quê hương, đất nước”.

Nữ ca sĩ Ánh Tuyết, người đặc biệt yêu mến Phạm Thế Mỹ cũng thổ lộ, chị gặp ông rất nhiều lần trên Hội âm nhạc và yêu con người của ông. “Ông là một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng thật thà, bình dị. Ông mang một nụ cười hiền lành. Tôi hỏi thì chưa thấy ai ra album cho ông cả, dù tác phẩm của ông đóng góp nhiều cho nền âm nhạc của Việt Nam. Xuất phát tình cảm quý mến dành cho ông, tôi làm hai album bằng nhiệt huyết, tình cảm, sự trân quý dành cho Phạm Thế Mỹ. Tôi đọc kỹ, hiểu từng giai điệu, ca từ, hiểu cách ông đặt tấm lòng vào từng ca khúc. Ông thật, sống hết lòng nên viết những ca khúc thật đến vô cùng. Ông sống tất cả vì quê hương đất nước”, Ánh Tuyết xúc động nhớ lại. Sau khi nhạc sĩ qua đời, ca sĩ Ánh Tuyết cùng những người bạn tổ chức một đêm nhạc nhằm tưởng niệm một năm ngày ông ra đi.