Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những ngành học rộng cửa cơ hội việc làm

(Dân sinh) - Mỗi kỳ tuyển sinh, trong các buổi tư vấn hướng nghiệp, câu hỏi luôn được các bạn trẻ đưa ra là nghề nào có cơ hội việc làm cao và mức thu nhập tốt. Việc định hướng, đón đầu nghề nghiệp phù hợp với bản thân và xu thế của xã hội rất quan trọng, quyết định thành công của mỗi người.

Những ngành học rộng cửa cơ hội việc làm  - Ảnh 1.

Học Thương mại điện tử, cơ hội việc làm rộng mở.

Cơ hội việc làm với Thương mại điện tử

Báo cáo Facebook cuối tháng 6/2021 cho thấy, mua sắm qua thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay vì chỉ là hình thức đối phó trong thời dịch Covid-19. Giai đoạn 2020 - 2021, Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực từ thói quen mua sắm, kinh doanh trực tuyến của cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp trong cả nước, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD.

Theo PGS.TS Đỗ Quang Giám, Trưởng khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cơ hội việc làm của cử nhân ngành Thương mại điện tử rất rộng mở, có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Thương mại điện tử và sự gia tăng đầu tư của nhiều doanh nghiệp vào loại hình kinh doanh "hái ra tiền" này.

PGS.TS Đỗ Quang Giám cho biết, chương trình đào tạo cử nhân ngành Thương mại điện tử được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực còn khá mới mẻ và đầy tiềm năng này ở Việt Nam cũng như quốc tế. Với những kiến thức và thế mạnh về xây dựng chiến lược kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực công nghệ, tin học, ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử có thể dễ dàng có việc làm tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.

Theo đó, cử nhân ngành Thương mại điện tử có thể làm việc tại nhiều vị trí như: Khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử; chuyên viên xây dựng, quản lý và điều hành hệ thống giao dịch thương mại và kinh doanh trực tuyến: Giám đốc thông tin (CIO), Giám đốc E-Marketing.

Chuyên viên kinh doanh trực tuyến tại các công ty thương mại điện tử; chuyên viên kinh doanh các hoạt động truyền thông quảng cáo online; chuyên viên phân tích sự phát triển của thương mại điện tử; quản lý hiệu suất của hoạt động thương mại điện tử; phụ trách việc quản lý các website thương mại điện tử của công ty.

Chuyên viên tư vấn tại các công ty cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp thương mại điện tử, xây dựng và bảo trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Chuyên viên thực hiện các hoạt động phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm tại các công ty phần mềm; giảng viên ngành Thương mại điện tử. Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước chuyên quản lý hoặc ứng dụng thương mại điện tử…

Trí tuệ nhân tạo -  lương cao, đang hiếm nhân lực

Mặc dù trả lương rất cao, nhưng nguồn nhân lực Trí tuệ nhân tạo (AI) chất lượng vẫn rất khan hiếm. Theo Google Brain, trong năm 2020 nhu cầu nhân lực phục vụ AI là khoảng 1 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Ở Việt Nam, hiện nay nhân lực IT có khoảng trên 400.000, sinh viên Công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm là 50.000 từ hơn 153 trường đào tạo, nhưng rất nhiều công ty vẫn không thể tuyển dụng được các chuyên gia, kỹ sư AI chất lượng. Gần đây Việt Nam cũng xác định AI là một trong những ngành công nghệ đột phá, mũi nhọn, cần được triển khai, nghiên cứu.

Những ngành học rộng cửa cơ hội việc làm  - Ảnh 3.

“Khát” nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo.

Theo các chuyên gia, ngành học này cũng là một ví dụ tiêu biểu trong xu hướng phát triển đào tạo mới theo hướng liên ngành, giúp sinh viên có kỹ năng không chỉ của một ngành mà tích hợp nhiều ngành. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi ở người lao động.

Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nắm bắt các công nghệ mới như dữ liệu lớn, blockchain, trí tuệ nhân tạo, từ đó tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng. Ngoài ra, lĩnh vực tiếp thị ở Việt Nam hiện đang là một mảnh đất màu mỡ cho việc ứng dụng AI, đặc biệt nhờ vào các lợi thế về sự gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp đa quốc gia vào Việt Nam, bên cạnh đó là cộng đồng dân số trẻ, có niềm đam mê kinh doanh.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong số này, lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI còn nhỏ, chưa kể những dự án khởi nghiệp thành công chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Do vậy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam mới dừng ở bước ban đầu, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI hạn chế, chưa có nhiều thành tựu đột phá để giải quyết các nhu cầu của đời sống. Trong khi đó, tiềm năng ứng dụng AI ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông…