Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những ngày tháng ba ở trường Dục Thanh

Vào những ngày tháng 3 này, nhiều đoàn khách trong và nước ngoài lại đổ về trường Dục Thanh tham quan tìm hiểu, dâng hương hoa, tưởng nhớ tới Bác Hồ. Đặc biệt tại khu di tích này du khách được nghe những câu chuyện cảm động về dạy chữ Quốc ngữ, Hán văn, Pháp văn, truyền bá tư tưởng yêu nước cho học sinh…và cách sống dản dị và yêu lao động của Người.

Chúng tôi tới Trường Dục Thanh (Bình Thuận) vào những ngày cuối tháng 3, tiết trời đang chuyển dần vào hạ. Trường Dục Thanh có khuôn viên rộng rãi thoáng mát, không gian của trường rợp bóng cây cổ thụ, từng đợt gió mang theo hơi nước êm dịu từ sông Cà Ty thổi vào mát lạnh. Mỗi ngày có tới hàng trăm đoàn khách tới đây tham quan. Khi tới đây, chúng tôi được nghe về nhiều mẫu chuyện kể về Bác Hồ khi Người dừng chân dạy học tại khu di tích này, thật cảm động.

Học sinh tham quan ở trường Dục Thanh

Tâm sự với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu Lan, chuyên viên bảo tàng, hướng dẫn viên du lịch tại trường Dục Thanh, đã từng làm việc 7 năm tại đây cho biết: Trường Dục Thanh được xây dựng vào năm 1907, để hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng lúc bấy giờ. Trường do các cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (hai người con của nhà văn - thơ yêu nước Nguyễn Thông) thành lập. Mục tiêu của phong trào Duy Tân và của trường là mở mang dân trí, thức dậy ý thức giống nòi, dân tộc. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất ở Bình Thuận lúc bấy giờ. Năm 1910, trên đường đi tìm đừơng cứu nước, Nguyễn Tất Thành được cụ nghè Trương Gia Mô giới thiệu đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh. Học sinh của trường có khoảng 60 người, do 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, thể dục thể thao... Thầy Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy Quốc ngữ, Hán văn. Trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, thầy Thành còn bằng tình cảm người thầy, người anh, truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Mỗi một giờ học, mỗi một môn học Thầy Thành đều dạy cho học sinh tình yêu quê hương, yêu đất nước, tinh thần chăm chỉ học tập, lao động. Những giờ học ngoại khóa, những lúc rảnh thầy dẫn học sinh du ngoạn cảnh đẹp ở thị xã Phan Thiết lúc bấy giờ như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa... Năm 1911, thầy Thành rời trường Dục Thanh - Phan Thiết vào Sài Gòn vượt đại dương đi tìm con đường giải phóng dân tộc.

Du khách dâng hương tại khu di tích

Khu di tích trường Dục Thanh gồm có các công trình chính: Một gian nhà lớn phía trước với những bộ bàn ghế gỗ ngăn nắp vốn là nơi diễn ra hoạt động dạy học của thầy trò trường Dục Thanh. Bên phải gian nhà chính là Nhà Ngư được xây dựng năm 1906 và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của học sinh. Ở dãy phía sau, Ngọa du sào là ngôi nhà được xây dựng vào năm 1880 của cụ Nguyễn Thông. Vào những năm cuối đời, cụ Nguyễn Thông ở căn nhà này ngâm thơ, bình văn và luận bàn công việc với các sĩ phu yêu nước. Lúc ở trường Dục Thanh, thầy Thành đọc sách, soạn bài ở Ngọa du sào. Ngôi nhà này cũng được tu bổ lại, các hiện vật trước đây vẫn được bố trí sắp xếp theo trình tự ngăn nắp. Không gian bên ngoài ngôi nhà có rất nhiều hiện vật sông gần trăm năm, và trên trăm năm như: Cây khế, giếng nước, khu nhà ngư gắn bó với cuộc đời làm thầy của Bác Hồ ở Dục Thanh nên đó cũng là những hiện vật quan trọng nhất trong khu di tích.

Cây khế Bác Hồ trồng trong khu di tích trường Dục Thanh

Trò chuyện với một số du khách, cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên phụ trách đoàn đội trường THCS Bắc Bình (Bình Thuận) cho biết: “Cứ vào đầu tháng 3 hàng năm, chúng tôi lại tổ chức cho các em đi tham quan tại khu di tịch trường Dục Thanh, qua những đợt tham quan này giúp các em thoải mái để bước vào kỳ thi cuối học kỳ, qua đây cũng giúp các em có thêm kiến thức hiểu biết về xã hội, rèn luyện ý thức đạo đức, gương mẫu tự giác trong học tập”. Em Mai Thị Thu, sinh viên năm thứ 2, khoa Báo chí, trường đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Di tích trường Dục Thanh là một nơi tham quan lý tưởng, qua các lần tham quan thực tế thế này, giúp em hiểu nhiều hơn về Bác Hồ, người thầy đáng kính hết lòng về học sinh và đạc biệt chúng em có thêm nhiều tư liệu quý về Bác Hồ”. Với đôi mắt trong sáng, khuôn mặt hồn nhiên em Nguyễn Mạnh Hùng, học sinh trường PTTH Tuy Phong (Bình Thuận) nói: “Đã lâu lắm em có ước mơ được đến tham quan di tích lịch sử trường Dục Thanh, hôm nay ước mơ đó đã trở thành hiện thực, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng với công lao dạy dỗ của thầy cô và căn dạn của Bác Hồ đối với học sinh, em hứa sẽ cô gắng ôn thi thật tốt thi đỗ tốt nghiệp và phấn đấu thi đậu đại học”. Cũng tại khu di tích này, những ngày tháng 3, hàng nghìn học sinh, sinh viên lại đến đây dâng hương báo cáo thành tích học tập với Bác Hồ. Theo Ban quản lý khu di tích lịch sử trường Dục Thanh thì 3 tháng hè là thời điểm khách du lịch đến đây tham quan đông nhất, năm 2014, có trên 10 000 lượt du khách tới đây tham quan. Trong thời gian tới Sở VH-TT&DL Bình Thuận sẽ tiếp tục cho in ấn các tài liệu, về những ngày thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học nơi đây để du khách tiếm cận một cách dễ dàng nhất.  

Chị Nguyễn Thị Thu Lan giới thiệu về khu di tích trường Dục Thanh