Xe tăng Tàu bị bắn hạ ở Hòa An (Cao Bằng). Ảnh: Tư liệu
Hành trình gian nan
Mẹ tôi bị ốm về Hà Nội chữa bệnh trước đó 02 ngày, nên không ở nhà. Tôi là chị cả nhưng mới lớn còn rất vụng về, không biết mang gì đi, chỉ kịp vơ vài bộ quần áo, ít gạo, vài vật dụng lặt vặt và một hộp sữa ông Thọ ở trên kệ tủ... Rồi mấy bố con đi lối cửa sau, hòa vào dòng người tản cư lên rừng, tìm đường về dưới xuôi.
Không thể kể hết những nỗi cơ cực trong những ngày tản cư ấy, vì bố con không biết đường, đói, khát, suốt ngày phải lẩn tránh quân Tàu bởi chúng đông như kiến cỏ. Thằng em út lại bị lên sởi sốt hầm hập, may mà có hộp sữa ông Thọ cho nó tu (cũng chỉ 02 thìa một ngày) thương quá! May có tổ tiên và Trời phật phù hộ, mà nằm rừng rú lạnh lẽo thế sởi cũng không biến chứng.
Hồi ấy, các gia đình tản cư thường đi thành nhóm với nhau, cùng chia sẻ khó khăn. Nhóm tôi có gia đình tôi và hai nhà khác. Bố tôi một nhà giáo có dáng vẻ mảnh khảnh nhưng có trí nhớ và đầu óc phán đoán tốt mặc nhiên thành trưởng đoàn. Buổi sáng bố tôi thường nghe tiếng súng, phân tích tình hình và quyết định đi về hướng nào để cà đoàn đi. Đồng bào dân tộc nơi chúng tôi đi qua rất tốt bụng, họ sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho dân sơ tán, các nhà sàn luôn mở rộng cửa đón chúng tôi. Ơn trời, chúng tôi chưa bị giặc phát hiện. Tôi nhớ một lần hết lương thực, chúng tôi vào hai nhà sàn ven bìa rừng. Chủ nhà đi vắng nhưng còn thóc, gạo, gia cầm vẫn trong chuồng. Tôi làm thịt con gà nấu cháo, mấy bố con sì sụp chan húp. Sau những ngày đói khát, đó là bữa ăn ngon nhất của chúng tôi. Ăn xong, chợt nghe tiếng Tàu ngậu xị từ xa. Chúng tôi hoảng loạn nháo nhào tìm chỗ ẩn náu. Tôi và em út nhảy vào cót thóc, hai cậu em chui xuống gầm giường, còn bố tôi leo lên gác xép đựng ngô. Lúc đó, giặc đã kéo tới đầy sân. Chúng nói loạn xạ tôi chẳng hiểu gì, nhưng đoán đây có lẽ là một tốp trinh sát tìm đường. Một thằng lính sơn cước cao to bước lên cầu thang. Chiếc thang gỗ mỏng manh run rẩy cọt kẹt dưới sức nặng của hắn. Tôi sợ đứng tim, ôm chặt cậu em đang run lẩy bẩy. Mỗi bước chân của hắn làm tìm tôi như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Qua lỗ thủng nhỏ, tôi thấy hắn lên tới sàn đảo mắt nhìn xung quanh, vào buồng (nơi có hai cậu em tôi nấp) lục lọi đống hòm, quần áo... không thấy gì đáng giá hắn quay ra, đi xuống. Rồi cả bọn kéo nhau cút. Hú vía! Mấy chị em tôi mặt xanh như tàu lá, chỉ có bố tôi là vẫn bình tĩnh. Nói dại nếu bọn chúng quăng mồi lửa lên nóc nhà thì tôi không còn có cơ hội viết những dòng này.
Bệnh viện huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) bị tàn phá tan hoang. Ảnh: Tư liệu
Lần khác, mấy bố con tôi phải lánh nạn trong hang với nhiều người, ngoài cửa hang tiếng chân giặc chạy sầm sập rung cả đất, tôi nhìn thấy chúng rất gần, mặc quần áo màu cỏ cháy, chân quấn xà cạp... Những tên chỉ huy luôn quát "Tả khoái! Tả khoái!..." giục bọn lính chạy nhanh hơn. Bố con tôi và mọi người chứng kiến tiếng đạn pháo nổ chát chúa đỏ rực góc trời, tiếng đạn rít trong không khí lạnh nghê người. Không gian sặc mùi khét lẹt của thuốc súng, mùi thịt cháy (Tàu không chôn xác mà tưới xăng đốt luôn), nghe tiếng quạ kêu ầm ĩ, khung cảnh thật u ám, ghê rợn... Thế nhưng không hiểu sao, em lớn của tôi vẫn bẻ cây mọc trên vách hang, kết lại thành cái cọn nước nhỏ cho hai em chơi ở dưới dòng suối nhỏ trong hang? Mặc kệ chết chóc ở ngoài kia, mấy anh em vẫn chơi rất say mê. Có lẽ trẻ con hồn nhiên không biết sợ??? Tôi nhớ mãi nụ cười vô tư và ánh mắt trong veo của cậu em út. Đó là nét lặng bình yên nhất, trong những ngày chiến tranh biên giới đối với tôi.
Mặc dù, các anh bộ đội và dân quân tự vệ của Cao Bằng chiến đấu rất dũng cảm, nhưng bọn chúng dùng chiến thuật “biển người”, cứ tràn lên chốt. Bộ đội bắn đỏ cả nòng súng, hết đạn phải rút lui. Nhiều chiến sĩ hi sinh. Gia đình tôi gặp một chiến sĩ trẻ tên Quỳnh lạc đơn vị đói lả và bị thương, đã đưa vào nhà một người dân tộc cứu chữa... Quỳnh kể, anh và đồng đội đã bắn tới viên đạn cuối cùng, các đồng đội 18, đôi mươi đã hi sinh hết, cả chốt còn lại mình anh. Dù bị thương anh vẫn cố lết xuống dướ đồi rồi ngất đi, tỉnh lại gặp chúng tôi. Sau hai ngày anh đỡ hơn, gặp được dân quân, tự vệ chúng tôi chia tay và anh Quỳnh tặng bố con tôi một chiếc bi đông (đựng nước) của Nga làm kỉ niệm. Bây giờ anh Quỳnh ở đâu, mong anh đọc được bài viết này bởi tôi rất mong được gặp lại anh.
Tù binh bị bộ đội bắt tại Cao Bằng. Ảnh: Tư liệu
Mới một thời gian ngắn mà tưởng như dài vô tận và tôi đã cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh. Nghe tin một cô bạn cùng lớp giặc bắt được trong lúc tản cư đã bị hãm hiếp; một người hàng xóm tôi vừa gặp trúng đạn pháo đã qua đời (thật là kinh khủng). Bố bắt tôi mặc quần áo lôi thôi, lếch thếch và lấy nhọ nồi bôi vào mặt tôi... Trong nửa tháng đó, quân địch không chỉ sát hại dã man đồng bào ta mà còn gây ra những sự tàn phá kinh hoàng, khó tưởng tượng. Giờ nghĩ lại tôi còn thấy sợ... Mong sao không bao giờ có chiến tranh, để nhân loại được sống trong hòa bình.
Vẫn cô du kích nhỏ giương cao súng… Ảnh: Tư liệu
Vượt lên từ đống hoang tàn
Lếch thếch đi bộ băng rừng, cuối cùng tôi và gia đình cũng ra tới Ngân Sơn. Được một xe quân sự của bộ đội cho đi nhờ xuống Hà Nội. Gặp lại mẹ ở nhà bà, chúng tôi mừng mừng tủi tủi nước mắt tuôn rơi. Được biết, mẹ tôi gần như hóa điên, gào khóc vì tưởng bố con tôi không còn, đã lặn lội lên cả Ngân Sơn tìm mà không thấy lại quay về Hà Nội.
Ngày trở về thị xã Cao Bằng, cả dãy phố tan hoang, nhà tôi may không bị phá sập (ở vị trí nhô ra trong phố nên bọn chúng chọn ở để làm nơi quan sát), nhưng nứt nẻ nghiêm trọng và không còn một thứ gì, kể cả cây đàn ghi ta cũng bị đập nát. Chỉ duy nhất có một con cá vàng trong bể nước (không hiểu sao chẳng được ăn mà vẫn còn sống?) Có lẽ thấy nhà tôi nhiều sách (vì bố tôi dạy Văn và mua rất nhiều sách văn học, lịch sử), mà bọn chúng ghi hàng chữ Tàu ở cửa buồng "phong cho" là “Giáo sư sử học”???
Như nhiều người khác, gia đình tôi bắt đầu một cuộc sống thiếu thốn, xây dựng lại từ đầu. Vượt lên tất cả, bố mẹ đã nuôi chị em tôi khôn lớn, trưởng thành.
Đã 38 năm trôi qua..., từ đống đổ nát hoang tàn đã mọc lên những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Thị xã Cao Bằng nhỏ xinh của tôi đã lên thành phố, đẹp lung linh như viên ngọc bích bên bờ sông Bằng Giang. Cảnh vật và con người đều đã khác xưa, nhưng những ngày khốc liệt ấy vẫn không thể xóa nhòa trong kí ức của tôi...
Bạch Dương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em