Vào thời mà mọi người dân đều đang canh cánh nỗi lo về dịch bệnh và đời sống khốn khó thì nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bị xếp xuống hàng thứ yếu. Đó là một nhẽ. Nhưng trong bối cảnh giãn cách, phong tỏa kéo dài và đặc biệt với những bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, những món ăn tinh thần lại trở nên hết sức quan trọng. Sự hiện diện của những nghệ sĩ vào lúc này vẫn là vô cùng cần thiết nhưng họ hiện diện theo cách khác và làm nghệ thuật vào lúc này cũng nhắm tới những mục đích khác so với thời bình thường.
Tất cả nhà hát, phòng trà, tụ điểm hoạt động nghệ thuật đều đóng cửa dài ngày. Nhưng các nghệ sĩ vẫn có không gian, công chúng để cống hiến tài năng của mình. Họ lấy mặt bằng ở các bệnh viện dã chiến - những nơi mà bao người đang phải làm việc hết sức để giành giật sự sống cho mỗi con người, để làm nơi biểu diễn. Khán giả của họ là những thầy thuốc, tình nguyện viên và bệnh nhân. Trang phục "biểu diễn" của họ là những bộ đồ bảo hộ y tế, với khẩu trang che kín mặt... Không ánh sáng lung linh, dàn âm thanh chỉ là chiếc "loa kẹo kéo" thô mộc, đệm bằng một cây organ hay guitar thùng cũng là quý lắm rồi...
Thế nhưng, họ đã biểu diễn bằng tất cả sự say mê, niềm xúc động, mang đến những bài bát, bản nhạc đong đầy cảm xúc. Trong số họ, không ít người vào "thời bình thường" đi diễn với mức cát xê hàng chục triệu đồng, như: NSND Tạ Minh Tâm, Phương Thanh, Tóc Tiên, Erik, Đại Nghĩa... Vào lúc này, họ sẵn sàng diễn bất cứ lúc nào, ở đâu, vô điều kiện. "Cát xê không tính bằng tiền mà tính bằng những nụ cười, tình cảm nồng ấm mà khán giả trao tặng sau mỗi tiết mục", ca sĩ Phương Thanh chia sẻ.
Một tình nguyện viên kể rằng, nhiều bệnh nhân khi được xem các nghệ sĩ biểu diễn đã hết sức xúc động. Bởi từ trước tới giờ, họ chỉ được nghe tên hoặc thấy những nghệ sĩ ấy trên truyền hình, giờ lại được gặp ở một bối cảnh "đặc biệt" như vậy...
Không chỉ biểu diễn nghệ thuật, nhiều tháng nay, hơn 100 nghệ sĩ ở TP.Hồ Chí Minh đã tham gia đội tình nguyện viên do Thành đoàn tổ chức. Hằng ngày, họ làm điều phối viên ở các điểm xét nghiệm, tiêm chủng, vận động quyên góp và vận chuyển hàng hóa đến cho bà con ở các vùng đang phong tỏa... Họ còn tranh thủ thời gian thăm hỏi, động viên, chăm sóc đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu...
Dịch bệnh đã "cướp" đi khá nhiều nghệ sĩ. Và những người ở lại sẽ làm thay cả phần việc của những người đã ra đi. Họ đang sống những tháng ngày đầy giá trị của người nghệ sĩ chân chính để cùng nhau hướng tới ngày mai. Khi cuộc sống trở lại bình thường, chúng ta sẽ lại hân hoan trong âm nhạc, như lời nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn...