Huyện đảo Trường Sa hiện có 3 trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật (HC-KT) nghề cá và 2 làng chài, gồm: Trung tâm dịch vụ HC-KT đảo Song Tử Tây; Trung tâm dịch vụ HC-KT đảo Sinh Tồn; Trung tâm dịch vụ HC-KT đảo Trường Sa; làng chài Tốc Tan; làng chài Núi Le do Hải đoàn 128 và Hải đoàn 129 Hải quân quản lý, vận hành; Trung tâm Dịch vụ hậu cần (DVHC) nghề cá đảo Đá Tây do Bộ NN&PTNT quản lý.
Đến với các âu tàu và làng chài là đến với những ngôi nhà chung giữa biển, bà con ngư dân được khám, chữa bệnh miễn phí tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa; được sửa chữa, thay thế những hỏng hóc thông thường, cấp nước ngọt miễn phí. Đối với nhiên liệu cho tàu hoạt động thì cung cấp cho bà con bằng với giá ở đất liền. Với đội ngũ thợ sửa chữa có kinh nghiệm và tay nghề cao, trong những năm vừa qua đã có hàng trăm tàu cá vào sửa chữa và cấp nước ngọt miễn phí.
Từ nhiều năm qua, Trung tâm DVHC nghề cá đảo Đá Tây là điểm đến tiếp tế hầu hết của nhiều tàu cá ngư dân ta, chủ yếu là tàu cá thuộc các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận. Ông Nguyễn Khắc Định, Phó Giám đốc Trung tâm DVHC nghề cá đảo Đá Tây cho biết: Trung tâm DVHC nghề cá đảo Đá Tây thuộc Cty TNHH MTV Dịch vụ khai thác Hải sản Biển Đông được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ đi vào hoạt động từ tháng 5/2005. Với chức năng, nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của bà con ngư dân đánh bắt trên ngư trường Trường Sa như: Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển cho bà con ngư dân (với giá tương đương trên bờ) nhằm tăng thời gian khai thác, tăng hiệu quả kinh tế cho các tàu khai thác thủy sản; nhận sửa chữa tàu thuyền bị hư hỏng, cứu hộ, cứu nạn trên biển; cung cấp nước ngọt miễn phí, tiếp nhận, sắp xếp nơi ăn nghỉ cho bà con ngư dân khi đau ốm, bệnh tật hay tránh trú bão…
Được nâng cấp xây dựng từ tháng 4/2013 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 9/2017, hiện Trung tâm có âu tàu diện tích 13ha, được chắn gió bằng đê kè bê tông cao hơn 5m, sức chứa cùng lúc đến 200 tàu cá và diện tích cho các công trình dịch vụ trên bờ là 8ha, gồm: Nhà máy chế biến nước đá (mỗi mẻ 830 cây đá), nhà máy chế biến hải sản, hệ thống triền đà kéo tàu lên bờ sửa chữa, khu cửa hàng dịch vụ hậu cần nghề cá; 2 khu nhà làng chài với hàng chục phòng nghỉ đủ tiện nghi thiết yếu cho ngư dân vào nghỉ khi tránh trú bão, hoặc ốm đau (không thu phí)… Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quý I/2023, trung tâm đón 303 tàu vào âu tàu DVHC; cung ứng 17.190 cây đá nước, 56.000 lít dầu Diezel (bằng giá đất liền), cung cấp 446m3 lít nước ngọt (miễn phí) cho ngư dân; sửa chữa 18 tàu thuyền cho ngư dân (miễn phí tiền công, chỉ lấy tiền thay thế phụ tùng bằng giá đất liền).
Trong chuyến hải trình đến với Trường Sa từ ngày 20 - 26/5/2023 (Đoàn công tác số 19, do Đại tá Nguyễn Quốc Doanh, Phó Tham mưu Trưởng Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn), chúng tôi gặp và trò chuyện cùng nhóm ngư dân trên tàu câu mực vừa cặp bến âu tàu đảo Đá Tây, các ngư dân cho biết, tàu ra ngư trường Trường Sa đánh bắt hơn 1 tháng nay, hôm nay tàu vào âu tàu tiếp nhiên liệu, lương thực, nước ngọt. “Trước đây, mỗi chuyến tàu ra khơi đánh bắt cá chưa đầy 1 tháng là phải chạy vô đất liền lấy đồ, tiếp nhiên liệu, thực phẩm. Có những chuyến gặp bão gió lại phải đánh tàu về bờ trú tránh, vừa tốn nhiên liệu vừa mất thời gian đi lại, tốn kém chi phí. Giờ có âu tàu rồi thì yên tâm đánh bắt; giá lương thực, nguyên liệu được mua với giá trên đất liền, nước ngọt được cấp miễn phí. Chi phí mỗi chuyến đi biển giờ đây giảm được 30 - 40%”, một ngư dân vui vẻ chia sẻ.
Theo lời giới thiệu và hướng dẫn của các ngư dân, chúng tôi ghé thăm cửa hàng DVHC đảo Đá Tây. Tuy không rộng lớn, các kệ hàng trong "siêu thị" ở nơi đầu sóng ngọn gió này được bày biện ngăn nắp như siêu thị mini ở trong đất liền, với nhiều mặt hàng như nước giải khát có gas, mắm, muối, mì chính, dầu ăn, giày dép, mũ cối, đặc biệt là những chiếc áo màu đỏ sao vàng với dòng chữ “Đảo Đá Tây - Trường Sa”.
Chiều ngày 24/5 - ngày thứ 4 trong chuyến hải trình đến với Trường Sa, Đoàn công tác số 19 chúng tôi có mặt tại thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa lớn - đảo cuối trong chuyến hải trình). Tại âu tàu Trường Sa, hàng chục tàu cá đang neo đậu chờ tiếp nguyên liệu, lương thực, nước ngọt. Trên bờ âu tàu, từng tốp ngư dân trải chiếu uống nước chè chuyện trò rôm rả, hỏi thăm nhau về sức khỏe, kết quả chuyến đánh bắt; nhóm khác tranh thủ vá lại lưới bị rách trong quá trình đánh bắt. Tiếng chào hỏi, tiếng cười nói khiến âu tàu Trường Sa nhộn nhịp như một cảng cá buổi sớm mai ở đất liền.
Dẫn chúng tôi dạo quanh âu tàu, Thiếu tá QNCN Trần Cộng Hòa, Phó Chỉ huy Trưởng Trung tâm DVHC kỹ thuật đảo Trường Sa (thuộc Hải đoàn 129 - Quân chủng Hải quân) cho biết: Âu tàu Trường Sa được bàn giao và đưa vào khai thác từ tháng 11/2019. Âu tàu có đầy đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt cung ứng cho bà con ngư dân. Hơn nữa, đảo Trường Sa lớn và rộng, nên có điều kiện tăng gia, chăn nuôi tại chỗ. Ngoài việc góp phần tăng gia cho cán bộ, nhân viên, thực phẩm còn được hỗ trợ cho ngư dân khi không may bị tai nạn lao động vào cấp cứu, chữa trị dài ngày.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, âu tàu đã đón 962 lượt tàu cá vào neo đậu; hướng dẫn, giúp đỡ đưa 32 lượt ngư dân lên Trung tâm Y tế đảo Trường Sa cấp cứu; sửa chữa thành công cho 24 tàu cá để ngư dân tiếp tục ra ngư trường đánh bắt; cấp miễn phí 368m3 nước ngọt; cung ứng 5.200 lít dầu DO cho 3 tàu cá; tặng hỗ trợ cho ngư dân 65kg gạo, 12 thùng mì tôm cùng một số thực phẩm rau xanh và nhu yếu phẩm khác bằng nguồn lực tại chỗ.
“Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Thẻ vàng - IUU), âu tàu cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, phát hàng trăm tờ rơi cho hàng trăm lượt ngư dân đánh bắt trên ngư trường Trường Sa về lợi ích khi thực hiện đánh bắt, khai thác hải sản hợp pháp, đúng pháp luật. Cùng với công tác tuyên truyền âu tàu cũng đã tặng 415 lá cờ Tổ quốc, 85 chiếc áo phao cho ngư dân”, Thiếu tá Trần Cộng Hòa cho biết thêm.
“Trước đây, mỗi chuyến tàu ra khơi đánh bắt cá chưa đầy 1 tháng là phải chạy vô đất liền lấy đồ, tiếp nhiên liệu, thực phẩm. Có những chuyến gặp bão gió lại phải đánh tàu về bờ trú tránh, vừa tốn nhiên liệu vừa mất thời gian đi lại, tốn kém chi phí. Giờ có âu tàu rồi thì yên tâm đánh bắt; giá lương thực, nguyên liệu được mua với giá trên đất liền, nước ngọt được cấp miễn phí. Chi phí mỗi chuyến đi biển giờ đây giảm được 30 - 40%”.