Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những ngôi trường mầm non độc đáo

Vài năm trở lại đây, trên cả nước xuất hiện nhiều ngôi trường cho trẻ mầm non có kiến trúc độc đáo, cùng những công năng tiện ích, đảm bảo an toàn, phù hợp với phương pháp giáo dục hiện đại. Qua đó, nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh.

Trường mầm non Hoa Hướng Dương.

Trường mầm non Hoa Hướng Dương.

Những tín hiệu tích cực từ môi trường học tập

Bậc học mầm non có nhiều khác biệt do đặc thù lứa tuổi còn nhỏ, năng lực tự bảo vệ bản thân còn yếu nên công tác giáo dục đóng vai trò rất lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.

Việc tổ chức, thiết kế không gian lớp học đạt chuẩn không chỉ giúp cho việc nhận biết sâu sắc về bản chất của không gian phục vụ giáo dục, mà còn giúp cho trẻ có cơ hội khám phá, vui chơi và tương tác với thiên nhiên. Các hình thái kiến trúc được đưa vào trường học như một công cụ giáo dục trực tiếp đến tư duy và nhận thức của trẻ, đồng thời thể hiện quan điểm giáo dục học sinh của nhà trường.

Hiện tại, có rất nhiều ngôi trường mầm non tạo được dấu ấn về kiến trúc, tạo sự đồng thuận về giáo dục cũng như sự yên tâm của cha mẹ khi gửi con theo học.

Được khánh thành tháng 9/2020, Trường Mầm non Hoa Hướng Dương tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đã được Tạp chí Kiến trúc danh tiếng quốc tế Archdaily đăng tải vì những ưu điểm nổi bật trong hoạt động vui chơi và giáo dục thể chất cho học sinh. Ðây có thể xem là một thể nghiệm thiết kế mới cho thiết kế, tổ chức không gian hoạt động vui chơi và giáo dục thể chất cho học sinh trong công trình trường học thuộc khu vực nội đô các đô thị.

Đi vào hoạt động từ đầu năm 2020, Trường Mầm non Học viện Không gian xanh ở trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An cũng ghi dấu ấn với phong cách kiến trúc hiện đại. Công trình là tổ hợp ba khối hình bán nguyệt kết hợp với hệ thống giao thông và sân vườn, trong đó có hai khối là lớp học theo nhóm tuổi và một khối là không gian công cộng cùng phòng học đa năng. Với bố cục phân tán như vậy, kiến trúc trở nên thanh thoát hơn và có nhiều bề mặt tiếp xúc với thiên nhiên. Phòng học đa năng kết nối với thư viện, phòng đọc sách, phòng nghe nhạc, phòng mỹ thuật, khu học nấu ăn… tạo thành một không gian hoàn chỉnh cho sự phát triển của trẻ.

Trường Mầm non TTC Elite ở Quận 3, TP. HCM.

Trường Mầm non TTC Elite ở Quận 3, TP. HCM.

Tại TP.HCM, Trường Mầm non TTC Elite ở Quận 3 là cái tên khá quen thuộc với các bố mẹ có con tuổi mẫu giáo. Trường được thiết kế với các hình học dạng giản lược và màu sắc nổi bật, nhằm kích thích trí tượng tưởng, ưa khám phá của trẻ em khi tiếp cận, học tập và vui chơi hằng ngày. Năm 2019, trường được vinh dự giới thiệu trên trang web kiến trúc hàng đầu thế giới ArchDaily.

Còn rất nhiều các ngôi trường khác trên cả nước mang dấu ấn của sự sáng tạo trong kiến trúc và đổi mới trong phương pháp dạy và học của giáo dục bậc mầm non. Ðiểm chung trong sự thành công của những ngôi trường này chính là đã đặt lợi ích và sự phát triển toàn diện của trẻ em vào vị trí trung tâm.

Không chỉ thành công trong nhiệm vụ giáo dục, nhiều công trình kiến trúc trường mầm non của Việt Nam đã dành được những giải thưởng quốc tế và các cuộc bình chọn uy tín trong những năm gần đây. Ðiển hình là trường mầm non Ðồng Nai và Bó Mun.

Năm 2016, Trường Mầm non Ðồng Nai (tỉnh Ðồng Nai) của nhóm văn phòng kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa lọt Top 30 công trình dành cho trẻ đẹp nhất thế giới do Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh (RIBA) trao tặng. Trường được quy hoạch trên diện tích khu đất là 10.650m2, diện tích xây dựng là 3.430m2. Nơi đây trở thành không gian lý tưởng dành cho hơn 500 trẻ em mầm non vui chơi, học tập. Ðiều đặc biệt và ấn tượng nhất của Trường là trên mái nhà, các thầy cô, phụ huynh có thể trồng các loại cây xanh, rau sạch cho bữa ăn của trẻ.

Trường Mầm non Bó Mon (Tú Nang, Sơn La) của KTS Ðàm Vũ cùng 9 công trình kiến trúc khác được tờ The Guardian của Anh bình chọn là 10 dự án kiến trúc ấn tượng nhất thế giới đầu năm 2020. Công trình có tổng diện tích là 237m2. Sau khi đi vào hoạt động, Trường trở thành ngôi nhà cho gần 70 trẻ em người Mông cùng giáo viên ở 3 bản Bó Mon, Cayton, Cô Tông. Với kiến trúc độc đáo, cùng những giá trị nhân văn đặc biệt, ngôi trường đã nhận được nhiều lời khen của các tạp chí kiến trúc nổi tiếng như Guardian, Designboom, Archdaily về tính sáng tạo nhưng vẫn mang dấu ấn một ngôi nhà truyền thống của người dân bản địa. Ðây cũng là nơi tổ chức các hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội truyền thống của dân tộc.

Trường Mầm non Bó Mon nhìn từ trên cao.

Trường Mầm non Bó Mon nhìn từ trên cao.

Xây dựng trường học thành ngôi nhà thứ hai của trẻ

Là người có nhiều kinh nghiệm trong kiến trúc dành cho trẻ em và đang giảng dạy tại Trường Kiến trúc Dresden (Ðức), KTS Lê Anh Văn chia sẻ: Cần đặt mình vào vị trí của trẻ em để hiểu trẻ em cần gì. Do đó, ngoài tính thẩm mỹ của công trình, cần lấy định hướng giáo dục và sở thích của trẻ em làm nền tảng để tổ chức không gian kiến trúc nhà trẻ, mẫu giáo, trường mầm non phù hợp với tâm thế và trí lực của trẻ”.

“Một ngôi trường, một lớp học cũng giống như ngôi nhà thứ hai của trẻ. Do đó, việc có một môi trường học tập được thiết kế phù hợp với không gian vui chơi, cây xanh, đảm bảo tính chủ động và tinh thần thoải mái cùng những tiêu chuẩn lợi ích theo xu hướng giáo dục hoà nhập là điều cần thiết. Mang lại tâm lý tích cực trong giảng dạy, học tập cùng sự yên tâm của cha mẹ học sinh khi gửi gắm con vào những ngôi trường này” – KTS Lê Anh Văn lưu ý.

Ðánh giá về sự thành công và ý nghĩa về mặt giáo dục, KTS Lê Anh Văn cho biết, kiến trúc trường học, trường dạy nghề, trường cho trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã và đang nhận được quan tâm rất lớn của xã hội. Mục đích chung là tạo ra một thiết kế không chỉ phù hợp cho việc học, việc chơi ở trẻ nhỏ, mà còn biến trẻ thành đồng tác giả thông qua cách sắp đặt không gian, mở rộng bố cục trong lớp học, tự tạo dựng thiết kế phù hợp nhất với lứa tuổi, bởi chỉ có trẻ em mới biết trẻ em cần gì.

Thực tế cho thấy, tại những ngôi trường tạo được dấu ấn của sự sáng tạo và đổi mới, tỷ lệ học sinh đến trường luôn ở mức cao. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ý nghĩa của việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngay từ bậc mầm non.