Từ bờ đập hồ AYun Hạ, muốn vô đảo phải đi xuồng máy thêm 20 phút, đó cũng là con đường duy nhất dẫn vô đảo. Đây là địa điểm mới và ít người biết đến.
Đảo Cô Đơn - đúng theo tên gọi của nó, chào đón khách đường xa không phải là một nơi thơ mộng, xinh đẹp mà là hình ảnh những thân cây đã chết khô từ bao giờ, là những chiếc xuồng máy nằm trơ trọi ven bờ, những túp lều xiêu vẹo, tạm bợ, tạo nên vẻ buồn man mác và huyền bí mà không nơi nào có được.
Trên đảo chỉ có hơn chục người đàn ông, mà không có bóng dáng người phụ nữ nào. Những người sống trên đảo chủ yếu là từ nơi khác đến làm ăn. Họ dựng chòi ở tạm vài năm rồi đi, hết tốp người này đi thì tốp khác lại đến. Nơi đây không lúc nào đông người.
Những người đàn ông nơi đây sống bằng nghề đánh bắt cá. Mỗi ngày họ thả lưới rồi mang cá vô đập bán cho thương lái. Mỗi tháng họ kiếm được khoảng vài trăm ngàn, gom góp tiền vài tháng họ lại gửi về cho gia đình ở quê.
Chú Phạm Văn Cường, người đã sống trên đảo hơn 20 năm tâm sự: “Chính quyền, các ban, ngành với khách tham quan thì cũng hay vô, nhưng riêng gia đình thì chú không muốn. Không muốn họ thấy cảnh sống vất vả, cô đơn thế này”.
Cuộc sống khó khăn và tạm bợ, không có điện, không tivi, không đầy đủ tiện nghi nhưng những con người nơi đây vẫn luôn căng mình làm lụng với mong muốn gửi về cho gia đình những đồng bạc ít ỏi. Họ vẫn chăm chỉ làm việc, sống một cuộc sống chân chất, hiền hòa với thiên nhiên.
Đảo Cô Đơn là nơi mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên, không nhộn nhịp, thơ mộng, nhưng Cô Đơn vẫn thu hút người ta bằng nét huyền bí của riêng mình.
Ayun Hạ là một hồ nước nhân tạo ở tỉnh Gia Lai. Đập chính và cửa cấp nước của hồ nằm trên địa bàn xã Chưa A Thai - huyện Phú Thiện, cách thành phố Pleiku 70 km về phía Đông Nam. Vùng ngập chính của hồ thuộc địa phận xã HBông huyện Chư Sê. Hồ không chỉ cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, mà còn tạo nên nguồn thủy năng cho nhà máy điện AYun Hạ.