Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những người làm giàu trên quê hương Trà Lĩnh – Cao Bằng

 
Làm giàu trên chính mảnh đất quê hương 
 
Bà Lục Thị Cương ở xã Quang Vinh (huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) vui mừng dẫn chúng tôi đi xem đàn dê gần hai chục con béo mẫm. Bà bảo, nuôi dê dễ hơn nuôi trâu, bò, lợn, gà, bởi không phải cho ăn. Cứ sáng đến thả dê vào rừng, tối lùa về chuồng cho uống nước pha chút muối là được. 
 
Trước đây, gia đình bà Cương thuộc hộ nghèo trong xã, nhưng từ khi được hỗ trợ từ Dự án Xây dựng cộng đồng mạnh mẽ và tự lực tại nông thôn Cao Bằng do ChildFund Việt Nam thực hiện (Chương trình viện trợ của Chính phủ New Zealand), bà Cương được hỗ trợ giống để nuôi dê. Lúc đầu, bà được cấp 6 con dê, sau 2 năm, đàn dê nhân lên thì bán được 80 triệu. Nhờ đó, gia đình bà thoát nghèo. Có lãi từ nuôi dê, bà Cương bắt đầu sắm sửa các dụng cụ thiết yếu trong nhà như tivi, xe máy, máy xát gạo, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn… 
 
 
 Mô hình trồng chanh leo mang lại thu nhập tốt, góp phần giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số.
 
Cũng giống như bà Cương, thời gian mới lập gia đình (năm 2017), anh Hoàng Văn Học (xóm Bó Khôn, xã Quang Vinh) rất khó khăn về tài chính. Dù tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, nhưng anh Học không xin được việc làm. Trở về quê, anh  tiếp tục làm các công việc đồng áng như trồng ngô, lúa, chăn nuôi lợn, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, chỉ đủ ăn. 
 
“Quang Vinh là xã vùng 3, đường đi lại khó khăn, dân trí thấp, tỉ lệ thanh niên không có việc làm rất cao. Nhiều người đi bốc vác, vượt biên làm thuê, một số không có việc làm nên chơi bời, dẫn đến các tệ nạn xã hội”, anh Học cho biết. 
 
May mắn, xã Quang Vinh nằm trong vùng Dự án do ChildFund tài trợ, anh Học được tham gia đánh giá nhu cầu đào tạo dựa vào nhu cầu việc làm thị trường. Năm 2018, qua một Hội thảo về mô hình trồng cây chanh leo, giá trị kinh tế cao gấp 5 lần cây ngô, nhận thấy nhà mình có đất, lại được Dự án hỗ trợ 40% mua cây giống, 50% phân bón giai đoạn chăm sóc, được tập huấn, đào tạo về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, anh Học mạnh dạn đăng kí trồng 400 gốc chanh leo. Chỉ sau 5 tháng (từ tháng 9 - 12/2018), cây chanh leo đã cho thu hoạch. Anh Học không thể tin là sau khi đã trừ chi phí, anh thu lãi 65 triệu đồng từ vụ chanh leo đầu tiên. 
 
“Ở xã Quang Hán (Trà Lĩnh), có một nhóm thanh niên cũng tham gia mô hình này, họ trồng chanh leo trên 4.500m2 và thu lãi trên 60 triệu đồng. Nếu chăm chỉ, chịu khó, mô hình trồng chanh leo hoàn toàn có thể xóa đói, giảm nghèo. Em tin rằng, thời gian tới, sẽ có nhiều thanh niên tham gia hơn, giúp họ có thu nhập, hạn chế tình trạng vượt biên bốc vác”, anh Học tin tưởng chia sẻ. 
 
Cũng theo anh Học, để thanh niên có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, rất cần sự hỗ trợ từ các dự án, các chương trình để thanh niên vùng sâu, vùng xa, phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương của mình. 
 
 
Thoát nghèo nhờ nuôi dê, nhiều gia đình có điều kiện cải thiện cuộc sống, chăm sóc tốt.
 
Thu nhập của 60% hộ gia đình tăng
 
6 xã nghèo nhất huyện Trà Lĩnh là Cao Chương, Quang Hán, Quang Vinh, Quốc Toản, Xuân Nội và Lưu Ngọc có tỉ lệ nghèo trên 35% (theo xếp hạng của Chính phủ giai đoạn 2011-2015). Thu nhập của người dân không ổn định, năng suất nông nghiệp thấp do diện tích đất canh tác hạn hẹp và địa hình dốc. Bên cạnh đó, trình độ học vấn của người dân thấp, dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến và gia tăng tác động của biến đổi khí hậu (như hạn hán khắc nghiệt, mùa màng và dịch bệnh chăn nuôi, gia súc chết cóng vào mùa đông). 
 
Để phần nào giải quyết những khó khăn đó, ChildFund Việt Nam đã phối hợp với chính quyền sở tại huyện Trà Lĩnh thực hiện dự án kéo dài 5 năm nhằm “Xây dựng Cộng đồng Vững mạnh và Tự lực tại Cao Bằng”. Được tiến hành từ giữa tháng 7/2014 cho tới giữa năm 2019, Dự án đã tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh lương thực và tạo nguồn thu nhập ổn định hơn cho dân cư. Các can thiệp chủ yếu của Dự án tập trung vào các lĩnh vực như cải thiện phương thức canh tác, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa loại hình sản xuất nông nghiệp, tăng cường khả năng phòng tránh rủi ro thiên tai và tăng cường cơ hội tạo thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp cho thanh niên. 
 
Sau 5 năm thực hiện, 1.400 gia đình địa phương, chủ yếu là người dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ Dự án. 60% hộ gia đình có thu nhập tăng so với năm 2014. Tính đến năm 2019, số hộ lần đầu tiên có xe máy là 36%; 38% hộ gia đình có thể xây mới nhà vệ sinh; 32% hộ gia đình có máy canh tác; 83% hộ gia đình có gia súc lớn, tăng 20% so với năm 2014. 
 
Số liệu thống kê năm 2019 cho thấy: 95% hộ gia đình có ba bữa ăn mỗi ngày cho trẻ em và 60% trong số họ cho biết chất lượng bữa ăn được cải thiện hơn; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (bao gồm cả thấp còi) ở trường mầm non giảm xuống còn 5% so với tỷ lệ trung bình 30,3% của các tỉnh phía Bắc vào năm 2019. Tỉ lệ trẻ em đi học cao hơn, đến năm 2019, 100% trẻ em trong các hộ gia đình được khảo sát đăng ký đi học; phần lớn người vay vốn tín dụng vi mô báo cáo chi tiêu phần thu nhập có thêm được cho các hoạt động giáo dục của con cái. 
 
Ngoài ra, 100 người làm nhóm nòng cốt và 50 kế hoạch Giảm thiểu rủi ro thiên tai cấp thôn xóm được xây dựng, dựa trên đó, 3 cây cầu và 8 đường nội thôn được xây dựng để đảm bảo an toàn cho trẻ em và người dân; Các can thiệp thành công quan trọng là hệ thống tưới tiêu, mô hình tạo thu nhập từ chăn nuôi bò và dê, trồng chanh leo, dự trữ ngô sau thu hoạch, và các chương trình tiết kiệm và tín dụng cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số. 
 
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam - Wendy Matthews - đánh giá cao tác động của dự án này trong việc xây dựng các cộng đồng địa phương vững mạnh, sự hỗ trợ rất thiết thực, với một loạt các hoạt động được thực hiện để cải thiện sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập của các gia đình và cải thiện khả năng chống chịu thiên tai. 
 
Chia sẻ về dự án này, Giám đốc Quốc gia của ChildFund Việt Nam Nguyễn Thị Bích Liên cho biết, Dự án vì cộng đồng nông thôn ở huyện Trà Lĩnh đã mang lại những tác động và thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng nghìn trẻ em và gia đình của các em nơi đây. 
 
 hơn cho trẻ em. 

 

Thảo Vân/GĐTE