Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những người ngậm đắng vì chia tay không đòi được quà

Chị Hiền (41 tuổi, quê Thanh Hóa) đang làm nghề bán vé số ở huyện Củ Chi, TP HCM và một mình nuôi hai con nhỏ. Năm 2010, chị và ông Long là trưởng của một ấp tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi quen nhau.
 
Suốt ba năm, ông Long thường ghé nhà bạn gái chơi, mua vé số chịu và nói chị Hiền đưa tiền để đi nhậu, đi đám cưới, chiêu đãi bạn bè, tiêu xài tết, đóng tiền học cho con... Chị Hiền cho biết đã đưa cho bạn trai 35 lần với tổng số 41 triệu, có ghi sổ đầy đủ về ngày vay, lý do vay.
 
Năm 2014, tình cảm của họ chấm dứt, chị Hiền kiện ra tòa đòi lại tiền. Ông Long thừa nhận có quan hệ với chị bán vé số, nhưng nhất quyết không trả tiền vì cho rằng mình không vay. Bị bác yêu cầu vì không đủ chứng cứ, chị Hiền rất buồn, ngồi khóc nức nở. "41 triệu với tôi nó rất lớn. Đó là khoản tôi dành dụm để chuẩn cho ngày con trai đi học đại học. Vậy mà, giờ thằng bé học năm hai rồi mà tôi thì bị mất trắng, chỉ vì quá tin một người mình có tình cảm", chị Hiền tâm sự.
 
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, các vụ kiện đòi tài sản liên quan đến tình cảm như trên đều vô cùng phức tạp, kéo dài, bởi vì nam nữ có tình cảm  khi đưa tài sản thường không tính toán, không lưu bằng chứng. Khi tình cảm chấm dứt, muốn đòi lại rất khó. 
 
 


Chị Hiền cho biết, 41 triệu tiền đưa cho ông Long là tiền tiết kiệm hơn 4 năm chị đi bán vé số mới có được. Ảnh: P.T
 
Ông Bar (67 tuổi, người Tây Ban Nha) rơi vào tình cảm "chia tay khó đòi quà" như thế. Vụ kiện đòi lại tài sản từ bạn gái cũ là chị Tuyết (41 tuổi, quận 10, TP HCM) của ông đã kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa kết thúc. Ông cho biết, để có tiền chuyển cho bạn gái, ông phải vay ngân hàng và trả lãi hàng tháng, vì thế, dù rất mệt mỏi, tốn thời gian, công sức, ông quyết theo đuổi đến cùng.
 
Ông Bar và chị Tuyết quen nhau năm 2006 qua mạng xã hội. Ít lâu sau, chị Tuyết đề nghị bạn trai bảo lãnh cho mình đi du lịch Tây Ban Nha và được đồng ý. Họ đã vui vẻ cùng nhau đi dã ngoại khắp các miền quê, danh lam thắng cảnh ở quê hương ông Bar suốt hơn 20 ngày.
 
Trở về nước được hai tháng, chị Tuyết nói việc làm ăn của mình đang gặp khó khăn nên được ông Bar chuyển hai lần qua ngân hàng hơn 750 triệu. Mỗi lần chuyển khoản xong, ông đều gửi mail cho bạn gái hỏi đã nhận được chưa, kèm nội dung “anh muốn em có thể sử dụng tiền của anh để xây dựng cuộc sống của mình giống như cuộc sống tương lai của chúng ta. Đây là món quà tình yêu của anh”. 
 
Nhận tiền, chị Tuyết sử dụng để đi học, tiêu dùng cá nhân và đầu tư. Tuy nhiên, do khoảng cách về địa lý, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, tình cảm của họ phai nhạt dần. Một năm sau chị Tuyết đòi chia tay. Ông Bar nhiều lần đòi lại tiền không được nên đã kiện ra tòa.
 
Hai lần xử trước chưa thành công. Phiên xử tới sẽ diễn ra vào cuối tháng bảy này. Ông Bar cho biết, suốt hơn 10 năm qua, phải liên tục đi lại giữa Sài Gòn và Tây Ban Nha để theo đuổi vụ kiện, ông rất mệt mỏi và chán nản. “Tuổi tôi giờ đã cao, sức khỏe không còn như trước nữa. Vụ kiện của tôi tưởng đã kết thúc và được thi hành án, nào ngờ nó kéo dài đến nay”, ông tâm sự.
 
Theo luật sư Hoan, để đòi lại được tài sản của mình, người đi kiện phải tự thu thập chứng cứ bằng cách: ghi âm các cuộc gọi, lưu lại các đoạn tin nhắn có nội dung người nhận hứa trả, hoặc nói về tiền, tài sản để cung cấp cho tòa. Việc này phải được thực hiện bí mật trước khi vụ kiện diễn ra. "Đây là một bài học, là nỗi đau nhưng rất nhiều người gặp phải", ông Hoan nói.
 

* Tên  nhân vật đã thay đổi. 

Theo Phan Thân/Vnexpress.net