Hội An, nơi nổi tiếng với món cao lầu và nguyên liệu làm nên món này chính là sợi mì độc đáo riêng biệt phố cổ. Gia đình cụ Trái đã có nhiều đời làm nghề này. Tại góc chợ Hội An, cụ Trần Thị No, 82 tuổi, mọi người vẫn quen gọi là cụ Trái, vẫn hằng ngày bán từng sợi mì vàng óng. Cụ Trái cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm sợi mì trên 200 năm, tính đến nay cũng đã qua 4 thế hệ, con cháu tôi vẫn hằng ngày làm và bán sợi mì này”. Cụ Trái đã bán ở chợ hơn 60 năm nay.Hiện nay mỗi kg sợi mì bán với 16 nghìn đồng. Cụ bảo: “Sợi mì làm rất công phu, phải chọn gạo từ giống lúa Suyệt, nước không có phèn…”
Cụ Trái và sản phẩm sợi mì cao lầu Hội An.
Ngày 4/12/1999, Hội An được ghi tên danh mục các di sản văn hóa thế giới. Du khách bắt đầu chú ý đến món cao lầu. Cao lầu cũng là một món ăn được vinh danh trên nhiều tờ báo danh tiếng nước ngoài. Những người như cụ Trái đã góp phần giữ gìn nét độc đáo phố cổ.
Bao quanh Hội An là con sông Hoài, xa hơn về phía bên kia sông là mảnh đất, nơi nổi tiếng với nghề cào hến. Những người dân ở phường Cẩm Nam, Hội An quanh năm buôn nghề bán hến ở chợ.
Cụ Năm vẫn bán hến góc chợ đã mấy chục năm nay
Xa hơn về phía huyện Duy Xuyên, Quảng Nam là sông Trường Giang, người dân ở sông này sống chủ yếu bằng nghề cào hến, từ 2 giờ sáng, ghe thuyền đã lội ra đến giữa sông. Cụ Hồ Thị Năm,70 tuổi, phường Cẩm Nam, cho biết: “Tôi bán ở chợ đã hơn chục năm nay. Trước còn trẻ, mình vừa cào hến vừa nấu bán, giờ già chỉ đi lấy về bán ở chợ, kiếm đồng”.
Những người phụ nữ qua sông buôn bán mấy chục năm nay
Trên chuyến đò ngang bắt qua Cẩm Kim qua Hội An, hàng chục người phụ nữ từ các xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, hay Cẩm Kim cũng dậy từ 5 giờ sáng, bắt đò qua sông mưu sinh. Một người phụ nữ cố gắng đẩy chiếc xe đạp với thùng xốp đựng lỉnh kỉnh đủ thứ nào nước bán, hoa quả,…để bán cho khách Tây. Họ vẫn mong chờ cây cầu Cẩm Kim hoàn thành như nguyện ước để dễ dàng đi lại.
Sau khi vào được “đất liền”, những người phụ nữ lại tất bật dọn đồ, sắp xếp mọi thứ ngăn nắp cho buổi họp chợ sáng.
Nhiều người tranh thủ ghé một quầy bán dép, họ chọn cho mình vài đôi dép cao su để đi lại được thỏa mái. Đây xem như phần thưởng cho một ngày lao động mệt nhoc. Vài người mua thêm cho chồng và con cái mang đến trường.
Một quầy bán dép lề đường, những người phụ nữ ghé mua
Dòng sông Hoài mỗi năm luôn “cung cấp” cho người dân Hội An một lượng cá tôm dồi dào để trang trải cuộc sống. Những người bán cá ngồi gần mép sông để bán mỗi sáng.
Bán cá mép sông
Phụ nữ nơi đây có thói quen sau mỗi ngày họp chợ, họ lại lội chân xuống sông để “tận dụng” luôn dòng sông để rửa dụng cụ đựng cá, khay nhựa,…
Tận dụng dòng sông Hoài
Một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, đã bán hoa được 4 năm nay, vừa uống ca nước vừa nhìn dòng người qua lại…Đâu đó một vài người phụ nữ đang cố gắng giải thích bằng thứ tiếng bồi cho những khách Tây hiểu và giúp họ thăm quan chợ Hội An.
Người phụ nữ đang cố giảng giải cho một vài khách Tây hiểu
Hội An bao nhiêu năm vẫn thế, những người phụ nữ lại tiếp tục góp phần tôn tạo hai chữ "di sản" suốt đời.
HUYỀN TRANG/Lao động và Xã hội