Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những người “sống” cùng liệt sĩ

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi ngược về miền tây xứ Nghệ thăm Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, đóng trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An). Từ ngã ba Diễn Châu, ngược theo quốc lộ 7A hơn 100km là đến thị trấn Anh Sơn. Hứng chịu những trận gió Lào khắc nghiệt nhất trong năm, trời nắng như đổ lửa, vậy mà giữa cái nắng, cái gió và giữa bạt ngàn những ngôi mộ liệt sĩ, vẫn có những người ngày ngày cẩn thận chăm sóc từng phần mộ với những hàng cây, bờ cỏ. Ngày qua ngày họ lặng lẽ canh giấc ngủ cho gần 11.000 liệt sĩ đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Lào.

 

Chị Lộc và chị Huyền đang hóa vàng sau khi có đoàn đến viếng mộ liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào rộng khoảng 6,8 ha với quy hoạch kiến trúc nghiêm trang, đẹp đẽ, tạo được cảm giác vừa gần gũi, vừa linh thiêng giữa người âm với người dương. Ban quản lý nghĩa trang đã tiếp nhận, chăm sóc và bảo vệ gần 11.000 ngôi mộ liệt sĩ. Thống kê, 43 tỉnh, thành phố trên cả nước có liệt sĩ an nghỉ tại nghĩa trang này. Trong đó, hơn 3.000 mộ có tên tuổi, địa chỉ; hơn 500 mộ chỉ có tên, không có thêm thông tin khác; số còn lại chưa biết tên tuổi và quê hương liệt sĩ.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào, các phần mộ liệt sĩ được bố trí thành từng khu vực, từng địa phương để tiện cho việc quản lý, thăm viếng. Những ngôi mộ được bố trí hài hòa, được quét dọn sạch sẽ, được che mát bởi những hàng cây như trong công viên tại các khu đô thị. Anh Nguyễn Sỹ Sáu, người có thâm niên hơn 10 năm làm công việc quản trang tại đây, bảo rằng: “Đặc thù công việc vất vả nhưng tui cũng như các anh em ở đây rất yêu thích, thậm chí là luôn tự hào khi được giao chăm sóc từng ngôi mộ, hàng cây”. 

Anh Nguyễn Sỹ Sáu đốt bớt chân hương vì quá đầy.

Anh Sáu và các quản trang khác hầu hết đều có quê và nhà ở ngoài huyện Anh Sơn. Xa gia đình, họ phải tự tổ chức nấu ăn và chia thành 2 bếp.  Thức ăn được mua vào buổi sáng, dùng cho cả ngày. Về công việc, theo lời anh Sáu, đã lâu lắm rồi Ban Quản lý Nghĩa trang không quy định cụ thể giờ làm và ngày nghỉ với các quản trang. Với tất cả mọi người, tất cả đều là sự tự giác nhưng lại là ý thức chấp hành nghiêm chỉnh: Quét dọn buổi sáng là công việc của tất cả mọi người, trực đêm là việc của 5 người đàn ông, trong khi việc đón tiếp, hướng dẫn thân nhân thăm viếng mộ là của 5 người phụ nữ. Riêng các ngày lễ, tết và dịp 27/7, tất cả nhân viên và các quản trang đều làm việc cả ngày và đêm. Chị Nguyễn Thị Lam Huệ, nhân viên quản trang lâu năm, tâm sự: “Ngày mới về làm ở đây, gặp những hôm thân nhân liệt sĩ làm thủ tục đưa hài cốt các anh về quê, phải thức đêm  tôi cũng sợ. Khi đã quen rồi, có chuyện vui, buồn gì thì bất kể ngày hay đêm chúng tôi cũng muốn “tâm sự” cùng các anh, như thể chia sẻ cùng người thân của mình vậy”.

Công việc quản trang đối với các cán bộ nữ thường vất vả hơn. Sinh ra và lớn lên ở xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương), chị Nguyễn Thị Lộc vì  chọn nghề quản trang ở huyện Anh Sơn nên phải thuê nhà trọ. Chồng chị không có việc làm, hai con nhỏ phải gửi về quê để ông bà chăm sóc và đi học. Hầu hết thời gian của chị Lộc là ở nghĩa trang, dù vất vả, nhớ con, nhưng chị vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chị Lộc vẫn thường cười vui mà nói rằng: “Đây vừa là trách nhiệm, vừa là cách để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh…”. Dẫu vậy, đôi khi chị Lộc cũng cố giấu nước mắt vì xót thương các con. Chị kể: “Những lúc con ốm hay con nhớ mẹ quá rồi gọi điện và khóc, tôi chỉ muốn bỏ việc luôn để lao về quê, ôm con vào lòng cho nguôi nỗi nhớ. Nhưng cũng chỉ là buồn chốc lát thôi, nghĩ đến trách nhiệm của mình với các chiến sĩ từng làm nhiệm vụ quốc tế và đã hy sinh, tôi lại lại vui vì mình được làm công việc rất ý nghĩa”.

Ban quản lý nghĩa trang Việt Lào có 10 nhân viên, không phân biệt chức vụ, tất cả đều làm việc như nhau. Khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ luôn được dọn vệ sinh sạch sẽ, hàng trăm cây cảnh được chăm sóc xanh tốt. Quản trang Trần Thị Huyền (24 tuổi) sau khi tốt nghiệp cao đẳng du lịch đã không xin việc làm ở thành phố mà chọn Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào để lập nghiệp. Gác lại tấm bằng cao đẳng, Huyền cầm chổi quét dọn, chăm sóc mộ liệt sĩ mà không hề hối tiếc. Công việc của Huyền thuận lợi vì cô có nhà ở gần nghĩa trang. Thủa nhỏ, Huyền rất ngưỡng mộ các cô, bác thường ngày bỏ công sức chăm sóc cho từng phần mộ liệt sĩ. Nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa, mang tính tri ân, Huyền thầm mong lớn lên mình được cầm “cây chổi thần”. Cô kể: “Nhờ nhà gần, em thuộc hết các công việc mà các cô, bác làm. Khi lớn lên, trở về đây công tác, em cũng nhanh thạo việc. Hằng ngày tiếp xúc với thân nhân liệt sĩ, khi họ vui vì tìm thấy mộ liệt sĩ thì em cũng vui, lúc họ khóc nhớ thương người thân, ở em cũng dâng trào cảm xúc và thấy mình thật may mắn khi được hưởng cuộc sống hòa bình”.

Giữa trời nắng như đổ lửa, các quản trang vẫn miệt mài chăm sóc từng phần mộ liệt sĩ.

Công việc quản trang vốn dĩ đã vất vả, nhưng như lời ông Trần Văn Hiền, Trưởng Ban quản trang, nhiều khi họ phải đối diện với những tình huống rất khó xử lý. Đã không ít lần, giữa đêm mà các nhân viên ở Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào phải thức giấc truy đuổi những người đào trộm mộ. Hỏi ra mới biết, không ít thân nhân liệt sĩ vì tin theo lời thầy bói hay “nhà ngoại cảm” chỉ vẽ lung tung, thuê người đến đào trộm mộ với ý định đưa hài cốt “thân nhân” về quê. Có trường hợp, gia đình liệt sĩ đưa nhà ngoại cảm rởm đến cúng bái rồi xảy ra cãi cọ, xung đột, các quản trang phải trực ngay cạnh mộ cả ngày đến đêm.

Năm 2007, có thân nhân liệt sĩ ở Nam Định đưa cả “nhà ngoại cảm” vào Nghĩa trang, họ cúng bái, lên đồng trong 5 ngày, 5 đêm. Cả 5 ngày 5 đêm, các quản trang cũng phải theo họ trong suốt hành trình đó. Khi họ ra về, tưởng cầu vong không được nên về, các quản trang về nghỉ, ai ngờ một số người quay lại đào trộm mộ, hôm sau mấy nhân viên anh phải theo ra tận Nam Định để đưa hài cốt về. Kể lại câu chuyện này, anh Sáu nói: “Từ đó, mỗi lần thấy có đối tượng khả nghi là các quản trang phải theo dõi kỹ xem họ nghỉ ở đâu, biển số xe như thế nào, để lỡ có chuyện thì còn lần theo dấu vết…”. Ông Trần Văn Hiền ghi nhận: May mắn là tình trạng đào trộm mộ chỉ rộ lên vào năm 2010. Những năm gần đây, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và phản ánh của báo chí, rất ít người dân còn tin vào lời lẽ thiếu chứng cứ khao học của các nhà ngoại cảm, vì thế nẹn đào trộm mộ để “cướp” hài cốt cơ bản cũng không còn.

Quét dọn vệ sinh là công việc chung hằng ngày tất cả các quản trang, không phân biệt chức vụ. 

Có một điều không thấy các quản trang nhắc đến, hoặc khi được gợi hỏi thì cũng tâm sự dè dặt, đó là cuộc sống còn thiếu thốn của họ ở giữa chốn linh thiêng. Theo tìm hiểu, dù công việc chủ yếu ở ngoài trời và trong môi trường mang tính đặc thù nhưng phụ cấp độc hại ít. “Các quản trang không được trang bị bảo hộ lao động, trong khi công việc hằng ngày phải dùng máy cắt cỏ, dễ bị đá hoặc lưỡi cắt văng vào mặt, vào người. Hay trong các ngày lễ, tết hoặc  27/7, thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ đông, việc hóa vàng, hóa chân hương cũng khiến nhiều người bị bỏng, bị cháy áo quần”, ông Hiền nói.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, ghi nhận: “Chúng tôi cũng biết phụ cấp độc hại cho các quản trang thấp, nhưng đó là quy định của Nhà nước. Các quản trang cũng không thuộc diện được trang bị bảo hộ lao động, tuy nhiên có thể làm tờ trình để UBND tỉnh chỉ đạo phương án hỗ trợ...”.