Khuyến cáo từ PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai:
Thuốc hạ sốt
Theo bác sĩ Dũng, chỉ có hai loại thuốc được sử dụng khi sốt đã được khuyến cáo đó là paracetamol và thuốc hoạt chất ibuprofen.
Tuy nhiên hiện nay, loại thuốc được ưu tiên dùng, ít tác dụng phụ nhất với người lớn, đặc biệt là trẻ nhỏ vẫn là paracetamol với liều 15 mg/kg cân nặng từ 4 - 6 tiếng uống một lần. Chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ trở lên.
Khi dùng thuốc đúng liều, người bệnh cần phải kiên nhẫn chờ thuốc phát huy tác dụng, không đươc nóng vội uống thêm thuốc. Cụ thể, với thuốc hạ sốt paracetamol sau uống khoảng gần 1 tiếng thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng và hạ sốt dần. Trong thời gian chờ thuốc có tác dụng, có thể kết hợp chườm ấm vùng nách, bẹn để hạ sốt.
PGS Dũng khuyến cáo tuyệt đối không tự ý dùng phối hợp thuốc. Vì dù không kéo thân nhiệt hạ xuống dưới nhiệt độ cơ thể cho phép, nhưng việc hạ nhiệt nhanh khi dùng hai loại thuốc phối hợp rất nguy hiểm, nhất là trên một đứa trẻ bị sốt vì nhiễm trùng.
Khi bị sốt, bệnh nhân cần được ở nơi thoáng mát, mặc thoáng, không mặc quá nhiều quần áo dễ ra mồ hôi và dẫn tới viêm phổi.
Thuốc kháng sinh
PGS -TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo chỉ dùng kháng sinh khi thực sự cần thiết. Thực tế nhiều người hiện coi kháng sinh là thuốc trị bách bệnh, từ đau họng, sốt, sổ mũi đến các bệnh nghiêm trọng hơn. Từ đó dẫn tới hệ quả rất nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm là lạm dụng kháng sinh.
Chẳng hạn, bệnh đường hô hấp rất hay gặp ở trẻ nhỏ, trong đó tác nhân gây bệnh chính là do virus, chiếm khoảng 2/3. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus thì việc dùng kháng sinh không có tác dụng giúp bệnh nhanh thoái lui hơn mà còn khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn, thậm chí có thể dẫn đến tiêu chảy kéo dài, dị ứng...
Vì thế, việc của người thầy thuốc là phải chẩn đoán chính xác đó là bệnh gì, thuộc loại nhiễm trùng hay không nhiễm trùng. Nếu do nhiễm trùng thì do vi khuẩn hay siêu vi khuẩn. Ví dụ cùng sốt nhưng có thể do nhiễm virus, không cần dùng kháng sinh. Trường hợp viêm phổi, viêm đường tiết niệu… thì bắt buộc phải dùng kháng sinh.
Thuốc ho
Vẫn theo PGS-TS Dũng, khi bị ho cũng không nhất thiết phải uống kháng sinh, nhiều trường hợp chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng bệnh sẽ nhanh khỏi.
Theo đó, khi ho thì nên dùng thuốc long đờm. Để giảm ho hoặc khi chảy mũi, tắc mũi thì dùng nước muối sinh lý, thuốc co mạch, kháng histamin sẽ hiệu quả.
Men tiêu hóa
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay hiện này nhiều người ít bị đau bụng, đầy hơi, nhất trong những ngày Tết, ăn uống quá nhiều đạm đã vội vàng uống men tiêu hóa. Men tiêu hóa không nằm trong danh mục bán thuốc phải theo đơn nên việc mua bán khá dễ dàng.
Thực chất, chỉ ở những người men tiêu hóa sẵn có quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu hấp thu thức ăn đưa vào cơ thể thì cần bổ sung men tiêu hóa dưới dạng thuốc. Đây cũng là một dạng thuốc nên cần có chỉ thị của bác sĩ và không được lạm dụng. Để tránh đầy hơi, tốt nhất nên hạn chế chất đạm, đồ ăn nhiều dầu mỡ đồng thời tăng cường các loại chất xơ.
Thuốc trị tiêu chảy
Theo các chuyên gia, khi bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn, việc đầu tiên là cần pha một gói oresol vào1 lít nước đun sôi để nguội cho tan hết rồi uống để bù nước và điện giải, đồng thời tìm cách nôn hết số thực phẩm đó ra. Nếu thấy tình trạng tiêu chảy nặng, cần phải đi cấp cứu ngay.
Trong trường hợp không có sẵn oresol, có thể thay bằng nước cháo muối, hoặc đường muối bằng cách pha 1 thìa cà phê muối với 8 thìa đường trong 1 lít nước.
Ngoài các loại thuốc trên, các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch cần phải duy trì việc uống thuốc đều đặn hàng ngày. Nếu quên không uống thuốc rất dễ gây ra các tai biến.