Nhiều năm trở lại đây, xu hướng xây dựng, lắp đặt bể bơi riêng được nhiều gia đình áp dụng với những quy mô khác nhau. Có gia đình thì xây dựng bể bơi chìm với thời gian thi công lâu cộng với chi phí lớn. Có gia đình thì lại lắp đặt bể bơi nổi, thi công nhanh và ít tốn kém. Tiện hơn nữa chính là các loại bể bơm hơi. Nhưng dù là bể chìm hay nổi thì việc phòng tránh nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ em cần được các gia đình hết sức chú trọng.
Các lớp bảo vệ bể bơi
Ngoài việc căn dặn trẻ em tuân thủ các quy tắc về an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước, bạn có thể lựa chọn lắp đặt chuông, camera có chức năng báo động khi phát hiện người đi vào khu vực bể bơi. Sử dụng thiết bị báo động siêu âm để phát hiện bất kỳ người hay vật rơi xuống làm mặt nước xao động. Lắp đặt hệ thống tấm che an toàn phủ kín khi bể bơi không sử dụng. Sử dụng rào chắn tiêu chuẩn (cao 1,2m) xung quanh bể bơi để phòng tránh việc trẻ tự ý đi vào bể.
Cho trẻ học bơi từ nhỏ
Tuỳ vào thể trạng, việc cho trẻ học bơi có thể được bắt đầu từ 2 tuổi. Nếu cha mẹ không có kinh nghiệm dạy con, hãy tìm đến một chuyên gia. Tuy nhiên, các bài học bơi không thay thế nhu cầu cần có người theo dõi, quản lý trẻ dưới nước, nhưng học bơi giúp giảm khả năng chết đuối.
Dạy trẻ tuân thủ các quy tắc của bể bơi
Nếu con bạn chưa biết bơi hoặc chưa có kinh nghiệm bơi ở bể bơi, ở mức tối thiểu, trẻ nên biết và tuân theo các quy tắc bể bơi sau:
- Không tự ý vào bể bơi mà không có sự cho phép của cha mẹ.
- Không tự ý leo lên hàng rào bể bơi.
- Không sử dụng đồ ăn trong bể bơi, không bơi khi vừa ăn no để tránh bị chuột rút.
- Không chơi hoặc bơi gần cống hoặc cửa hút của bể bơi.
- Không chạy xung quanh hồ bơi, không xô đẩy, té nước vào trẻ khác.
- Không được đóng kịch giả vờ bị đuối nước.
- Không vui chơi quá sức đề phòng các biến chứng như choáng đột ngột, co rút cơ, co thắt phế quản do sặc nước.
- Ra khỏi hồ bơi khi có mưa to và sấm chớp.
- Thu dọn đồ chơi và phao sau khi bơi.
Phân công người giám sát
Đuối nước diễn ra nhanh, im lặng khi một đứa trẻ đột nhiên không thể thở và chìm xuống nước. Nhiều trẻ bị đuối nước tại bể bơi một cách âm thầm và bị lầm tưởng là đang chơi trò ngụp lặn. Cũng không hiếm những trường hợp là trẻ biết bơi, nhưng do ham vui và vận động nhiều nên có thể rơi vào trạng thái mất sức đột ngột dẫn đến thương vong. Vậy nên, luôn theo dõi và chú ý những dấu hiệu bất thường ở trẻ để có hướng xử lý kịp thời là yếu tố bắt buộc của cha mẹ và người giám sát tại bể bơi. Dù trẻ có biết bơi, hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ an toàn như phao bơi, áo phao cũng không thể thay thế được việc giám sát. Do đó, cần phân công trách nhiệm của người giám sát và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc sau.
- Tập trung quan sát các hành vi của trẻ em khi ở dưới nước.
- Không sử dụng rượu, bia, chất kích thích.
- Không đọc sách, nói chuyện, sử dụng điện thoại hoặc chụp ảnh “selfie”.
- Không phân công và đặt niềm tin vào đứa trẻ lớn trông coi trẻ nhỏ.
- Trong trường hợp có nhiều trẻ em, bạn nên thông báo cho chúng biết rằng bạn là người giám sát và sẵn sàng hỗ trợ nếu có yêu cầu.
- Thông báo, chuyển trách nhiệm giám sát sang người khác khi bạn di chuyển ra khỏi bể bơi.
Kỹ năng sơ cứu khẩn cấp tại bể bơi
Tai nạn đuối nước có thể xảy ra với trẻ em ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, bất kỳ lúc nào trong ngày. Do đó, cha mẹ cần nói chuyện với con về các nguy cơ không an toàn khi ở dưới nước.
Cha mẹ cần tham gia những khóa học dạy kỹ năng sơ cứu về đuối nước để biết cách hô hấp nhân tạo cơ bản. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể hành động ngay thay vì đợi người ứng cứu. Điều này có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết trong các trường hợp đuối nước hoặc bất cứ lúc nào tim của một người ngừng đập. Ngay cả khi trẻ không cần hô hấp nhân tạo thì nước trong phổi vẫn có thể dẫn đến rắc rối nghiêm trọng. Do đó, trong tất cả mọi trường hợp, sau khi sơ cứu bước đầu, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ đầy đủ và kịp thời.
Giữ vệ sinh, an toàn khu vực bể bơi
Do là bể bơi gia đình nên nhiều cha mẹ có xu hướng trang trí đồ gốm sứ, thuỷ tinh quanh hồ bơi, thậm chí kết hợp việc ăn uống cùng bơi lội. Điều này có thể gây ra một số vấn đề như khi trẻ nô đùa, trơn trượt làm vỡ đồ vật dẫn tới tai nạn thương tích. Đồ ăn có thể rơi rớt làm ô nhiễm nước trong bể bơi, dẫn đến nguy cơ trẻ bị mắc các bệnh. Các gia đình cần định kỳ thay nước và làm vệ sinh bể bơi sạch sẽ.
Lưu ý: Bơi lội luôn là một hoạt động thú vị, điều quan trọng là trẻ phải tập bơi an toàn và tuân thủ các quy tắc của bể bơi. Cha mẹ hãy là người giám sát và đảm bảo con luôn nhớ nguyên tắc, dù tiếp xúc với môi trường nước tại gia đình hay ở nhà bạn bè, trong tự nhiên… các quy định an toàn khi tiếp xúc môi trường nước là không thay đổi và cần được thực hiện ngiêm túc.