Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những nhà sáng chế tuổi "Teen"

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh qua 6 lần tổ chức đã tạo cơ hội, khuyến khích sự đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, trau dồi kiến thức khoa học, rèn luyện tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức đã học của học sinh để giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Chắp cánh cho những ước mơ

Kể về sản phẩm của nhóm, Nguyễn Thu Uyên hào hứng nói: Hiện chúng em chưa thấy có ứng dụng học giao thông cho học sinh THCS và THPT, mà chủ yếu cho đối tượng là người lớn ôn thi lấy giấy phép lái xe. Vì vậy, chúng em đã viết ra phần mềm Học giao thông 4.0. Với sản phẩm của chúng em, các bạn học sinh, các em nhỏ có thể học luật ở bất cứ nơi đâu mà không cần đợi đủ tuổi hay các tiết học của thầy, cô trên lớp. Khi tham gia giao thông gặp biển báo nào không biết, các bạn có thể mở ứng dụng ra tra cứu trực tiếp, hoặc gặp phải lỗi nào khi vi phạm cũng có thể tra cứu xem mình phải chịu mức phạt bao nhiêu.

Nguyễn Thu Giang (bên trái) và Nguyễn Thu Uyên (Trường THCS Mạo Khê 1, thị xã  Đông Triều) với mô hình Học giao thông 4.0. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Nguyễn Thu Giang (bên trái) và Nguyễn Thu Uyên (Trường THCS Mạo Khê 1, thị xã Đông Triều) với mô hình Học giao thông 4.0. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Mô hình của Nguyễn Thu Uyên và Nguyễn Thu Giang được Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI đánh giá khá cao, bởi tính sáng tạo, tính mới, khả năng áp dụng vào thực tế, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của sản phẩm.

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI còn có nhiều sản phẩm thể hiện được tính mới, khả năng áp dụng vào thực tiễn cao. Đó là: Mô hình Robot tự hành đo thân nhiệt không tiếp xúc giảm nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19 của nhóm học sinh Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long (TP. Hạ Long); Mô hình nhà tự nổi của học sinh Trường THCS Trưng Vương (TP Uông Bí); Máy sản xuất thức ăn sinh học của học sinh Trường THPT Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý đánh giá tiềm năng và giải pháp phát triển cây trà hoa vàng tại Quảng Ninh của học sinh Trường THPT Uông Bí (TP. Uông Bí)…

Đề tài “Nghiên cứu xử lý mai mực tạo chế phẩm kháng khuẩn bằng phương pháp sinh học ứng dụng trong bảo quản thực phẩm” của Cao Mạnh Hùng và Vũ Đức Minh, học sinh Trường THPT Uông Bí, cũng là một trong những sáng tạo rất thực tế.

Nhận thấy Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế về đánh bắt thủy hải sản, hằng năm lượng lớn chất thải là phế phụ phẩm của quá trình chế biến, trong đó có mai mực thải ra môi trường, gây lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Từ thực tế đó, 2 em đã nghiên cứu tận dụng mai mực để chế tạo ra một loại chất bảo quản mới an toàn bằng phương pháp sinh học trong việc bảo quản thực phẩm.

Sau một quá trình nghiên cứu, các em đã tạo được hỗn hợp bột mai mực có khả năng kháng khuẩn bằng phương pháp sinh học (lên men) và bước đầu ứng dụng chế phẩm bột mai mực trong bảo quản miến dong Bình Liêu.

Hay như thiết bị tự động cho tôm, cá ăn của em Lê Đức Anh, Trường THCS Chu Văn An, TP. Cẩm Phả. Qua những lần được đi tham quan, trải nghiệm khu nuôi thủy, hải sản, Đức Anh thấy được khi cho cá ăn, hầu hết người dân đều sử dụng các dụng cụ thô sơ như bát, xẻng để xúc từng bao thức ăn xuống từng ao nuôi.

Công việc này mất khá nhiều thời gian khi diện tích nuôi trồng lớn và rất vất vả, nặng nhọc, đặc biệt là vào những ngày hè, thời tiết nóng, oi bức. Từ đó, em đã nảy sinh ý tưởng sáng tạo một thiết bị có thể tự động cho tôm, cá ăn, giúp người dân tiết kiệm công sức, thời gian.

Qua tìm hiểu, tham khảo và nghiên cứu, vận dụng những kiến thức có được từ các bài học, Lê Đức Anh đã cho ra đời chiếc máy cho cá ăn tự động với thiết kế đơn giản, hữu ích. Máy gồm hệ thống phễu, máng ăn, phao và giá đỡ được lắp mô tơ để thiết bị chạy trên mặt nước.

Điều đặc biệt của thiết bị này là có thể kết nối với điện thoại thông minh, người dân có thể kiểm soát được lượng thức ăn và điều khiển máy móc di chuyển.

Theo đánh giá từ Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Quảng Ninh, qua các kỳ tổ chức, Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ có niềm đam mê khoa học với nhiều sáng tạo, giải pháp, mô hình có hàm lượng khoa học cao.

Hầu hết các giải pháp sáng tạo khoa học của các em đều xuất phát từ sự quan sát hiện tượng, vấn đề xảy ra trong cuộc sống được học sinh tìm tòi nghiên cứu, vận dụng lý thuyết của các môn học trong nhà trường để đi tìm lời giải cho những hiện tượng, vấn đề đó. Đặc biệt, nhiều mô hình, sản phẩm của các em đã bám sát và hướng đến giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội.

Tham gia cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Quảng Ninh, nhiều “nhà khoa học nhí” đã thể hiện năng lực sáng tạo của mình gắn với việc tham gia giải quyết các vấn đề bất cập, nổi cộm của đời sống xã hội. Nhiều mô hình, giải pháp đã được đánh giá cao, sau khi hoàn thiện có thể ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phục vụ học tập, sinh hoạt.

Từ ý tưởng tới áp dụng thực tiễn

Tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo lần IV năm 2021, Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly, học sinh lớp 9A, Trường THCS Phong Cốc (thị xã Quảng Yên) đã gây ấn tượng rất lớn đối với Ban Giám khảo qua ý tưởng “Dung dịch phòng, trị nấm cho cá cảnh từ lá bàng khô và muối biển”. Hai em đã giành giải nhất chung cuộc của cuộc thi ở bảng thi dành cho học sinh. Được biết, ý tưởng này cũng dành được giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học thị xã Quảng Yên và của tỉnh, đoạt giải ba tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên – Nhi đồng toàn tỉnh.

Nhóm tác giả Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly (Trường THCS Phong Cốc, TX Quảng Yên) trình bày ý tưởng dự thi Dung dịch phòng - trị nấm cho cá cảnh từ lá bàng khô và muối biển. Ảnh: BTC

Nhóm tác giả Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly (Trường THCS Phong Cốc, TX Quảng Yên) trình bày ý tưởng dự thi "Dung dịch phòng - trị nấm cho cá cảnh từ lá bàng khô và muối biển". Ảnh: BTC

Nguyễn Thị Thanh Hoa hào hứng chia sẻ: Chúng em hình thành ý tưởng từ này từ thực tế cuộc sống ngay tại chính gia đình mình. Ở nhà em, bố  là người rất thích nuôi cá cảnh. Những lần cá bị nấm, em thấy bố thường thả lá bàng và muối biển vào bể cá. Cách làm này có lúc cũng chữa được do cá bị bệnh nhẹ. Em  nghĩ  rằng,  có thể phương pháp dân gian này đúng, nhưng cách thức sử dụng chưa phù hợp. Vì  thế, em đã nảy ra ý tưởng là tạo  ra dung dịch pha sẵn, nghiên cứu làm sao để có tỷ lệ thích hợp dùng làm thuốc đặc trị. Sau khi tham khảo trên mạng, em đã trao đổi ý tưởng cùng Ly và cô giáo dạy bộ môn sinh học. Từ đó, 3 cô trò đã bắt tay cùng thực hiện. 

Đến nay, sản phẩm đã được sự bảo trợ của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) sau rất nhiều công đoạn nghiên cứu, thử nghiệm khắt khe, từ thu gom, làm sạch lá bàng đến chưng cất tinh chất lá bàng, rồi điều chỉnh nhiều lần tỷ lệ pha muối và tinh chất... Hoa và Ly đã phải dành rất nhiều thời gian cùng nhau đến các nhà dân có nuôi cá cảnh làm thử nghiệm, để tìm ra một công thức chuẩn nhất cho sản phẩm này.

“Lá bàng và muối biển, thực tế là nguồn nguyên liệu rất dễ tìm, theo chúng  em tìm hiểu thì có rất nhiều tính năng ưu việt, nếu được sử dụng đúng cách sẽ cho ra được dung dịch chuẩn, phù hợp với rất nhiều người, vì giá thành khá rẻ. Bên cạnh đó, chúng em đã thử nghiệm ở cả một số loại cá nước ngọt và thấy dung dịch mang lại hiệu quả tốt. Để phát triển thêm sản phẩm của mình, chúng em dự định sẽ thử nghiệm diện rộng hơn, có thể nghiên cứu, sử dụng thêm các nguồn nguyên liệu khác, để sản phẩm có thể trở nên hữu ích đối với đời sống” - Vũ Thị Hải Ly cho biết thêm.

Cuộc thi đã khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu nhi, hướng các em vào các hoạt động thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, vun đắp ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai.