Bài 1. Lăn lội dưới gốc cây, cầu thang, ghế đá...
Trong khuôn viên của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh từ cổng vào, gốc cây, hành lang, ghế đá... bất kể ngày hay đêm đều có bệnh nhân và người nhà nằm, ngồi vất vưởng chờ đến lượt được thăm khám bệnh, nhập viện. Những ngày tháng 7, thời tiết nóng hầm hập, bà Lê Thị Nhiễu (quê ở Quảng Trị) vào khám bệnh ung thư. Bà chua chát cho biết: “Cảnh nghèo khó đâu có tiền thuê khách sạn hay nhà trọ, chưa nhập viện được, nên 10 ngày nay hai mẹ con tôi nằm ôm rên rỉ dưới gốc cây. Nắng thì không sao, mưa xuống, nước và muỗi tấn công, thấy tủi cực vô cùng, nhiều lúc chỉ muốn chết quách cho xong...”
Bệnh nhân ung thư vất vưởng qua đêm dưới vẻ hè, ghế đá, gốc cây chờ nhập viện.
Nhiều ngày lui tới bệnh viện này, tôi càng thấu hiểu hơn nỗi lòng của bệnh nhân đang phấp phỏng chờ “thần chết” kéo đi. Chị Trần Thu Nhi buông cái nhìn yếu ớt ra phía đường Nơ Trang Long, thổn thức: “Tôi quê ở tận Cà Mau, bị ung thư tử cung giai đoạn cuối. Mấy hôm nằm ở gầm cầu thấy xe cộ chạy qua liên tục nên không ngủ được. Mắc bệnh hiểm nghèo, chồng lại bỏ đi, nên một mình khăn gói đi chạy chữa. Cả tuần nay quằn quại lấy gốc cây, bãi đất trong bệnh viện làm giường.Tiền ăn không đủ, lấy đâu ra mà thuê nhà trọ...”
Ông Lê Văn Bát (quê Kon Tum) có con trai 19 tuổi bị ung thư máu. Chờ đến lượt khám ít nhất phải mất chục ngày, không đủ tiền nên hai cha con quắp nhau ngủ trên chiếc ghế đá. Ông bảo, không phải nằm gốc cây là may, nhưng mỗi khi cơn mưa ập xuống, chỉ phủ tấm áo mưa mỏng lên người rét run cầm cập, thêm cơn đau quặn thắt.
Bác sỹ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “ Bệnh viện đang quá tải, mỗi năm đảm trách việc khám và điều trị cho hơn 1 triệu lượt bệnh nhân. Trong đó, có 50% được điều trị nội trú, 15 - 20% bệnh nhân mắc các bệnh ung thư giai đoạn cuối, số còn lại mắc các bệnh về u ác tính. Bệnh nhân đông, nhưng số lượng giường nằm lại có hạn”.
Bản tin dán ảnh các “cò” chuyên nghiệp bên trong bệnh viện để người dân cảnh giác.
Vật vã với bệnh tật chưa kịp ổn định lại tinh thần, thì hàng nghìn bệnh nhân lại rơi vào cảnh bi đát vì đủ các loại “cò” hoành hành quanh bệnh viện. Tích cóp mãi được chút tiền để lên chữa ung thư vú cho vợ, ông Nguyễn Thành Tuấn (quê An Giang) bị “cò” lừa mất sạch. Ông Tuấn kể, chờ được nhập viện lâu quá nên khi thấy có người kêu chạy được giấy nhập viện, khám bệnh ngay lập tức... nên đã chi 2 triệu nhưng hóa ra đó là giấy nhập viện giả, do “cò” tự làm.
Tận cùng nỗi khổ
Chỉ trong một tiếng đồng hồ vào đầu giờ làm việc buổi sáng (thời điểm các loại “cò” hoạt động rầm rộ nhất) trước cổng bệnh viện, PV Báo LĐ&XH ghi nhận có đến 20 “cò” các loại tiếp cận bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Nhất là đối với các bệnh nặng để tiếp thị về khả năng “quen biết chạy bác sỹ tốt, làm hồ sơ nhập viện ngay, lấy số vào khám liền, lên bàn mổ không phải chờ”...
Trong vai một người bệnh, PV được một “cò” làm giá: “Chỉ cần 3 triệu đồng là có thể yêu cầu bác sỹ tốt nhất, nhập viện ngay và 2 ngày sau là phẫu thuật, không cần phải chờ đợi. Tất cả hồ sơ và giấy nhập viện đều chuẩn”. Với kiểu giăng bẫy này, rất nhiều bệnh nhân nghèo đã rơi vào bẫy của các loại “cò” này. Ông Lê Quốc Tĩnh (quê Quảng Bình) cho biết, đưa vợ vào để mổ ung thư dạ dày, bị “cò” dụ sẽ được phẫu thuật ngay do các bác sỹ giỏi nhất thực hiện, cả tin nên đã đưa cho “cò” mấy triệu đồng, vậy mà vẫn phải chờ đợi...
Bệnh nhân ung thư mua thuốc uống giảm đau cũng bị chặt chém.
Đủ các loại “cò” khám bệnh, “cò” chạy bác sỹ, “cò” chạy mổ…hoạt động công khai trước cổng bệnh viện, và thêm loại “cò” bán yến sào đặc sản và thuốc tăng lực xuất hiện đeo bám người nhà bệnh nhân. Ông Nguyễn Thanh Bình tích cóp được hơn chục triệu đồng vào đường Nơ Trang Long mua yến sào cho vợ tẩm bổ. Dùng gần hết thấy thêm triệu chứng đau đầu, nhờ người kiểm nghiệm thì hóa ra yến sào rởm, bị “cò” lừa. Bà Lê Thị Thuyên (ở Bà Rịa - Vũng Tàu) bị bệnh ung bướu, lên TP. Hồ Chí Minh điều trị. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe của bà giảm sút rõ rệt. Không hiểu biết gì về tác dụng của các loại yến sào, nên khi được một số người vào trong bệnh viện tiếp thị yến sào có thể giảm cơn đau, ngăn ngừa bệnh, đồng ý mua sẽ mang đến tận nơi và giao tận tay. Đang bị bệnh nặng, nghe “cò” giới thiệu, bà Thuyên tin ngay, nên đặt mua 3 lạng yến sào tổ với giá 19 triệu đồng. Kẻ bán yến xào cho bà xưng tên là Trần Văn Nhượng, đưa cả cac-vi-dít làm tin. Tuy nhiên dùng hết 3 lạng yến sào, sức khỏe của bà Thuyên lại càng yếu hơn. Sau đó, bà Thuyên mới té ngửa ra là dính bẫy của “cò”, mà không chỉ có bà, còn hàng loạt bệnh nhân khác cũng chung số phận bị lừa như bà Thuyên.
Trước những khốn khổ của người bệnh, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện bày tỏ: “Chúng tôi cũng đau lòng lắm. Đa số bệnh nhân vào đây đều nghèo, họ vật vã dưới cầu thang, gốc cây... chờ được khám, điều trị. Cảm thấy mình có lỗi nhưng không biết làm sao. Bản thân tôi đảm trách quản lý mà cũng phải liên tục đi thăm khám bệnh và phẫu thuật. Trung bình mỗi bác sỹ một ngày phải trực tiếp thăm khám hơn 40 bệnh nhân. Với người bị bệnh nặng, chúng tôi luôn ưu tiên mổ trước để giúp họ tránh bị các đối tượng “cò” dụ dỗ lừa phỉnh”.
Để góp phần khắc phục các loại “cò” lừa đảo bệnh nhân, được biết bệnh viện cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương mật phục và ghi lại hình ảnh của nhiều đối tượng là “cò” chuyên nghiệp để dán lên bảng tin trước cổng bệnh viện cho những người bệnh cảnh giác. Thế nhưng, tâm lý nôn nóng vì đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nên nhiều người vẫn sập bẫy. Thậm chí tinh vi hơn có nhiều loại “cò” còn sắm bộ đồ ngành y để dễ thuyết phục và lừa đảo người bệnh...
(Còn nữa)