Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những phong tục đón Tết “Độc - lạ” ở vùng cao

Không chỉ người dân miền xuôi, đồng bào dân tộc vùng cao ở khắp nơi trên đất nước cũng thực hiện rất nhiều nghi thức, phong tục truyền thống độc đáo để đón chào năm mới.


Những phong tục đón Tết “Độc - lạ” ở vùng cao - Ảnh 1.

Ảnh: Hội âm nhạc Hà Nội.

Tục "gọi trâu về ăn Tết" của người Mường: Đây là nghi thức quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Mường. Trước Tết, người ta thường chuẩn bị một chiếc mõ treo trong nhà để tối giao thừa mang mõ, đốt đuốc đi gọi vía trâu. Với họ, đây là cách trả ơn vật nuôi vì đã vất vả giúp gia chủ cấy cày, sản xuất lương thực trong suốt một năm. 

Những phong tục đón Tết “Độc - lạ” ở vùng cao - Ảnh 2.

Ảnh: Báo Vĩnh Phúc.

Người Cao Lan "niêm phong" nhà bằng giấy đỏ: Buổi sáng ngày cuối cùng của năm cũ, tất cả vật dụng quen thuộc với gia đình như chuồng trại, xẻng, cuốc... được người Cao Lan “niêm phong” giấy đỏ. Theo quan niệm của họ, giấy đỏ là vật thể hiện điềm may mắn. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng tượng trưng cho một năm mới tốt lành, nhiều tài lộc sức khỏe, mùa màng bội thu...

Những phong tục đón Tết “Độc - lạ” ở vùng cao - Ảnh 3.

Ảnh: SVHTTDT Hà Giang.

Người Pu Péo hò nhau “cướp” giọng gà: Trước giao thừa, những chàng trai dân tộc Pu Péo phải luôn canh chừng gà trống. Đợi thời điểm gà vừa vỗ cánh và chuẩn bị gáy, người ta đốt quả pháo ném vào chuồng. Khi gà gáy, tất cả những người trong gia đình, hàng xóm cùng nhau múa hát vang trời để át tiếng gà. Theo họ, người nào lấn át được tiếng gà sẽ gặp may mắn và tốt đẹp trong cả năm tới. 

Những phong tục đón Tết “Độc - lạ” ở vùng cao - Ảnh 4.

Ảnh: Lâm Bình Tuyên Quang GOV.

Thờ bát nước lã người Pà Thẻn ở Hà Giang: Theo các già làng, bát nước tượng trưng cho biển, chứa đựng linh hồn tổ tiên và các thành viên trong gia đình. Chỉ vào cuối tháng 6, chủ nhà mới được phép mở và tiếp thêm nước lã đầy bát. Vào đêm 30 Tết, sau khi ngôi nhà đã bịt kín tất cả cửa hoặc lỗ thông khí, gia đình sẽ cùng nhau thưởng thức cháo. Ăn xong, gia chủ lấy bát nước trên bàn thờ xuống để cọ rửa và thay nước mới. Sau đó, nghi thức cúng giao thừa mới bắt đầu. 

Những phong tục đón Tết “Độc - lạ” ở vùng cao - Ảnh 5.

Ảnh: Báo công thương.

Xem bói gan lợn thiến của người Hà Nhì: Các gia đình của người dân tộc Hà Nhì sẽ lựa chọn những con lợn to khỏe nhất để thịt vào ngày Tết. Trong quá trình mổ, phần gan của chúng phải được giữ gìn cẩn thận để có thể dùng dự đoán vận hạn của năm mới. Nếu lá gan lợn lành lặn, mật lợn căng đầy nghĩa là năm đó mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển...

Những phong tục đón Tết “Độc - lạ” ở vùng cao - Ảnh 6.

Ảnh: Đọt chuối non.

Dính tro, ném xôi lên mái nhà: Trước Tết 3 ngày, các chàng trai Giẻ Triêng sẽ rủ nhau lên rừng đốn củi để đốt và mang tro về làng. Ngoài ra, người làng cũng nấu xôi, vuốt lên cây giẻ khô rồi đốt lên thành tro. Số tro được tập hợp lại rồi tung lên cao, ai hứng càng nhiều tro thì may mắn và hạnh phúc trong năm tới sẽ càng lớn. Bên cạnh đó, người dân sẽ cầm một nắm xôi rồi ném lên mái nhà. Nắm xôi của ai dính lên đó, người này sẽ nhận 100 gùi lúa vào năm mới.