Với phương pháp điều trị đa mô thức, mỗi năm, BV ĐHYD tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp ung thư gan mới, phẫu thuật chiếm khoảng 20%, hủy khối u bằng sóng điện cao tần (RFA) chiếm 20%, bơm hóa chất và làm thuyên tắc mạch máu nuôi khối u - TACE chiếm 40%...
Theo ThS BS. Nguyễn Quang Thái Dương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV ĐHYD, các phương pháp điều trị ung thư gan không phẫu thuật đóng một vai trò quan trọng và đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị ung thư gan. Hiện nay, chỉ định của các phương pháp này chiếm một tỷ lệ khoảng 40 - 60% trong tất cả các phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm các nhóm sau: Nhóm hủy u tại chỗ, nhóm can thiệp nội mạch, nhóm truyền hóa chất qua động mạch gan, nhóm hóa trị trung đích, nhóm xạ trị.
Bên cạnh đó, TS-BS. Trần Công Duy Long - Phó trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy BV ĐHYD cho biết, phẫu thuật cắt gan là phương pháp điều trị triệt để, được áp dụng phổ biến, đem đến tiên lượng tốt nhất cho người bệnh bị ung thư gan. Tuy nhiên, hầu hết ung thư gan xuất hiện ở người bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan. Do đó, việc điều trị phẫu thuật luôn được cân nhắc, đánh giá cẩn trọng và kỹ lưỡng.
Ê kíp phẫu thuật nội soi cắt gan
Hiện nay, với kỹ thuật đo độ thanh lọc ICG của gan, giúp các bác sĩ đánh giá chức năng gan chính xác nhất, đã có tại Việt Nam. Các bác sĩ có thể xác định được trường hợp người bệnh nào có thể cắt gan, mức độ cắt gan cho phép thực hiện. Từ đó, tính an toàn của người bệnh khi phẫu thuật điều trị ung thư gan được nâng lên tối đa. Phẫu thuật nội soi cắt gan được xem là phương pháp điều trị triệt để, ít xâm lấn, giúp người bệnh ít đau, giảm biến chứng, phục hồi nhanh với sẹo mổ thẩm mỹ.
Trong số các người bệnh phẫu thuật cắt gan, có từ 1/3 đến 1/4 số lượng được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Thay vì đường mổ dài dưới xương sườn, người bệnh chỉ phải chịu vết mổ nhỏ từ 4 mm - 1 cm, thời gian nằm viện chỉ từ 4 - 6 ngày.