Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những quyết sách quan trọng từ nghị trường

(Dân sinh) - Nếu nói rằng, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp "đặc biệt" có lẽ không sai. Bởi đây là kỳ họp diễn ra ngay sau thời gian đất nước vừa trải qua "cơn bão" đại dịch, kinh tế suy giảm nghiêm trọng, hệ thống doanh nghiệp suy yếu, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn...

Vì vậy, những quyết sách được thảo luận và quyết định vận dụng sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ mang tính cấp thiết, ngắn hạn, mà còn đảm bảo cho một quá trình phát triển ổn định, bền vững trong một thời gian dài.

  Dịch bệnh đã khiến cho nhiều khiếm khuyết của bộ máy và của mỗi tổ chức, cá nhân bộc lộ rõ hơn. Chính vì thế mà rất nhiều vấn đề lớn, thiết thực đã được đặt ra trên bàn nghị sự: Từ những vấn đề cụ thể như giá kit xét nghiệm Covid-19; vấn đề đầu tư cho y tế cơ sở, cho tới những vấn đề mang tính bao trùm hơn như chiến lược phục hồi kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh; hay "căn bệnh" sợ trách nhiệm mà không ít cán bộ đã mắc phải trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ tới nhịp điệu vận hành của kinh tế - xã hội, nhất là khi đất nước chuyển sang giai đoạn "bình thường mới"...

Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

  Có thể thấy, các nội dung nổi bật tại kỳ họp Quốc hội lần này tập trung vào 2 vấn đề chính: Tiếp tục phòng chống dịch có hiệu quả và tập trung phục hồi kinh tế trong điều kiện dịch bệnh vẫn chưa thực sự kết thúc. Thực tế đã đặt ra nhiều thách thức to lớn, với những nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành phải phát huy hết trí tuệ và sức lực thì mới có thể đảm đương nổi.

  Đặc biệt, cả 4 "tư lệnh kinh tế" đều đưa ra những ý kiến cẩn trọng và cân bằng giữa kế hoạch phục hồi kinh tế đang được thiết kế với trị giá lên đến 10% GDP, như các vị chuyên gia đề xuất, trong tương quan với “bóng ma lạm phát”, bất ổn vĩ mô đang lởn vởn.

  Một vấn đề mang ý nghĩa bao trùm cũng được đề cập, đó là "căn bệnh" sợ trách nhiệm.  Theo nhiều đại biểu Quốc hội, có những người khi thực hiện nhiệm vụ lại luôn sợ và không quyết định những vấn đề, chỉ vì mục đích an toàn cho mình. Điều này thể hiện rõ trong một số việc: Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 nhưng các địa phương vẫn áp dụng những biện pháp ngăn sông cấm chợ, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế giao thông, giao lưu hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0, vì sợ rằng nếu để dịch bùng phát sẽ bị ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật. Lĩnh vực đầu tư công cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi căn bệnh này dẫn tới đa số các công trình trọng điểm đều bị chậm tiến độ, đội vốn, tốc độ giải ngân tại các địa phương, các bộ, ngành đạt tỷ lệ rất thấp...

  Đây cũng là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu Quốc hội đã nắm chắc thực tiễn, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục. Đó cũng là những gợi ý, bổ sung giải pháp để Chính phủ, các bộ, ngành có các quyết sách phù hợp hơn trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

  Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.