Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những sai lầm khi cho trẻ ăn dặm cha mẹ cần tránh

Ăn dặm khoa học và hợp lý sẽ giúp trẻ hấp thụ đủ dinh dưỡng và phát triển toàn diện về cả chiều cao, cân nặng cũng như trí tuệ. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng cho con ăn dặm đúng cách.

Khi ăn dặm, trẻ cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột (gạo, ngô, khoai…), chất đạm (trứng, sữa, thịt, cá,…), chất béo (lạc, vừng, mỡ động vật,…), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại trái cây, rau, củ, quả tươi,…).

Khi ăn dặm, trẻ cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột (gạo, ngô, khoai…), chất đạm (trứng, sữa, thịt, cá,…), chất béo (lạc, vừng, mỡ động vật,…), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại trái cây, rau, củ, quả tươi,…).

Ăn dặm là quá trình trẻ chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ, sữa công thức sang chế độ ăn kết hợp với các loại thức ăn khác như: bột, cháo, rau, củ, quả… Nhiều bậc cha mẹ, nhất là những người sinh con lần đầu đã mắc phải không ít sai lầm trong việc cho con ăn dặm như: chọn sai thời điểm để bắt đầu cho trẻ ăn dặm, cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm nhưng lại ít chất xơ, không cho trẻ bú mẹ nữa, trộn bột với sữa, không cho trẻ ăn dầu/ mỡ… khiến trẻ có thể bị thiếu chất hoặc rối loạn tiêu hóa, hay ốm vặt, thậm chí là suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì…

Cho trẻ ăn dặm quá sớm

Nhiều cha mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm, khi con mới 3-4 tháng tuổi. Việc phải ăn dặm sớm khiến cho bộ máy tiêu hóa của trẻ phải làm việc quá sức, dễ rối loạn, trẻ khó tiêu, dần dà sẽ biếng ăn, dẫn tới chậm lên cân và có thể bị suy dinh dưỡng. Mặt khác, khi ở độ tuổi 4 tháng, trẻ vẫn còn phản xạ đẩy lưỡi chống lại các vật khi chạm vào môi, dẫn đến gặp khó khăn khi tập cho trẻ ăn dặm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ nên bú sữa mẹ hoàn toàn, nếu mẹ không có sữa hoặc không đủ sữa thì có thể thay thế bằng sữa công thức.

Cho trẻ ăn dặm quá trễ

Ngược lại với việc cho con ăn dặm quá sớm thì việc ăn dặm quá trễ cũng không tốt. Khi trẻ trên 6 tháng tuổi, chỉ sữa không thôi sẽ không đủ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết giúp trẻ phát triển toàn diện. Thời điểm này, cha mẹ bắt buộc phải bổ sung thêm các bữa ăn dặm.

Từ 6 -12 tháng tuổi, ngoài việc bú sữa mẹ, sữa công thức, trẻ cần ăn 1-3 bữa bột/ cháo một ngày. Và đây cũng là thời điểm thích hợp để bạn cho trẻ tặp ăn các loại rau, củ, quả bổ sung.

Thời gian đầu khi cho trẻ ăn dặm, hãy bắt đầu bằng một bữa ăn mỗi ngày và cứ 2 tháng thì lại tăng thêm một bữa cho tới khi bé ăn được 3 bữa mỗi ngày. Với bé 6 tháng tuổi nên ăn một bữa mỗi ngày, khi bé được 8 tháng thì số bữa ăn sẽ tăng thành 2 bữa một ngày, cho đến khi bé được 10 tháng có thể tăng lên 3 bữa ăn một ngày.

Cho trẻ ăn quá nhiều đạm

Khi ăn dặm, trẻ cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột (gạo, ngô, khoai…), chất đạm (trứng, sữa, thịt, cá,…), chất béo (lạc, vừng, mỡ động vật,…), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại trái cây, rau, củ, quả tươi…). Nhiều cha mẹ nhầm tưởng rằng cho trẻ bổ sung thật nhiều chất đạm thì trẻ sẽ mau lớn và tăng cân nhanh, nhưng sự thật không như bạn nghĩ. Hàm lượng đạm quá nhiều không những có thể làm bé bị rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn.

Ăn ít rau, củ, quả

Ða phần các bậc cha mẹ sẽ cho trẻ ăn nhiều thịt, cá, tôm… và ăn ít rau, củ, quả. Hoặc có cha mẹ đã chú ý cho trẻ ăn rau, củ, quả nhưng lựa chọn chưa đa dạng, hay cho ăn các loại củ, quả xay nhuyễn như: khoai tây, cà rốt, bí đỏ, bí xanh…, không bổ sung loại rau xanh như: bó xôi, cải ngọt, bông cải xanh, rau ngót… Trong khi đó, những loại rau có lá màu xanh sẫm được cho là rất tốt cho tiêu hóa của trẻ nhỏ.

Mặt khác, nhiều cha mẹ có thói quen ninh/ hầm các loại rau, củ quá lâu khiến cho rau, củ bị mất đi hương vị tự nhiên ban đầu hoặc mất chất.

Không chỉ với rau, củ, đối với các loại hoa quả, cha mẹ cũng nên cho trẻ ăn đa dạng vừa để bổ sung dinh dưỡng, đồng thời huấn luyện trẻ không kén chọn thức ăn, có thể dễ dàng thích nghi khi lớn lên.

Xay nhuyễn mọi thức ăn

Một số cha mẹ luôn nghĩ rằng nghiền nhuyễn thức ăn sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Ðiều này chỉ đúng trong thời gian đầu bé tập ăn dặm mà thôi. Ăn thức ăn xay nhuyễn, trẻ sẽ không học được cách nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán.

Cho trẻ ăn dặm, cha mẹ cần tuân thủ nguyên tắc ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều.

Khi trẻ được khoảng 10-12 tháng tuổi, bạn nên tập cho trẻ ăn các loại thức ăn thô bằng cách thái nhỏ hoặc cắt khúc vừa miệng trẻ thay vì cho vào máy xay nhuyễn.

Thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi.

Thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi.

Không cho trẻ ăn dầu, mỡ

Dầu, mỡ giúp trẻ dễ tiêu hoá lại rất giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác để cơ thể dễ hấp thu. Việc cha mẹ không cho hoặc cho quá ít dầu/ mỡ ăn vào bột, cháo của con có thể khiến trẻ không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết để phát triển.

Ngừng cho trẻ bú sữa mẹ

Ðây là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Trẻ em không chỉ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời mà cần được duy trì bú mẹ cho đến khi 2 tuổi. Mặc dù các bữa ăn dặm cung cấp phần lớn năng lượng để trẻ hoạt động trong ngày,  nhưng sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quý giá và giúp trẻ tăng sức đề kháng tốt nhất.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong quá trình ăn dặm, người mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú đầy đủ.

Những mẹo nhỏ tạo hứng thú cho bé khi ăn

Chọn các loại chén, muỗng, yếm… có hình thù ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc bắt mắt để trẻ thích thú.

Khi đút cho trẻ ăn, bạn có thể vừa đút vừa trò chuyện với bé.

Cho trẻ ngồi ăn chung với cả nhà để tạo cảm giác vui vẻ, kích thích bé ăn ngon miệng.

Tránh ồn ào quá mức khiến cho trẻ không tập trung ăn.

Không cho trẻ xem tivi, iPad hay điện thoại khi ăn vì khi đó trẻ sẽ ăn thụ động và có điều kiện, không tốt cho việc tiêu hóa của trẻ.

Nấu sẵn bột/ cháo cho trẻ ăn cả ngày

Nhiều cha mẹ bận rộn đã nấu sẵn một nồi bột/ cháo để trẻ ăn cả ngày, đến bữa lấy ra nấu hoặc hâm lại. Ðiều này là không nên, vì thức ăn cũ thường có mùi khó chịu và quá trình nấu đi, nấu lại khiến cho chúng bị giảm hoặc mất các chất dinh dưỡng cần thiết. Nếu quá bận, bạn có thể chuẩn bị sẵn các nguyên liệu thô như thịt/ cá/ tôm… băm sẵn; rau, củ, quả rửa sạch cắt nhỏ; tuy nhiên chỉ khi nào đến giờ ăn mới nấu lên để đảm bảo trẻ được ăn thức ăn tươi mới.