Các thiết bị mô hình thay thế cho những sản phẩm có kích thước lớn đưa ra triển lãm thu hút khách hàng không kém đồ thật tại hội chợ. Trong ảnh là một trong những sản phẩm được người Việt Nam sản xuất: mô hình tàu quân y K123 (HQ 561), là một bệnh viện trên biển, chuyên phục vụ khám chữa bệnh cho quân dân quần đảo Trường Sa. Sản phẩm do Viện Khoa học công nghệ tàu thủy đóng mới.
Con tàu này có lượng giãn nước 2.200 tấn, tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ, chở tối đa 180 người, thời gian đi biển 40 ngày. Tàu K123 được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, phòng mổ, các phòng chức năng, 15 giường bệnh và đội ngũ y bác sĩ đầu ngành.
Tàu tuần tra đa năng DN 2000 (8001) phục vụ cho cảnh sát biển - sản phẩm chuyển giao công nghệ của tập đoàn Damen (Hà Lan) - được các kỹ sư, công nhân Việt Nam đóng mới tại nhà máy đóng tàu Sông Thu. Tàu cảnh sát biển này được đánh giá hiện đại nhất Đông Nam Á.
Tàu 8001 có chiều dài 90 m, rộng 14 m. Lượng choán nước 2.561 tấn, thủy thủ đoàn 70 người, vận tốc lớn nhất 23,1 hải lý/giờ. Nhiệm vụ của tàu là tuần tra, kiểm soát, giữ gìn và duy trì an ninh trên biển theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan đến các vùng biển.
Robot có tên Rogo là sản phẩm tiêu biểu tại hội chợ của người Việt. Rogo có thể biến chiếc smartphone thành trợ lý gia đình, với chức năng chat video với người thân từ xa. Người dùng có thể chụp ảnh tự động bằng lệnh để quan sát nhà cửa khi không có nhà.
Máy bay không người lái Pelican VB-01 do Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học chế tạo, trần bay 3,5 km, bán kính bay 50 km trong thời gian 90 phút. Thiết bị được chế tạo bằng sợi carbon, nhẹ, cứng, có giá trị khoảng 100.000 USD.
Pelican VB-01 đang được bay thử, có thể ứng dụng trong quan sát môi trường, rừng, hệ sinh thái, khu vực địa hình khó, quan sát kín, trinh sát quốc phòng.
Phổ kế phản xạ được lắp đặt trên máy bay là phát minh của Viện Hàn lâm khoa học Công nghệ Việt Nam.
Chiếc phổ kế có thể đo được màu sắc, từ đó tính toán được sản lượng cafe, cacao trong các khu vườn rộng lớn ở Tây Nguyên.
Một chiếc máy bay không người lái của Viện cơ khí động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội) có thể mang vật nặng 5 kg, trần bay 500 m, có thể lắp ảnh DSLR, GoPro để quan sát, chụp ảnh và làm công tác trinh sát quốc phòng.
Thiết bị phun vữa xi măng (trái) phục vụ thi công đường hầm mái dốc và bơm thủy lực siêu cao áp kiểu pít tông hướng kính (phải) của Viện khoa học công nghệ Giao thông vận tải.
Lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới và môi trường. Sản phẩm này có ưu điểm là đốt thẳng rác không phải phơi, xử lý hoàn chỉnh từ bụi, axít và các chất độc hại bằng hấp thụ.
Máy phay gỗ CNC 3 trục do Viện cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) chế tạo. Máy được ứng dụng gia công gỗ, phục vụ trùng tu các di tích văn hóa truyền thống, có khả năng kết nối USB, RS232, LAN. Hướng phát triển là chuyển giao công nghệ cho các làng nghề truyền thống, công ty chuyên về đồ gỗ ngoại thất, đồ thủ công mỹ nghệ và tiến tới xuất khẩu.
Robot cán bàn chải tự động có chức năng thay thế công nhân trong lao động, nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao an toàn.
Mô hình sản phẩm tiết kiệm xăng của một công ty tại Hà Nội. Theo giới thiệu, sau khi lắp đặt vào xe máy, thiết bị này có thể giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu tới 40% (1 lít xăng chạy được 90 km). Ngoài ra, xe chạy êm, lướt, không rung lắc, không ảnh hưởng đến động cơ.