Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực LĐ, NCC và XH giai đoạn 2011 – 2015

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, 5 năm (2011-2015) phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2016-2020) lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, các Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí, Nguyễn Trọng Đàm, Phạm Minh Huân, Doãn Mậu Diệp, Đào Hồng Lan cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, các đơn vị chức năng liên quan cùng dự.

Nhờ nỗ lực trong hoàn thiện các văn bản pháp luật cũng như sự nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành trong tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, công tác lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2011 – 2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Baodansinh.vn điểm lại những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội giai đoạn 2011-2015.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cùng các Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH dự Hội nghị trực tuyến đánh giá thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, 5 năm (2011-2015) phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2016-2020) lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

1. Giải quyết việc làm trong nước được chú trọng, thị trường lao động ngày càng phát triển, lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh với chất lượng đưa đi ngày càng cao, thị trường được mở rộng

Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, trong 5 năm từ 2011-2015, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị  giảm xuống dưới 4%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 40 – 41% năm 2015, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Đối với việc làm ngoài nước, Việt Nam tiếp tục nối lại thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Năm 2014, lần đầu tiên, số lao động đưa đi vượt qua mốc 100 ngàn người. Hiện có trên 500 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, gửi về nước hàng năm từ 1,6 - 2 tỷ USD. Lao động Việt Nam đã đi được ở những lĩnh vực, nghề mới có yêu cầu, chất lượng cao hơn như y tá, điều dưỡng đi làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức v.v... Trong năm 2015, Việt Nam và Đài Loan cũng đã khôi phục lại việc hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc sau hơn 10 năm gián đoạn.

 

2. Thực hiện tốt chính sách tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tăng cường an toàn vệ sinh lao động

Từ năm 2013 đến nay, nhờ hoạt động có hiệu quả của Hội đồng Tiền lương Quốc gia với vai trò tích cực trong cải thiện cơ chế xác định tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường và hội nhập, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng gần 2,3 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân/ tháng của người lao động năm 2015 tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2011. Nhờ đó, quan hệ lao động trong giai đoạn 2011 – 2015 cũng được cải thiện, số vụ đình công trên cả nước tính đến hết tháng 10/2015 giảm xuống còn ¼ so với năm 2011. Đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định lộ trình thực hiện nguyên tắc đóng hưởng và mở rộng đối tượng tham gia. Tính đến nay, cả nước có trên 12 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 23,1% lực lượng lao động, tăng thêm 2,4 triệu người so với năm 2010. Cả nước cũng có khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,6 triệu người so với năm 2010, trong đó đã có gần 2,1 triệu lượt người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm mới là trên 1,7 triệu người.

Cũng trong nhiệm kỳ, lần đầu tiên, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Bộ trình Quốc hội thông qua với các quy định rộng hơn, bao quát và cụ thể hơn về trách nhiệm của người sử dụng lao động, chế độ bảo hiểm đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...sẽ góp phần tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian tới.

3. Dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, góp phần phát triển nguồn nhân lực đất nước

Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề và Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020, hệ thống cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa và chú trọng phát triển trên 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Cả nước hiện có 1.463 cơ sở dạy nghề, trong đó có khoảng 800 cơ sở ngoài công lập, tăng 205 cơ sở so với cuối năm 2010. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được tăng cường, đầu tư cho dạy nghề theo hướng tập trung, đồng bộ theo các nghề trọng điểm tránh lãng phí và dàn trải góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề và gắn với thị trường lao động.

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) được triển khai hiệu quả, dạy nghề ngắn hạn, dưới 3 tháng đã giúp gần 2,4 triệu người nâng cao kiến thức để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn và tạo cơ hội cho lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển các khu công nghiệp và thành phố lân cận, góp phần xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Kết quả, dạy nghề trong 5 năm đạt khoảng 8,6 triệu người, tăng hơn 3 lần so với giai đoạn trước, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6% vào cuối năm 2015, tăng 11,6% so với cuối năm 2010. Tỷ lệ sinh viên, học sinh học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 70% chứng tỏ dạy nghề đã tiếp cận và gắn dần với thị trường lao động,

 Năm 2014, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10, tại Kỳ Đoàn Việt Nam đã dành giải Nhất toàn đoàn. Đặc biệt, tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 tại Sao Paulo (Braxin), lần đầu tiên, học sinh nghề Việt Nam đã giành được Huy chương Đồng, tiếp tục khẳng định sự phát triển của Ngành dạy nghề Việt Nam.

4. Đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người và gia đình người có công với cách mạng

Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công được hưởng các chế độ trợ cấp thường xuyên.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến nay, đối tượng người có công hưởng chính sách ưu đãi tăng cả về số lượng và mức hưởng; mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đã tăng lên 71,2% so với năm 2010; đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho trên 60 ngàn mẹ. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công tăng từ 20 ngàn tỷ năm 2011 lên gần 32 ngàn tỷ đồng năm 2015.

Trong nhiệm kỳ, Bộ, ngành LĐ-TB&XH đã tập trung, chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý sai phạm, lừa đảo, lợi dụng để trục lợi trong lĩnh vực người có công, góp phần tăng cường công khai, minh bạch và công bằng trong thực hiện chính sách.

Trong hai năm 2014 – 2015, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam triển khai Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng với kết quả trên 2 triệu người được rà soát. Qua đó, đã kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết tồn đọng chính sách cho 10.682 trường hợp.

Việc triển khai Đề án xác nhận hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin thông qua thực chứng và giám định GENE đã góp phần đáp ứng được mong mỏi của xã hội, giảm thiểu những bức xúc, tiêu cực, lừa đảo trong hoạt động tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, tâm linh.

 Đây cũng là nhiệm kỳ huy động được nhiều nguồn lực, khơi dậy được sự tham gia, đóng góp của cộng đồng chung tay chăm sóc người có công với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong 5 năm, cả nước đã huy động trên 1.250 tỷ đồng xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây mới khoảng 46 nghìn nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 43 nghìn nhà với trên 10,6 nghìn tỷ đồng; gần 11 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng...

5. Quyết tâm giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân, sự tác động của các chính sách kinh tế - xã hội nói chung, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015); riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam luôn là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tiếp tục thể hiện quyết tâm giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận mới được cộng đồng quốc tế khuyến nghị, năm 2015, với sự tham mưu, đề xuất của Bộ LĐ – TB&XH, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều làm cơ sở để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, qua đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là một trong hai chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn tới.

6. Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp

Nhờ thực hiện những chính sách mới về trợ giúp xã hội, đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng; mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 180 ngàn lên 270 ngàn đồng; hệ thống cơ sở mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được quy hoạch  với trên 400 cơ sở. Kinh phí trợ giúp xã hội được huy động ngày càng đa dạng, theo hướng xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực từ cộng đồng.

Trong 5 năm, cả nước đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,643 triệu đối tượng, tăng gần 1,8 lần so với cuối năm 2010. Ngân sách trung ương chi trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng tăng nhanh, năm 2015 là trên 14 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2010 (khoảng trên 4,4 nghìn tỷ đồng).

Trong trợ giúp đột xuất, Chính phủ cũng đã hỗ trợ lương thực cứu đói cho gần 2,5 triệu lượt hộ cùng khoảng 2000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

7. Quản lý nhà nước về trẻ em từng bước hoàn thiện, quyền trẻ em được bảo đảm, xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt kết quả cao

Bộ LĐ - TB&XH đã nghiên cứu sửa đổi và trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1235/QĐ-TTg vể Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em đến năm 2020. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em được tăng cường, quyền trẻ em ngày càng được bảo đảm.

Tính đến hết năm 2015, cả nước có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 6,5%; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công với các chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt nam”, “Em không phải bỏ học”, “Cùng em đến trường”. Kết quả huy động Quỹ trong 5 năm đạt gần 300 tỷ đồng. Gần đây nhất, Bộ cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai Chương trình thiện nguyện “Cặp lá yêu thương”, bước đầu thu hút được sự quan tâm, chung tay, giúp sức của toàn xã hội hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, trong đó trẻ em là tiêu điểm của chương trình.

8. Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt nhiều kết quả tích cực

Sau khi Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được ban hành, công tác triển khai đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương tới địa phương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới cho mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo thực hiện bình đẳng giới trên thực tiễn, thúc đẩy phát triển bền vững của quốc gia.

Kết quả, bình đẳng giới trên hầu hết các lĩnh vực đều đạt được những bước tiến đáng ghi nhận: Tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt hơn 20%, là tỷ lệ khá cao so với khu vực và thế giới; tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt trên 80%; Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực và trên thế giới.

9. Công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống mại dâm được quan tâm chỉ đạo thực hiện

Chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội thời gian qua đã có những điều chỉnh tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy và mại dâm đồng thời đáp ứng các thông lệ quốc tế. Trong đó, phải kể đến việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện tự nguyện.

Kết quả, giai đoạn 2011 - 2015 đã tổ chức, quản lý, chữa trị cai nghiện cho trên 217 nghìn lượt người; dạy nghề cho trên 52,5 nghìn người; quản lý sau cai nghiện trên 58 nghìn người, trong đó quản lý sau cai tại nơi cư trú trên 43,5 nghìn người (chiếm 73,5%), quản lý sau cai tại Trung tâm gần 16 nghìn người (chiếm 26,5%); duy trì và xây dựng mới được 3.539 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, các tập thể, cá nhân Ngành LĐ-TB&XH đã được tặng 22 Huân chương Độc lập; 180 Huân chương Lao động, trong đó phải kể đến Huân chương Lao động hạng Nhất dành cho Bộ trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong 5 năm qua.

Đặc biệt, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Ngành LĐ – TB&XH, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II cho Bộ LĐ – TB&XH. Đây là phần thưởng cao quý ghi nhận một chặng đường thi đua, phấn đấu của toàn Ngành trong giai đoạn 2011 – 2015./.  

* Để thực hiện nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2011 - 2015, trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI, năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã trình BCH Trung ương Đảng lần đầu tiên ban hành Nghị quyết số 15 – NQ/TW ngày 01/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, góp phần quan trọng trong chuyển đổi nhận thức toàn xã hội về các chính sách lao động và an sinh xã hội.

* Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, trong nhiệm kỳ, Bộ LĐ - TB&XH đã xây dựng, trình Quốc hội sửa đổi 02 luật là: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; ban hành mới 03 luật là: Luật Việc làm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; trình Ủy ban Thường vụ của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Bà mẹ VNAH; trình Chính phủ ban hành 02 Nghị quyết và 61 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 55 Quyết định và 04 Chỉ thị; ban hành và phối hợp ban hành gần 200 thông tư và thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chính sách.