Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những thói quen tiêu tiền nguy hiểm cần từ bỏ trong năm mới

Mua sắm theo cảm xúc, cho vay tiền, tranh trả tất cả các bữa ăn với bạn bè... không chỉ làm hỏng túi tiền mà còn làm hỏng các mối quan hệ của bạn.

 

Những thói quen xấu trong vấn đề tiền bạc thường rất khó phá vỡ, bởi chúng đã ăn sâu vào tâm trí bạn, do giáo dục gia đình hoặc do thiếu kiến thức tài chính cá nhân. Ngay cả khi bạn có một kế hoạch tài chính lành mạnh, những thói quen cố hữu có thể làm chệch con đường đến thành công của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng để thoát nợ nhưng liên tục phung phí tiền vào các bữa ăn tối để theo kịp bạn bè, bạn chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu. 

Dưới đây là những thói quen sử dụng tiền bạc sai lầm mà nhiều người mắc phải và làm thế nào để thay đổi chúng:

Chi tiêu theo cảm xúc

Theo Gretchen Cliburn, giám đốc kế hoạch tài chính của BKD Wealth Advisors, rất nhiều người coi mua sắm như một cách để đối phó với những thăng trầm trong cuộc sống. Tuy nhiên, mua sắm theo cảm xúc không giúp bạn thay đổi được điều gì mà đôi khi lại khiến tình hình tồi tệ hơn, bởi nó dẫn bạn đến việc chi tiền cho những món đồ không cần thiết hoặc mắc nợ với thẻ tín dụng.

Để tránh việc mua sắm bốc đồng phụ thuộc vào cảm xúc, bạn nên thiết lập một số nguyên tắc cơ bản cho mình: Ví dụ chỉ mua hàng theo một danh sách bạn đã lên kế hoạch từ trước, trong một thời gian bạn hoàn toàn yên tĩnh, chứ không phải thích thì mua, hay đi mua sắm chỉ để thoát khỏi cảm xúc buồn chán. Hoặc bạn có thể cho mình chờ một ngày trước khi chính thức thanh toán cho những khoản mua ngoài kế hoạch.

Bạn cũng nên đăng ký nhận các email từ các cửa hàng yêu thích để làm giảm sự mua sắm theo cảm xúc. Cuối cùng là nên mua sắm bằng tiền mặt, chứ không phải thẻ tín dụng, để bạn thấy rõ việc chi tiền của mình.

Cho vay tiền

Trong khi việc giúp đỡ người khác là rất đáng ngưỡng mộ nhưng cho bạn bè và người thân vay tiền lại có thể làm hại túi tiền và mối quan hệ của bạn. Khi người vay tiền gặp khó khăn trong trả nợ, giữa bạn và họ có thể xảy ra xung đột, bực bội và khó chịu.

Không cho vay tiền, bạn vẫn có nhiều cách có thể giúp đỡ người đó. Ví dụ, bạn có thể cho họ đi nhờ xe nếu chiếc xe của họ đang bị hỏng (thay vì đưa tiền cho họ chữa xe), giúp họ giảm chi phí bằng cách chia sẻ các mẹo tiết kiệm của bạn.

Nếu bạn vẫn muốn cho vay tiền, hãy coi đó như một món quà, để bạn không còn cảm thấy ấm ức khi thấy người đó mua sắm quần áo mới thay vì trả nợ cho bạn. Còn bạn không thể thoải mái với suy nghĩ cho vay cũng như là mất tiền thì tốt nhất đừng bao giờ cho ai vay tiền.

Luôn cầm hóa đơn trả tiền

Với một số người, trả tiền bữa ăn chung, trả tiền đồ uống cho bạn bè là niềm tự hào. Tuy nhiên, nếu bạn sẽ mắc nợ hoặc phải từ bỏ một vài khoản chi cho các việc quan trọng khác do bạn luôn trả tiền bao mọi người thì có lẽ bạn nên nghĩ lại.

Theo Mela Garber, chuyên viên tại công ty Anchin, Block & Anchin LLP có trụ sở ở New York, những người thường xuyên trả tiền ăn cho người khác nếu biết rằng những người thân, bạn bè luôn chờ được người khác trả tiền sẽ cảm thấy chán mối quan hệ này. Hơn nữa, thật khó để biết rằng một người muốn đi ăn tối với bạn vì họ thích bạn hay vì họ thích một bữa ăn miễn phí? Bằng chứng ư? Bạn chỉ cần hỏi những người trúng xổ số, lúc đã hết tiền phung phí cho người khác, họ còn được bao nhiêu người bạn cũ?

So sánh tình hình tài chính của bạn với người khác

Rất nhiều người trong chúng ta đánh giá sự thành công của một người thông qua ngôi nhà người đó ở hay cái xe người đó đi. Đánh giá như vậy là hoàn toàn sai lầm. "Ngôi nhà to và những món đồ đắt tiền chỉ nói rằng người đó đã chọn cách tiêu tiền như thế nào chứ không nói lên số tiền thực sự mà học có", Cliburn cho biết.

Bạn nhìn người hàng xóm có một chiếc xe hơi và bạn thấy mình cũng xứng đáng có một cái, nhưng bạn không biết rằng chiếc xe là phương tiện làm việc của người đó. Thực tế, rất nhiều người đang mua xe bằng tiền vay ngân hàng, mua điện thoại xịn bằng cách trả góp.

Để tránh sống vượt quá khả năng tài chính của mình, bạn hãy xác định những gì là quan trọng với bạn. Hãy đặt mục tiêu bạn muốn có gì trong vòng 10, 20, 30 năm nữa: bạn muốn một ngôi nhà ở một khu phố cụ thể nào đó, bạn muốn có nhiều tiền tiết kiệm để nghỉ hưu thoải mái...

"Một khi bạn đã xác định được những gì có ý nghĩa nhất đối với mình, bạn sẽ dựa vào đó để chi tiêu, thay vì vung tay quá trán để sống theo ý tưởng của người khác.

Chi tiêu hết thu nhập của bạn

Ai cũng phải trả các hóa đơn điện nước... và chi phí cho nhu yếu phẩm mỗi tháng, nhưng trả bao nhiêu lại phụ thuộc vào quyết định của bạn. Lựa chọn tiêu hết tiền cho cuộc sống thường ngày - thay vì ưu tiên cho tiết kiệm và đầu tư - dường như dễ dàng hơn cả. Có điều, như thế có nghĩa là bạn không có tiền dự phòng cho những trường hợp khó khăn (đau ốm, thất nghiệp) và không có tiền để dành cho lúc về hưu.

Derek Gabrielsen cố vấn tài chính của công ty Strategic Wealth Partners tại bang Ohio cho rằng, tiêu hết số tiền mình kiếm được là sai lầm lớn nhất mà nhiều người mắc phải.

Gabrielsen khuyến cáo mỗi người hãy lập một ngân sách bằng văn bản, bao gồm các khoản chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày và một khoản tiết kiệm cho hưu trí và một khoản tiết kiệm cho các tình huống khẩn cấp. Một nguyên tắc nhỏ là nên tiết kiệm ít nhất 10% thu nhập của bạn cho hưu trí và giữ quỹ khẩn cấp ở mức có thể đảm bảo chi phí cho sinh hoạt của gia đình bạn trong vòng 6 tháng. Một khi đã có kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm, hãy theo sát nó, đó cũng là cách để bạn đảm bảo đạt được mục tiêu của mình.