Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những thông điệp ý nghĩa từ một giải chạy

Hàng trăm bạn trẻ đã tham gia giải “Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” để truyền đi thông điệp nói “Không” với bạo lực trên cơ sở giới. Sự kiện vừa được tổ chức tại Công viên Yên Sở (Hà Nội).

Các bạn sinh viên ĐH Bách khoa với thông điệp Chạy để thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực giới

Các bạn sinh viên ĐH Bách khoa với thông điệp "Chạy để thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực giới"

Giải “Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” là nỗ lực của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) và Chính phủ Australia cùng các bên liên quan trong việc chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.

Bên cạnh truyền tải thông điệp nói “Không” với bạo lực giới, Giải chạy cũng nhằm tuyên truyền, thể hiện vai trò, trách nhiệm chung trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi thái độ, hành vi của mọi người, hướng tới việc tôn trọng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực giới.

Chia sẻ về ý nghĩa của Giải chạy, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, chúng ta chỉ có thể xóa bỏ bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới khi người dân thay đổi thái độ và hành vi của mình. “Mỗi chúng ta hãy là tác nhân thay đổi, hướng tới chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam, từ đó xây dựng một đất nước - nơi tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều được tôn trọng và bảo vệ”, bà Pauline Tamesis kêu gọi.

Phó Đại sứ Australia, Mark Tattersall cùng các thành viên phái đoàn ngoại giao tham gia giải chạy.

Phó Đại sứ Australia, Mark Tattersall cùng các thành viên phái đoàn ngoại giao tham gia giải chạy.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Đại sứ Australia, Mark Tattersall nhấn mạnh: Hãy lan tỏa nguồn năng lượng mạnh mẽ từ giải chạy tới tất cả mọi người trên khắp đất nước Việt Nam, để mọi người đều hiểu rằng bạo lực là không thể chấp nhận. Những người chứng kiến bạo lực với trẻ em và phụ nữ không nên im lặng bởi các dịch vụ hỗ trợ để phá vỡ vòng xoáy bạo lực đang ngày càng phát triển ở Việt Nam.

Với những bạn trẻ tham gia sự kiện, giải chạy không chỉ là cơ hội tuyệt vời để rèn luyện sức bền cho bản thân mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ với ban tổ chức để chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. Sự đồng hành này còn được thể hiện qua hàng trăm thông điệp được viết ngay tại giải chạy kêu gọi xóa bỏ bạo lực giới và thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ đối với phụ nữ và trẻ em gái.

"Tham gia vào giải chạy, em muốn thể hiện vai trò, trách nhiệm chung trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi thái độ, hành vi của mọi người hướng tới việc tôn trọng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực giới" - một sinh viên Đại học Bách Khoa chia sẻ.

Hai chị em Cao Ngọc Trâm và Cao Bảo Ngọc.

Hai chị em Cao Ngọc Trâm và Cao Bảo Ngọc.

Khi được hỏi về ý nghĩa của giải chạy, em Nguyễn Nhật Minh (9 tuổi) nói: Quãng đường chạy khá dài, nhưng em và những người bạn quyết tâm hoàn thành để thể hiện mong muốn về một xã hội không có các hành vi bạo hành về thể chất và tinh thần đến phụ nữ và trẻ em gái.

Hai chị em Cao Ngọc Trâm (14 tuổi) và Cao Bảo Ngọc (10 tuổi) khi tham gia giải chạy lại mong muốn truyền đi thông điệp mạnh mẽ: “Đừng ngồi yên chờ bình đẳng giới. Hãy hành động để nó được hiện thực hoá mỗi ngày” - Chúng em sẽ hành động mỗi ngày để có được bình đẳng giới cho chính mình và những bạn gái khác... Trâm chia sẻ.

Các em thiếu nhi hào hứng tham gia đố vui tìm hiểu kiến thức về giới.

Các em thiếu nhi hào hứng tham gia đố vui tìm hiểu kiến thức về giới.

Những thông điệp từ các bạn trẻ tham gia giải chạy cũng chính là một lời khẳng định mạnh mẽ với tinh thần tích cực, trái tim rộng mở đến với cộng đồng, góp phần quan trọng vào nỗ lực xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.

Đánh giá kết quả Giải chạy, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA mong muốn nguồn năng lượng tích cực cùng những thông điệp ý nghĩa từ ban tổ chức và từ chính những bạn trẻ tham dự sẽ không chỉ dừng lại ở sự kiện một giải chạy, mà sẽ còn được tiếp tục lan toả mỗi ngày trong cuộc sống. “Một xã hội hạnh phúc là một xã hội mà tất cả mọi người, trong đó có phụ nữ và trẻ em được an toàn và khỏe mạnh”, bà Vân Anh nhấn mạnh.

Theo kết quả của cuộc Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam năm 2019 được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Chính phủ Australia, cứ 3 phụ nữ thì có 2 người (63%) từng bị bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế bởi chồng trong đời. Thêm vào đó, hầu hết phụ nữ (chiếm 90,4%) đã từng trải qua bạo lực về mặt thể chất bởi chồng/bạn tình không hề tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ chính thức hoặc chính quyền và một nửa trong số đó chưa bao giờ tiết lộ với ai về tình trạng bạo lực của mình.