Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những thủ đoạn tinh vi của việc dùng chất cấm trong chăn nuôi

Sau một thời gian các cơ quan chức năng “làm mạnh”, việc buôn bán, sử dụng chất cấm (chủ yếu là Salbutamol) trong chăn nuôi giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiều đối tượng hám lợi, dùng thủ đoạn tinh vi hơn, lén lút buôn bán, sử dụng, gây tội ác cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng rất khó phân biệt thịt sạch - thịt bẩn (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.Người tiêu dùng rất khó phân biệt thịt sạch - thịt bẩn (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Vẫn âm thầm dùng

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, gần đây, việc sử dụng chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc “bung đùi”, “nở mông”, còn gọi là “mỳ chính” của người nuôi lợn) trong chăn nuôi có giảm, sau khi Thanh tra Bộ phối hợp với C49 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an) bóc những đường dây buôn bán, chỉ tận nơi nguồn cung. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trong việc nhập, sử dụng chất Salbutamol.

Tuy nhiên, vẫn có những người nuôi, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) hám lợi, buôn bán chất cấm “thấy động” đã thay đổi phương thức để đối phó. Các đối tượng buôn bán không trộn vào cám và bán trên thị trường, mà đưa thẳng xuống các trang trại, gia trại, nhất là các trang trại theo hệ thống gia công.

Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, một phương thức phổ biến tại thời điểm hiện tại là việc thương lái tiếp thị cám đưa thẳng chất cấm xuống các trang trại để “xúi” người chăn nuôi trộn thẳng vào thức ăn khi cho lợn ăn. Thanh tra Bộ và C49 đã phát hiện thủ đoạn này tại xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) do chủ trang trại nuôi lợn thông tin qua đường dây nóng.

Cùng đó, C49 đã phát hiện thêm các đầu mối quan trọng trong việc nhập khẩu và buôn bán trái phép chất Salbutamol. Hiện việc điều tra, xác minh nguồn gốc chất cấm Salbutamol sử dụng trong chăn nuôi với các đối tượng rõ ràng, đã xác lập hồ sơ cụ thể.  C49 cũng đã tiến hành làm việc với Cục Quản lý dược để thống nhất các biện pháp xử lý và củng cố lại hồ sơ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một lượng hàng được đưa ra thị trường từ trước, nên vẫn trôi nổi và có nguy cơ được sử dụng tại trang trại chăn nuôi. Có công  ty nhập khẩu Salbutamol dùng thủ đoạn, xuất hóa đơn bán cho một công ty A - nơi được phép sử dụng Salbutamol, nhưng lại giao hàng cho công ty B - không có chức năng sử dụng chất trên và tuồn vào chăn nuôi.

Dùng chất cấm trong chăn nuôi: Thủ đoạn mới - ảnh 1Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thấy chất cấm Salbutamol và Auramine tại Cty Trường Phú (Hải Dương). Ảnh: Phạm Anh.

Thêm chất cấm mới, thủ đoạn mới

Trao đổi với PV ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện Chi cục Thú y TPHồ Chí Minh đã chuyển hướng sang kiểm tra đột xuất, nhất là vào ban đêm, nên phát hiện nhiều lô lợn “dính” chất cấm tại các cơ sở giết mổ.

Theo ông Dũng,  phải làm thật nhanh, ráo riết, mới chặn được. Phải truy tìm xem trang trại nuôi nào, mua từ đâu, ai cung cấp, thủ đoạn ra sao… Đó là chất cấm trong cám, người dân mua về để trộn, các công ty “khuyến mại” để tăng doanh số, hay là thương lái ép phải dùng.

Ông nói thêm: “Với một lô lợn mấy trăm con, đưa về lò mổ mấy chục con, nếu phát hiện chất cấm thì giữ lại, còn hàng trăm lợn kia đi đâu? Rõ ràng dân mình vẫn phải xài thịt có chất cấm mà không hay”. Thanh tra cũng phát hiện thêm một chất cấm mới là Cysteamine - chất tiền hoóc môn tạo nạc. “Chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra, phát hiện thêm chất mới này. Hiện nay, chất này đang bị cấm, không được nhập về, nhưng không hiểu bằng con đường nào đó, người ta có thể thay đổi nhãn mác, bao bì để chất này đã xuất hiện tại thị trường nội địa”- ông Dũng nói.

Đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, vừa rồi, cơ quan chức năng ở Vĩnh Long còn phát hiện người dân mua luôn viên chống hen xuyễn cho người (có thành phần là Salbutamol) về tán ra cho lợn ăn. Do vậy, việc mua bán tự do, không theo đơn thuốc cũng là một vấn đề.

Ông Dũng cho biết, hành vi mua bán, sử dụng chất cấm đã được cụ thể hoá trong Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2016), với mức độ răn đe cao, hy vọng tình trạng chất cấm trong nông nghiệp sẽ giảm. Theo đó, nếu đối tượng sản xuất, kinh doanh chất cấm có thể bị phạt 100 triệu -1 tỷ đồng, phạt tù 1-5 năm; vận chuyển phạt 200 triệu đồng, xử tù 1-5 năm; sử dụng chất cấm bị phạt 200-500 triệu đồng, xử tù 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng có thể đến 20 năm tù.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), có hơn 20 loại chất bị cấm trong chăn nuôi, trong đó có Salbutamol. “Trước đây, người ăn vào, lăn đùng ngã ngửa thì mới có căn cứ xử lý hình sự. Nhưng theo Luật Hình sự sửa đổi, tới đây, chỉ cần có dấu hiệu vi phạm là dính hình sự luôn. Tuy nhiên, cái gốc là tuyên truyền, giáo dục, để người chăn nuôi, sản xuất TACN, có chất cấm mà không thể  dùng, thì mới bền vững được”- ông Dương nói.