Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những tia hy vọng cho các điểm “nóng” thế giới

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động đối với thế giới, nhất là tại các điểm nóng với hàng loạt hành động gia tăng căng thẳng, đẩy nhiều quốc gia, khu vực tới “miệng hố chiến tranh”.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều dấu hiệu lạc quan cho thấy, năm 2025 sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các bên cùng nỗ lực ngồi vào bàn đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp, hạ nhiệt căng thẳng để đi tới chấm dứt xung đột, chiến tranh.

“Lò lửa” Trung Đông có thể hạ nhiệt

Những tia hy vọng cho các điểm “nóng” thế giới - 1
Cờ của các quốc gia tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ (Ảnh: LHQ)

Năm 2024 đánh dấu một trong những giai đoạn xung đột dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ đối với Trung Đông. Israel với tham vọng định hình lại và thiết lập một trật tự mới trong khu vực đang tiếp tục cuộc chiến tại Dải Gaza song song với việc đẩy mạnh hoạt động trên nhiều mặt trận.

Trong khi đó, Hamas và các nhóm vũ trang Palestine đã leo thang đối đầu với lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Hamas dù chịu tổn thất đáng kể, nhất là về lực lượng lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao nhưng vẫn gây khó cho IDF thông qua chiến thuật chiến tranh du kích. 

Dải Gaza vẫn đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với hàng triệu người bị ảnh hưởng, thiếu thốn lương thực, thuốc men và các dịch vụ y tế cơ bản. Hơn 45.000 người đã thiệt mạng tại Gaza từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát hồi tháng 10/2023.

Gần một năm sau khi Hezbollah cố gắng gây sức ép buộc Israel ngừng chiến ở Gaza, các cuộc giao tranh ăn miếng trả miếng giữa lực lượng này và IDF đã leo thang từ tháng 9 đến 11/2024, tuy nhiên, IDF vẫn kiềm chế khi không nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như như sân bay quốc tế duy nhất của Li Băng, cảng biển, kho chứa nhiên liệu, nhà máy điện và cầu.

Trong khi đó, sau cuộc chính biến tại Syria vừa qua, Israel đang đẩy mạnh một số hoạt động tấn công vào các vị trí quân sự bên trong Syria cũng như tiếp quản vùng đệm phi quân sự trước đây ở Cao nguyên Golan do Syria kiểm soát nhằm bảo vệ biên giới và củng cố an ninh.

Các leo thang căng thẳng quân sự liên tiếp tại Trung Đông thời gian qua đã đẩy khu vực nhiều lần cận kề “miệng hố chiến tranh”, tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu tích cực trong thời gian gần đây.

Dọc theo biên giới Li Băng - Israel, lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27/11 dù vẫn còn những thách thức đáng kể trong dài hạn bao gồm các cuộc đàm phán về phân định biên giới trên bộ nhưng sẽ giúp đảm bảo một giai đoạn tương đối yên bình, tạo đà giảm căng thẳng khu vực và chấm dứt xung đột tại Dải Gaza.

Hiện nay, đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza đang có nhiều tín hiệu tích cực. Ngày 21/12, chỉ một ngày sau cuộc họp tại Cairo, Ai Cập, lãnh đạo của Phong trào Hamas, Phong trào Jihad Hồi giáo Palestine và Mặt trận bình dân giải phóng Palestine đã nhất trí rằng, một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza “đang gần hơn bao giờ hết”, nếu Israel không đưa ra thêm điều kiện mới.

Thỏa thuận đề xuất này đã xác định lộ trình giảm căng thẳng, việc lực lượng Israel rút khỏi Gaza, trao đổi toàn diện tù nhân lấy con tin và chấm dứt giao tranh lâu dài giữa Hamas và Israel. Thậm chí, nếu các bên có đủ thiện chí về chính trị, thỏa thuận ngừng bắn có thể đạt được ngay trong tháng 12 này. 

Triển vọng lệnh ngừng bắn cho cuộc chiến tại Ukraine

Cuộc chiến ở Ukraine cho đến nay là một cuộc chiến tàn khốc và đẫm máu với hàng triệu thương vong và thiệt mạng từ cả phía Nga và Ukraine. Năm 2024 đánh dấu chiến thuật “miệng hố chiến tranh” của cả Nga và phương Tây trong cuộc chiến này.

Hiện Nga đang tiếp tục đẩy mạnh đà tấn công sau khi phá vỡ các phòng tuyến vững chắc tại miền Đông Ukraine, đồng thời dồn ép Ukraine trên toàn mặt trận nhằm giảm khả năng điều động lực lượng của Kiev, tuy nhiên, Nga cũng đang chịu áp lực rất lớn, nhất là về tài chính.

Trong khi đó, Ukraine đang trải qua nhiều khó khăn khi tình trạng thiếu hụt nhân lực ngày càng trầm trọng, sự hạn chế về khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, thậm chí đứng trước nguy cơ mất thêm lãnh thổ vào tay Nga nếu không sớm đàm phán…

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thừa nhận rằng, Kiev sẽ không thể lấy lại tất cả các vùng lãnh thổ từ phía Nga và phải cần thời gian để khôi phục sau các cuộc tấn công của Moscow.

Do đó, các nhà phân tích đánh giá, các đề nghị đảm bảo an ninh từ phương Tây và cơ hội củng cố hơn nữa cơ sở quốc phòng với sự giúp đỡ của phương Tây sẽ tạo nên chiến thắng cho ông Zelensky tại thời điểm này. Nếu những điều này thay đổi vị thế đàm phán cơ bản của hai bên, những diễn biến trên chiến trường cũng có nhiều khả năng thay đổi trong năm 2025. 

Nhiều người ở Nga, Ukraine và phương Tây giờ đây đang thảo luận về một lệnh ngừng bắn tiềm năng vào năm 2025. Tuy nhiên, vấn đề chính và gai góc nhất là điều kiện tiên quyết và lập trường của hai bên cũng như vai trò trung gian của các bên thứ ba như Trung Quốc hoặc Mỹ.

Dù triển vọng đàm phán vẫn chưa thực sự lạc quan những những diễn biến vừa qua cho thấy cả Moscow và Kiev đều nhận thấy đã đến lúc cần nỗ lực để đạt được một thỏa thuận cho cuộc chiến hiện nay.

Hy vọng cho Bán đảo Triều Tiên 

Năm 2024 chứng kiến tình trạng leo thang quân sự nhất trong 70 năm trên Bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên đã sửa đổi Hiến pháp, coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”, đồng thời tăng cường leo thang quân sự thông qua hàng loạt vụ phóng thử tên lửa, bắn pháo, tập trận.

Đỉnh điểm là việc Triều Tiên phá hủy các công trình biểu tượng cho sự hàn gắn giữa hai miền Nam - Bắc Triều và các tuyến đường nối giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. 

Tình trạng căng thẳng leo thang gây ra nhiều hệ lụy cho quan hệ song phương và an ninh khu vực; thúc đẩy Hàn Quốc và Triều Tiên tăng cường năng lực quân sự, từ đó dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Điều này đã tác động tới các cuộc chiến khác gây phức tạp thêm tình hình, như việc Triều Tiên đưa quân sang Nga.

Tuy nhiên, các bên vẫn rất kiềm chế để tránh đẩy tình hình đi quá xa. Vẫn có những tín hiệu khả quan nhất định về hạ nhiệt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên khi Tổng thống Trump chính thức nắm quyền vào năm 2025 bởi ông Trump vốn có mối quan hệ khá hữu hảo với ông Kim Jong-un. 

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp trực tiếp một nhà lãnh đạo Triều Tiên - không phải một lần mà là 3 lần, thậm chí ông còn đặt chân lên đất Triều Tiên.

Hiện, ông Trump chưa bày tỏ rõ ràng ý định theo đuổi chiến lược giao lưu với Bình Nhưỡng, nhưng hy vọng về ngoại giao đã tăng lên bởi điều ông Trump mong muốn cuối cùng là trở thành tổng thống chịu trách nhiệm cho một thỏa thuận mà không ai ngoài ông có thể đàm phán được.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ông Trump có sẵn lòng thay đổi chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên kéo dài hàng thập niên để có thể kéo họ ngồi vào bàn đàm phán hay không, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên giờ đây có đòn bẩy và vị thế lớn hơn nhiều so với Triều Tiên những năm nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. 

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung 

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung không chỉ là cạnh tranh về vị trí bá quyền thế giới mà còn ở khả năng dẫn dắt thế giới trong các chương trình nghị sự quan trọng.

Thế giằng kéo quyền lực đang đan cài hết sức phức tạp giữa hai cường quốc đang diễn ra quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế - thương mại, công nghệ, ngoại giao, văn hóa, quân sự đến dân chủ, nhân quyền... trong đó kinh tế - thương mại và công nghệ đang là vấn đề nóng nhất. 

Quan điểm chính sách trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump cũng như nội các mà ông đề xuất cho nhiệm kỳ thứ hai này dự báo nhiều thách thức trong quan hệ song phương cũng như tác động lan tỏa của nó đối với nhiều quốc gia khác và thế giới.

Đặc biệt, năm 2025 sẽ chứng kiến cạnh tranh gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực xe điện, năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến. 

Việc cân bằng giữa lợi ích thương mại và an ninh quốc gia sẽ là một bài toán khó mà chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump cần giải quyết. Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung 2.0 sẽ được dần lộ diện trong năm 2025, từ đó định hình mối quan hệ kinh tế hai nước nói riêng, nền kinh tế toàn cầu nói chung trong những năm tiếp theo. 

Năm 2025, những cuộc xung đột trên thế giới có thể bước vào giai đoạn mới, với những sự chuyển giao mang tính lịch sử về quyền lực và   kinh tế từ Đông sang Tây. Hệ thống quốc tế đa cực toàn cầu với khoảng cách giữa các quốc gia và đang vận động theo hướng thu hẹp dần và một trật tự thế giới mới vẫn đang tiếp tục biến chuyển.  

Nguyên Long (tổng hợp)

Báo Lao động và Xã hội số 1