Những trò chơi dân gian vui nhộn
1. Oẳn tù tì
Chỉ cần có hai người trở lên là trẻ có thể chơi trò chơi này. Tất cả cùng nắm tay thành nắm đấm rồi đồng thanh hô “Oẳn tù tì ra cái gì là ra cái này”. Ai ra đấm thì thắng người ra kéo. Ai ra kéo thì thắng người ra lá. Ai ra lá thì thắng người ra đấm. Ra giống nhau là hòa.
Trò chơi đơn giản này không những có tác dụng giải trí mà còn giúp con trẻ rèn luyện tinh thần phản xạ và sự phán đoán nhanh nhạy.
2. Bịt mắt bắt dê
Cả gia đình bạn tạo thành một vòng tròn lớn vây quanh một người bị bịt mắt ở giữa. Sau khi dùng khăn bịt mắt, mọi người sẽ chạy xung quanh, chạm vào người bịt mắt rồi chạy khi người đó chụp mình. Khi người bị bịt mắt chụp được người nào, thì phải đoán và nói tên của người đó. Nếu nói đúng thì người bị bắt chuyển thành người bịt mắt, nếu nói sai, trò chơi tiếp tục như cũ. Người bị bắt có thể “lừa” người bị bịt mắt bằng cách khụy chân xuống giả làm người thấp trẻ hoặc kiễng chân lên cao, để cho người bị bịt mắt không đoán ra mình là ai. Trò chơi này không chỉ rèn luyện thể chất mà còn mang lại tiếng cười sảng khoái cho tất cả mọi người.
3. Cá sấu lên bờ
Đây là trò chơi giúp trẻ nâng cao tinh thần tập thể, tăng sự vận động, nhanh nhẹn, nên chơi ở ngoài trời (sân, vườn nhà). Trẻ có thể rủ bạn cùng chơi (một nhóm 4-5 người).
Để bắt đầu chơi, cha mẹ hãy dùng phấn để vẽ “bờ” lên nền gạch. Các con oẳn tù tì, ai thua sẽ phải làm “cá sấu”. Những người thắng sẽ làm dân thường, đứng trên “bờ”. Dân thường chọc tức cá sấu bằng cách đợi cá sấu ở xa thì thò một hoặc hai chân xuống “nước” rồi vỗ tay hát “cá sấu, cá sấu lên bờ”. Khi nào cá sấu quay lại thì lại nhảy lên bờ. Người nào nhảy lên không kịp bị cá sấu bắt được phải thay làm cá sấu. Nếu cá sấu bắt được một lúc hai người liền, thì hai người đó sẽ xác định ai sẽ làm cá sấu qua trò chơi oẳn tù tì.
4. Chơi chuyền
Trò chơi chuyền cần từ hai người trở lên, chơi lần lượt từng người một. Để chơi chuyền, cha mẹ cần chuẩn bị 10 que nhỏ (làm bằng tre hoặc gỗ) và một quả bóng tròn nẩy (bóng bàn hoặc bóng tennis, bóng cao su đều được). Que chuyền có thể được vót bằng tre hoặc nứa, thân nhỏ và dài.
Cách chơi: Cầm quả chuyền ở tay phải tung lên không trung quá đầu, mắt nhìn quan sát để vừa nhặt được que theo thứ tự từ 1 que (bàn một); 2 que (bàn hai)... đến bàn mười; vừa đón được quả chuyền, vừa kết hợp hát những câu đồng dao phù hợp với từng bàn, từng chặng; để rơi quả chuyền là mất lượt - thua.
Ví dụ: Bàn 1: Cái mốt, cái mai, con trai, cái hến, con nhện, vương tơ, quả mơ, quả mít, chuột chít, lên bàn đôi. Bàn 2: Đôi tôi, đôi chị, đôi cành thị, đôi cành na, đôi lên ba...
Cứ thế lần lượt từ em nay sang em khác, bàn sau khó hơn bàn trước, thắng được tính điểm, thua thì mất ván. Đây là trò chơi nhẹ nhàng, hợp với tính cách các trẻ gái, nhưng cũng không hiếm trẻ trai chơi; đơn giản nhưng lại rất bổ ích vì để thắng được, người chơi phải nhanh tay, nhanh mắt, nhanh miệng - vô hình trung đã vừa rèn luyện được tính khéo léo kiên trì, vừa luyện được mắt, luyện tay, luyện trí nhớ...
Chơi chuyền - một trò chơi dân gian được nhiều bé gái yêu thích.
Những trò chơi hiện đại và năng động
1. Xây tháp, lắp ghép, xếp hình
Trò chơi đơn giản này rất có lợi cho việc phát triển trí tưởng tượng, phối hợp mắt và tay, mang đến niềm vui thuần khiết cho trẻ. Tất cả những gì trẻ cần là những khối gỗ đa dạng về màu sắc và hình thù. Để khuyến khích trẻ, bạn có thể dựng trước một tòa tháp và yêu cầu trẻ làm theo. Ban đầu, có thể trẻ chỉ dựng được một chiếc tháp nho nhỏ, thấp tầng, càng chơi, kỹ năng càng tốt hơn, trẻ sẽ dựng được tòa tháp cao hơn, “hùng vĩ” hơn.
2. Chơi đồ hàng
Chơi đồ hàng là một trò chơi quen thuộc của mọi trẻ em trên khắp thế giới. Trò chơi này giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, xã hội và trí tưởng tượng. Chơi đồ hàng không chỉ có lợi cho trẻ mà còn lợi cho bạn vì bạn có thể tranh thủ lúc này để “gợi ý” trẻ giúp mình làm việc vặt trong nhà. Thông qua trò chơi, trẻ sẽ nhận ra những việc thực tế mình có thể làm trong cuộc sống và chủ động thực hiện một cách độc lập.
Bạn cũng có thể tranh thủ biến những cuộc trao đổi trong trò chơi đồ hàng thành trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Trẻ nhỏ hào hứng chơi trò chơi xếp gỗ.
3. Săn tìm kho báu
Trẻ em thích tìm đồ vật bị giấu - đặc biệt là khi có một giải thưởng. Đơn giản chỉ cần viết chỉ dẫn của bạn trên một số tờ giấy. Sau đó, bạn hãy đặt chỉ dẫn đầu tiên ở một chỗ dễ tìm, như bên trong hộp bút hay ngăn bàn. Để lại các chỉ dẫn khác xung quanh nhà, tạo một dấu vết dẫn đến chỉ dẫn cuối cùng. Trẻ sẽ vô cùng sung sướng khi tìm ra được kho báu sau một hành trình khá là gian nan.
4. Ném bóng bowling
Nếu bạn không thể dẫn con đến các khu vui chơi giải trí để chơi bowling thật thì hãy chuẩn bị một trò chơi bowling mini ngay tại nhà với 1 viên bi, 10 viên tẩy bút chì.
Cách chơi: Bố mẹ giúp con xếp 10 viên tẩy bút chì thành hình tam giác, mỗi cạnh tam giác có 3 chai, bên trong hình tam giác có 1 chai. Con sử dụng bi để ném trúng các viên tẩy và ghi điểm.
5. Câu cá
Chỉ cần một thùng các-tông, giấy màu, kéo là bạn có thể làm trò chơi câu cá cho các bé yêu.
Cách chơi: Phụ huynh dùng kéo cắt giấy màu thành hình những chú cá dễ thương và thả vào thùng. Sau đó, bạn cho con một chiếc đũa hoặc một que dài bất kì để câu cá. Trò chơi này giúp cải thiện khả năng phối hợp tay mắt của trẻ ở độ tuổi 2-3.
6. Đóng băng
Cha mẹ bật một số giai điệu trẻ yêu thích và tăng âm lượng. Yêu cầu trẻ nhảy cho đến khi âm nhạc dừng lại. Khi đó, trẻ phải đóng băng ở bất kỳ vị trí nào - ngay cả khi trẻ có một chân đang giơ lên. Để làm cho trò chơi trở nên thử thách hơn, hãy yêu cầu trẻ đóng băng trong các tư thế khó như: tư thế của động vật, giống một chữ cái nào đó hoặc là tư thế yoga. Trẻ mới biết đi đặc biệt yêu thích trò chơi này.
Trên đây là một số gợi ý các trò chơi để những ngày trẻ ở nhà một mình hoặc với cha mẹ, hay với chị em của mình và bạn bè không trở nên nhàm chán.
Phương Anh/GĐTE