Chính phủ đã chỉ đạo với tinh thần nhất quán là tất cả các địa phương đều phải phấn đấu hoàn thành "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì nhịp độ phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Đó thực sự là một thách thức lớn cho mỗi địa phương. Thời gian qua đã có một số địa phương tính đến giải pháp "an toàn là trên hết", biến địa phương mình trở thành "lãnh địa riêng" trong việc cách ly khiến việc đi lại cũng như giao thương gặp trở ngại.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3, tình trạng này đã từng xuất hiện khi hàng hóa nông sản từ Hải Dương bị "cấm cửa" sang Hải Phòng - cửa ngõ quan trọng nhất đối với địa phương này. Gần đây, tỉnh Đồng Nai cũng đã ra văn bản quy định việc cách ly 21 ngày đối với người đến từ TP.Hồ Chí Minh - trong khi có hàng chục ngàn người Đồng Nai qua TP. Hồ Chí Minh làm việc hằng ngày và hơn thế, lượng hàng hóa luân chuyển qua lại giữa hai địa phương này là vô cùng lớn, nên những quy định "ngăn sông cấm chợ" như vậy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế của mỗi doanh nghiệp, địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Đợt bùng phát dịch xảy ra ngay đúng vào mùa thu hoạch vải thiều - một loại đặc sản nổi tiếng, mang lại nguồn thu rất lớn cho Bắc Giang trong suốt nhiều năm nay. Thực tế những ngày qua, vải thiều Bắc Giang đã được đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu ra cả thị trường ngoài nước, nhưng số lượng chưa nhiều, cách thức tổ chức còn tỏ ra bị động. Thực trạng đó cho thấy, không riêng gì Bắc Giang, mà tất cả các địa phương khác đều cần phải xác lập "tình trạng bình thường mới" trong điều hành kinh tế và quản lý xã hội. Cụ thể, cần sớm chuyển "tư duy giải cứu" bị động sang cơ chế chủ động, căn cơ và dài hơi trong sản xuất, lưu thông hàng hóa...
Theo một số chuyên gia, nên chăng các địa phương tính tới việc xây dựng những "tuyến đường xanh" đồng bộ, với quy chuẩn chặt chẽ. Để hình thành những "tuyến đường xanh" như vậy, tại mỗi vùng sản xuất (nơi nhiễm dịch hoặc gần vùng dịch…) phải xác định các hàng hóa/nông sản cần vận chuyển, thu hoạch khối lượng lớn, thị trường tiêu thụ ra sao. Từ đó có các điểm tập kết hàng vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh gồm cả lái xe được ưu tiên tiêm chủng, hoặc được xét nghiệm định kỳ. Xe vận chuyển được khử trùng, khử khuẩn, có các giải pháp quản lý chặt chẽ và có chỉ dấu cho thấy đó là những phương tiện đáp ứng yêu cầu đi trên "tuyến đường xanh".
Quy trình quản lý, kiểm soát phương tiện trên "tuyến đường xanh" cũng phải hết sức nghiêm ngặt. Cần thống nhất xây dựng nhóm công tác liên ngành (Công Thương, y tế, nông nghiệp, vận tải), các địa phương tham gia thực hiện và giám sát.