Tại hội thảo Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ LÐ-TB&XH và Ðại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức trong tháng 5/2022, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LÐ-TB&XH) cho biết, theo thống kê của các Sở LÐ-TB&XH, tính đến tháng 2/2022, cả nước có 4.335 trẻ em mồ côi do Covid-19. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có gần 20% tỷ lệ người mắc Covid-19 ở độ tuổi dưới 18 (tương đương gần 500.000 trẻ). Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid; tuy nhiên, điều trẻ cần nhất vẫn là sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ/người thân không chỉ về sức khỏe thể chất mà về cả tâm lý và tinh thần.
Covid đã tác động tiêu cực đến trẻ em như thế nào?
Thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19, hàng triệu trẻ em bị cách ly y tế, gián đoạn học tập. Ước tính có 7,4 triệu trẻ em trên khắp cả nước phải chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến, trong đó hơn 1,5 triệu em thiếu thiết bị học, cần được hỗ trợ. Ðiều này làm gia tăng sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận nền giáo dục chất lượng.
Việc học trực tuyến kéo dài cũng có nhiều hạn chế như: lý thuyết lấn át thực hành, ít tương tác, ít hoạt động nhóm, trẻ dễ bị xao nhãng, học tập kém hiệu quả hơn. Mặt khác, phải ngồi trước thiết bị điện tử trong thời gian dài khiến các em bị cô lập, xa cách, từ đó dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, mệt mỏi, buồn phiền, khó tập trung, rối loạn hành vi…
Ðể phòng, chống Covid, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, giao tiếp với bạn bè trực tiếp, gia tăng thời gian sử dụng Internet và mạng xã hội. điều này khiến trẻ dễ có nguy cơ bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, kỹ năng xã hội, khiến không ít trẻ mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, một số trẻ đã có những hành vi tiêu cực như tự làm thương bản thân, thậm chí tự tử.
Một nghiên cứu trên 80.879 trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu (được công bố vào tháng 8/2021 trên Tạp chí Y khoa JAMA, thuộc Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) cho thấy, số trẻ em trải qua triệu chứng trầm cảm và lo âu lần lượt là 25,2% và 20,5%. Tỷ lệ này tăng gấp đôi so với trước đại dịch Covid-19.
Giúp trẻ ổn định tâm lý hậu Covid
Trẻ vừa mới quay trở lại trường học chưa bao lâu thì đã đến kỳ nghỉ hè. Hầu hết trẻ em trên khắp cả nước bắt đầu nghỉ hè sau ngày 31/5, điều này đồng nghĩa với việc trẻ sẽ ở nhà suốt 2-3 tháng hè (tùy lứa tuổi). Ðể trẻ không buồn chán hay lo âu, cha mẹ hãy đăng kí cho trẻ tham gia các câu lạc bộ hè của trường học/ phường/ xã (sau 2 năm bị gián đoạn hoạt động vì Covid, hiện nay hầu hết các trường/ địa phương đã mở lại các câu lạc bộ sinh hoạt hè). Hoặc cũng có thể ghi danh cho trẻ tham gia các lớp học năng khiếu, câu lạc bộ thể thao.
Cho trẻ vẽ tranh, chơi nhạc, nghe nhạc, xem phim, đọc sách, chăm sóc cây cối hay thú cưng… để giải tỏa căng thẳng. Trẻ sẽ thấy vui hơn khi được thể hiện bản thân.
Khuyến khích trẻ vui chơi cùng bạn bè, tham gia các hoạt động tập thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như: tập thở, đi bộ, đạp xe quanh nhà. Ðể tạo không khí vui vẻ, sôi động, cha mẹ nên cùng con tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, cần nhắc nhở trẻ tuân thủ đeo khẩu trang và sát khuẩn vì cho đến hiện tại Covid vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, trẻ vẫn có thể mắc mới hoặc tái nhiễm.
Trẻ bị di chứng hậu Covid, cha mẹ cần lưu ý điều gì?
Với những trẻ từng mắc Covid, cha mẹ cần theo dõi sức khỏe để sớm phát hiện xem trẻ có bị di chứng hậu Covid hay không. Hậu Covid có thể ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, ở trẻ em và trẻ vị thành niên, biểu hiện các triệu chứng nhiều nhất trên cơ quan thần kinh như: mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác… Trẻ cũng có thể có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập.
Các triệu chứng hô hấp hay gặp khác là ho kéo dài, đau họng, khó thở… Ngoài ra, trẻ có thể đau khớp, đau cơ, tức ngực... Số ít trẻ có thể mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau Covid. Trường hợp này tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Với những trẻ không may bị mất đi người thân do Covid thì tâm lý sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trẻ có thể bị trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực.
Do đó, những trẻ từng mắc Covid hoặc có người thân bị mất vì Covid cần được cha mẹ/người trong gia đình quan tâm, trong đó vấn đề tâm lý cần được chăm sóc đặc biệt. Hãy khuyến khích trẻ thể hiện các cảm xúc sợ hãi hay buồn bã, không nên kìm nén, giữ trong lòng, lâu ngày tích tụ lại sẽ thành bệnh.
Ðể ổn định tinh thần, giúp trẻ cân bằng cuộc sống hậu Covid, cha mẹ/người chăm sóc trẻ cần sống lạc quan, vui vẻ để trẻ nhìn vào đó mà học theo. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện rối loạn về hành vi, đừng ngại ngần cho trẻ đi gặp chuyên gia/bác sĩ tâm lý để được đánh giá toàn diện và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.