Ngày Tết, sắm cành đào đã trở thành nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Ảnh: KT
Chả biết từ bao giờ, cứ Tết đến nhà ai cũng sắm lấy một cành đào, một cây quất. Giàu nghèo ra sao cũng cố sắm cho con trẻ manh áo mới đón xuân về. Người Việt coi trọng gia đình, coi trọng cội nguồn, điều này thể hiện rõ nhất trong mấy ngày Tết. Chẳng ai bảo ai phải làm thế này, phải mua sắm cái nọ, nhưng cứ khi gió mùa đông bắc bớt lại, mưa phùn ẩm giăng đầy trên phố thì nhà nhà lại xốn xang đón xuân về.
Bắt đầu từ 23 tháng Chạp thường được tính là Tết, đó cũng là ngày mọi gia đình làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời. Nhà tôi mấy chục năm nay chưa năm nào mẹ mua cá, tôi cũng hay thắc mắc vì thích được đi thả cá như chúng bạn. Mẹ bảo cá thả xong lại bị người ta bắt lại, không đưa ông Táo về trời được. Cơm cúng mẹ tôi vẫn làm đầy đủ, mẹ tôi bảo chỉ cần mình thành tâm thì mọi việc ắt sẽ được thấu tỏ, không nên câu nệ nhiều. Nhà tôi ở mặt phố, những ngày này tôi không bị mẹ sai vặt việc gì, thường đứng ra cửa hóng chơi. Thấy nhà nhà tấp nập đi mua đồ lễ thì có phần thích thú. Những mũ Táo Quân, vàng mã được cột chặt sau xe rồi phóng đi. Những con gà, rau quả…được các bà, các mẹ gói gém trong túi ni-lông xanh đỏ tiến về nhà, gặp nhau thì buông mấy lời ngợi khen nải chuối chị mua đẹp, con gà của bà tốt mã quá. Cái cảnh chợ Tết rộn rịp như một bức tranh nhiều nét, nhiều chi tiết. Các hình khối, màu sắc cứ đan vào nhau rối rít cả lên, nhưng nhìn kĩ thì nét nào cũng đẹp, màu nào cũng tươi vui quá. Nói đến đây, tôi lại chợt nhớ mấy câu cực hay trong “chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ:
“Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha.
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.”
Khi bố mẹ mua sắm Tết xong rồi thì sẽ phát động “cuộc đại cách mạng” dọn dẹp nhà cửa. Đây sẽ là chuỗi ngày lao động thực sự với lũ trẻ chúng tôi. Đầu tiên là dọn tủ sách, lau bụi từng quyển rồi xếp lại ngay ngắn. Cùng với bố tôi quét mạng nhện, lau cửa, rửa đủ hai rổ bát đũa cốc chén – loại mà đến Tết mẹ tôi mới cho mang ra dùng. Cứ chuẩn bị rục rịch đến tháng cuối năm, mẹ tôi lại lẩm bẩm bảo không biết năm nay nên dọn nhà từ mùng mấy bây giờ…
Gói bánh chưng bây giờ ít nhà làm, nhưng nhà tôi vẫn giữ được phong tục này. Bố mẹ tôi cho rằng những gì cũ kĩ từ thời các cụ mà giờ vẫn giữ được thì chúng tôi hãy cứ cố mà giữ, dù các bác tôi năm nay cũng ngoài xấp xới 70, toàn đeo kính để gói bánh chưng cả rồi. Chiếc bánh chưng vuông thành sắc cạnh là tượng trưng cho đất mẹ, thể hiện lòng cảm tạ trời đất một năm qua mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm. Chiếc lạt mềm buộc chặt thể hiện cho bản tính ưu mềm mỏng, nghĩa tình của tổ tiên ta. Sau tất cả những mua sắm, dọn dẹp, bánh trái đủ đầy, là chiều 30 rộn ràng không khí Tết. Chẳng biết từ bao giờ, những ngày cuối năm trong tôi bao giờ cũng đượm một thứ mùi cay cay, nồng ấm. Sáng 30, mẹ sẽ đi chợ mua một bó lá mùi già đun vài nồi nước tắm cho cả nhà. Khi đã tắm rửa thơm tho xong cũng là lúc mâm cơm cúng đã hết một tuần hương, mẹ tôi kính cẩn hạ lễ để cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm ngày cuối năm. Ông bà chúng ta quan niệm nước lá mùi được tắm vào ngày cuối cùng của năm cũ sẽ mang đi mọi xui xẻo, buồn phiền cũ càng đã qua, để tâm thanh sạch đón một mùa mới nhiều bình an. Sau này khi đi học xa nhà, đến những ngày Tết cận kề lắm rồi mới được về nhà, chẳng hiểu sau tôi thèm quá được tắm trong thứ nước vừa lạ lùng vừa than thuộc ấy. Tôi cảm giác dù có lớn thêm nhiều đi nữa, đi xa nhà thêm bao nhiêu nữa, nhưng cứ về đến nhà, được gột rửa bằng thứ nước kỉ niệm thơm tho bảng lảng ấy, tôi bỗng hóa bé bỏng lại đến cả chục năm, thấy lòng mình vẫn như đứa trẻ con mong thiết tha Tết đến.
Những phiên chợ Tết bao giờ cũng rực rỡ sắc màu và đông vui, nhộn nhịp. Ảnh: KT
Con người ta nghĩ cũng thật kì lạ, khi bé thì mong lớn lên, mong một chuyến đi xa hơn quãng đường từ nhà đến trường. Khi lớn rồi thì lại mong nhỏ bé lại, mong nhớ những gì gần gũi, thân thuộc mà giờ phải vượt đường xa cách trở để tìm về.
Khi còn nhỏ, có lẽ chờ mong nhất trong mấy ngày Tết của tôi chính là những đồng tiền mừng tuổi, để hí hửng khoe với bọn trẻ cùng phố về “thu nhập” mấy ngày Tết. Bây giờ thì tôi đã ít được lì xì rồi, thay vì nhận được lời chúc hay ăn chóng lớn nghe lời cha mẹ, ai ai cũng chúc tôi học hành giỏi giang, công việc suôn sẻ. Những ngày tháng được bố mẹ lì xì chắc sắp chẳng còn nữa, thay vào đó là mình sẽ lì xì cho bố mẹ, họ hàng, các cháu. Mỗi mùa xuân qua, chúng ta thấy mình lớn hơn một chút, nhưng cha mẹ, người thân thì lại già đi bội phần.
Có người ví mấy ngày Tết là mấy ngày hội, tôi thấy cũng đúng nhưng cũng có phần không đúng. Tết năm nào cũng làm từng ấy công việc, theo đúng từng ấy tập tục, làm từng ấy mâm cơm. Chẳng ai bảo ai nhưng mỗi gia đình đều có cái nề nếp riêng của mình để truyền lại cho con cháu. Tết trong tôi là khi cảm thấy những thói quen xưa cũ có thể bị mờ phai, ta lôi ra tô lại cho rõ ràng, sáng tỏ. Cũng nhiều người bảo là đừng cứng nhắc mà cố khư khư những gì thuộc về quá khứ nữa, phải hội nhập, phải hiện đại hơn lên, Tết thì đi du lịch hưởng thụ có phải sướng hơn việc loanh quanh dọn nhà, nấu cơm, thăm hỏi nhau không nhỉ? Ai chứ, nếu bố tôi mà nghe thấy câu ấy, chắc ông sẽ giận nhiều lắm! Ông là người có riêng một bộ ấm chén đến Tết mới mang ra dùng, một đôi giày đến Tết mới mang ra đi, và năm nào cũng muốn kê kê dọn dọn, sắp xếp lại bàn ghế tủ kệ trong nhà cho khang khác ngày thường, việc vui nhất mấy ngày cuối năm là mua được một cành đào ưng ý.
Nếu truyền thống mang lại hạnh phúc, thì tại sao chúng ta lại phải cần phải thay mới nó? Xã hội người Việt được hình thành trên nền tảng của xã hội nhỏ hơn – đó chính là gia đình. Tết là “cái cớ” để người đi xa trở về thăm nhà, người lâu ngày không gặp đến thăm hỏi nhau, để những người yêu thương nhau lại càng cảm thấy yêu thương thắm thiết hơn nữa. Ngày xuân không chỉ có lễ lạt rộn rịp, quần áo xốn xang, mà ngày xuân còn là những mầm vui vừa nhú, khẽ reo vang trong lòng mỗi người. Ta thấy lòng mình trong sáng và phấn khởi như việc một sớm mùa xuân bước ra hiên nhà, thấy cây trước thềm ngày hôm nay đã “đột nhiên khoe một đốm hồng” rực rỡ.
Phạm Hồ Linh Phương/TC GĐ&TE