Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân
76 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý đó trong bản Tuyên ngôn Độc lập thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người khẳng định, quyền con người được gắn chặt với quyền dân tộc, quyền tự quyết của dân tộc, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm 13 bộ được thành lập, trong đó có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, hiện nay là Bộ LĐ-TB&XH. Ứng hoè Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) một nhà tri thức, nhà văn hóa lớn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội.
Chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và một trong những khó khăn lớn nhất đó chính là "giặc đói". Trước đó, từ nửa cuối năm 1944, chính sách bóc lột của phát xít Nhật, rồi thiên tai hạn hán, lũ lụt liên tiếp gây ra nạn đói ở miền Bắc dẫn đến hậu quả gần 2 triệu đồng bào Bắc bộ bị chết đói. Để có thể huy động được sức mạnh của toàn dân trong giai đoạn hiểm nghèo này, Chính phủ Cách mạng xác định công việc đầu tiên và cấp bách là giải quyết những nhu cầu bức thiết của nhân dân và trọng trách này được giao cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố.
Ngày 28/9/1945, trong bức thư gửi thư cho toàn thể đồng bào đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: " Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy, tôi đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo".
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngày 02/11/1945, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, ông Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu tế xã hội. Hội được thành lập đồng thời ở Hà Nội, Thuận Hóa, Sài Gòn và có chi nhánh tại các tỉnh, các làng với mục đích cứu dân khỏi đói, khỏi rét. Phương pháp hoạt động chủ yếu là tìm nguồn thực phẩm, tiền và vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ; phát triển sản xuất, khuyến khích công việc đồng áng và trông nom đê điều; giúp đỡ nhân dân trong việc khai khẩn đất hoang hóa để đưa vào sản xuất.
Sắc lệnh do Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố ban hành yêu cầu ở mỗi miền Bắc - Trung - Nam phải thành lập một cơ sở y tế ở địa phương để có thể thực hiện tốt công tác cứu tế khi đời sống của nhân dân tại địa phương gặp khó khăn. Khi có vướng mắc có thể liên lạc với Hội Cứu tế xã hội của Chính phủ.
Trong đó, Ban Cứu đói có nhiệm vụ xem xét tình hình đời sống nhân dân trong nạn đói để ấn định phương pháp chẩn tế. Ban Thóc gạo có nhiệm vụ thu mua thóc gạo, trông nom công tác vận tải để thiết lập các kho chứa gạo. Ban Di dân tiến hành điều tra và tìm việc cho nạn nhân, với sự phối hợp của Bộ Canh nông và Bộ Lao động. Ban Hội thiện cần tiến hành giám sát các hội có tính cách cứu tế xã hội tổ chức, xem xét sự thu chi của các hội đó; Ban Dân sinh có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các điều lệ trong quá trình cứu tế.
Trên cương vị là người đứng đầu Bộ Cứu tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố thực hiện nhiều chuyến "vi hành" đến các địa phương Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định chỉ đạo triển khai thực hiện. Từ các làng, xã, thôn, bản đến các xí nghiệp sản xuất, các cơ quan đều thành lập các hội lớn, nhỏ để vận động đồng bào đóng góp lương thực ủng hộ người nghèo. Các biện pháp do Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đưa ra đã khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân ái, đồng cam cộng khổ, đoàn kết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của toàn dân tộc trong hoàn cảnh hiểm nghèo.
Đảm bảo an sinh xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Suốt chặng đường 76 năm qua, từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng "Nhà nước của dân, do dân và vì dân", toàn ngành LĐ-TB&XH đã luôn kiên trì, nỗ lực triển khai quan điểm của Đảng, Nhà nước về "bảo đảm an sinh xã hội lấy con người làm trung tâm, phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội", thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển, đóng góp lớn trong thành tựu 35 năm đổi mới của đất nước. Bộ đã nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với NCC với cách mạng, trên các lĩnh vực lao động - việc làm, dạy nghề, giảm nghèo bền vững, phát triển hệ thống BHXH, bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội toàn dân.
Ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ban, bộ ngành trung ương tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, góp phần để đất nước phát triển và tăng trưởng kinh tế cao, tạo thế và lực cho đất nước trong hội nhập quốc tế. Điều này thể hiện trong tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, đến nay 99,7% hộ gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, cơ bản không còn hộ NCC thuộc hộ nghèo.
Trong lĩnh vực giải quyết việc làm, trong 5 năm (2016-2020) cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32%, tỷ lệ thất nghiệp 2,48%, thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Giảm nghèo về đích trước 10 năm so với Mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong giải quyết đói nghèo cùng cực và là 1 trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ nghèo đói giảm bình quân 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 còn 2,75% cuối năm 2020.
Số người tham gia BHXH, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp được mở rộng, hình thành và tạo lưới an sinh xã hội toàn dân. Đặc biệt số người tham gia BHXH tăng nhanh trong 2 năm 2019-2020, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH. Việc đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội đối với người có hoàn cảnh khó khăn, từ quan điểm trợ giúp nhân đạo sang hướng tiếp cận dựa trên quyền, lấy con người là trung tâm, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời, hiệu quả. Diện đối tượng thụ hưởng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên, từ mức 270 nghìn đồng/người/tháng lên 360 nghìn đồng/tháng theo Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, qua đó góp phần ổn định cuộc sống với người yếu thế.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta tác động rất lớn đến công tác đảm bảo lao động, việc làm và an sinh xã hội. Nắm bắt nhanh thực tiễn, ngày 9/4/2020, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau", khoảng 20 triệu người đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, với kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2021, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam với biến thể mới diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP HCM chịu rất nhiều tác động. Trước bối cảnh đó, một quyết sách đảm bảo an sinh xã hội được Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành: Đó là Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm mục tiêu: Vừa phòng, chống dịch vừa duy trì phát triển sản xuất đặc biệt là việc đảm bảo an sinh xã hội không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu đói khi thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 lây lan.
"Dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, việc làm và đời sống của NLĐ đang khó khăn và cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cần đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ an sinh, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23. Chậm ngày nào là có lỗi với dân ngày đó", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung truyền thông điệp.
Sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (từ ngày 1/7/2021) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, theo thống kê đã có hàng chục triệu người dân và NLĐ đã được thụ hưởng chính sách. Hệ thống BHXH đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.200 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,33 triệu NLĐ được giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN. Với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hơn 260 đơn vị sử dụng lao động cho 45.000 NLĐ, đã được áp dụng chính sách hỗ trợ với tổng số tiền tạm dừng đóng trên 293,6 tỷ đồng.
Trong khó khăn, rất nhiều địa phương đã sáng tạo trong tổ chức thực hiện như tại TP HCM, nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã ủng hộ và chia sẻ vật chất, tinh thần cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt, thành phố mang tên Bác đã có sáng kiến "triệu túi an sinh xã hội" thiết thực giúp người dân không bị thiếu, đói trong thời gian giãn cách xã hội. "Qua việc thực hiện các chính sách Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 cho thấy, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước ngày càng lên cao", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, tin tưởng ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nối tiếp truyền thống vẻ vang, là Bộ hiện thân của "lòng nhân văn, nhân ái", đảm bảo an sinh xã hội để đất nước phát triển.
Trong ASEAN và thế giới, Việt Nam được đánh giá là làm tốt hơn về chỉ tiêu cho an sinh xã hội, mức đầu tư chiếm 21% tổng chi ngân sách. Năm 2020, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy niềm tin của Nhân dân về chính sách xã hội đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc so với năm 2019.