Tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng chống HIV/ AIDS trong cộng đồng - Ảnh: KKS
Tôi đã vượt qua quãng đường hơn 50 km mới đến được xóm Bàu trong một ngày mưa. Tiếp tôi trong căn nhà cấp 4 dột nát, nơi hai bố con anh vẫn sống qua ngày với biết bao nỗi lo toan, anh kể với tôi ngậm ngùi trong nước mắt: Năm 2007, anh kết hôn với một người phụ nữ cùng xã. Năm 2008, đứa con gái đầu lòng chào đời, niềm hạnh phúc lớn lao cho đôi Vợ chồng trẻ. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã nhanh chóng cướp đi niềm hạnh phúc đó khi anh biết tin mình và con gái bị mắc căn bệnh thế kỷ được lây truyền từ Vợ. Ít năm sau Vợ anh qua đời để lại anh lầm lũi với đứa con thơ dại mới 3 tuổi, ngày qua ngày trong căn nhà đìu hiu quạnh quẽ. Anh như kiệt quệ về tinh thần, cuộc sống đã vất vả khó nhọc nay lại càng trĩu nặng hơn khi ốm đau bệnh tật đeo đẳng, sức khỏe yếu dần. Chị ra đi để lại cho anh bao nỗi lo toan đè nặng trên vai, con thơ mất mẹ, căn bệnh HIV/AIDS hành hạ. Tâm hồn anh luôn đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng, vật vã trong sự cùng quẫn, tự ti, mặc cảm với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội. Không ít lần anh đã có ý định tự kết thúc cuộc sống nhưng nhìn sâu vào đôi mắt cô con gái luôn ẩn chứa nỗi buồn, sợ con thiếu thốn tình cảm, đã mất mẹ nay còn mất cha nên anh lại từ bỏ ý định đó.
Anh tâm sự: “Có lần tôi nghĩ quẫn mua thuốc trừ sâu về để hai bố con cùng chết, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt thơ ngây và nụ cười hồn nhiên của con, lòng tôi lắng xuống. Con bé không có tội. Cháu cần được sống, được yêu thương”. Nghĩ vậy, anh quyết tâm không đầu hàng số phận. Hơn ai hết, anh hiểu được rằng cuộc sống của anh tốt xấu ra sao sẽ do anh quyết định. Anh phải tự đi lên bằng chính đôi chân và nghị lực của mình. Cuối cùng anh quyết định vay vốn để chăn nuôi bò. Anh được tiếp cận với chương trình phát triển “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động để có thêm cơ hội phát triển kinh tế, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị cho vay 10 triệu đồng để mua một con bò sinh sản. Một năm sau con bò cho ra đời một chú bê con, anh ngày ngày chăm sóc và đến khi bán được, anh lấy số tiền đó trả nợ cho Hội. Đến nay vốn vay của anh trả gần hết, con bò sinh sản chuẩn bị cho ra đời lứa thứ hai. Mỗi ngày, anh cắt cỏ dọc bờ kênh, bờ ruộng làm thức ăn cho bò để giảm chi phí đầu tư. Cũng nhờ nuôi bò, anh có thêm thu nhập giúp hai bố con sống qua ngày. Chăn nuôi bò không chỉ góp phần thay đổi kinh tế của gia đình mà còn giúp anh không còn mặc cảm, tự ti.
Khi chúng tôi trở lại thăm bố con anh một năm sau, sức khỏe của anh và cháu đã khá lên nhiều. Khi tôi hỏi: “Con gái anh có được các tổ chức bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không?”. Anh cười hiền hậu: “Có chứ, nhiều lắm”. Cháu được đi học hòa nhập với các bạn trong lớp sau những nỗ lực của cán bộ y tế và các đoàn thể nơi đây. Trong trường, các thầy cô và bạn bè đều yêu thương và giúp đỡ cháu, không có sự phân biệt kỳ thị. Bố con anh nhận được sự chăm sóc của bà con lối xóm, các cô, các bác ở trạm y tế và những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS. Cháu cũng được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ảnh hưởng bởi HIV/AIDS như gói dịch vụ điều trị và chăm sóc cơ bản; hỗ trợ khám, xét nghiệm HIV miễn phí; được điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV), được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm HIV/AIDS…
Ngoài ra con gái anh còn hưởng các chính sách theo quy định dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS như được cấp sữa từ chương trình Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập. Đến Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Trị tổ chức cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn, con anh cũng được tham dự. Theo đó, mỗi em sẽ nhận được các phần quà gồm tiền mặt, bánh kẹo, sữa, lồng đèn... với tổng giá trị gần 10 triệu đồng do Công đoàn cơ sở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Trị, Công đoàn Hội Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam và Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam đóng góp. Bên cạnh việc tặng quà, Trung tâm phối hợp tổ chức giao lưu văn nghệ cho các em… Những hoạt động thiết thực này đã động viên, khuyến khích trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ sống chung và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS xóa đi mặc cảm, tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Vẫn biết rằng, số phận đã không cho bố con anh B.D.C một hạnh phúc trọn vẹn, nhưng bằng những cố gắng vươn lên không mệt mỏi, anh đã tự bù đắp cho mình niềm tin, sự lạc quan để vượt lên nghịch cảnh. Khi chúng tôi hỏi: “Nếu cho cháu một điều ước, cháu ước điều gì?”, con gái của anh trả lời với đôi mắt trong veo: “Cháu muốn ba và cháu khỏi bệnh!”. Và chúng tôi biết đó cũng là ước muốn của những người có H.
“Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, tôi tin rằng, với quyết tâm, ý chí và nghị lực của anh, có được sự giúp đỡ từ các tổ chức đối với những người nghèo có hoàn cảnh éo le như anh C. thì cuộc sống sẽ vơi bớt đi những nỗi đau và tôi cũng mong rằng, mọi người đừng xa lánh những người có H, hãy yêu thương và giúp đỡ họ. Bởi bớt đi một ánh mắt kỳ thị, nghĩa là đã thắp lên một tia hy vọng mới cho người nhiễm HIV/AIDS. Điều đó cũng thể hiện tính nhân văn cao cả của con người vậy.