Ninh Bình là vùng đất cổ, cách đây hơn 3 vạn năm, người Việt cổ đã cư trú trên mảnh đất này. Qua quá trình biến thiên của lịch sử, vùng đất Ninh Bình có nhiều thay đổi về tên gọi. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình, địa danh Ninh Bình có từ đây, với ý nghĩa một vùng đất vững chãi, bình yên thể hiện ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm của nhân dân vùng đất này.
Vùng đất cố đô Ninh Bình thừa hưởng những di sản lịch sử, văn hóa của vùng kinh đô cổ hơn nghìn năm lịch sử. Ninh Bình hiện đang có trên 1.000 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 79 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 225 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng với 260 lễ hội truyền thống. "Cố đô Hoa Lư" là kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta với lịch sử hào hùng, gắn liền với bao giai đoạn thăng trầm trong lịch sử nước Việt.
Trải qua 10 thế kỷ, Cố đô Hoa Lư vẫn giữ được nét uy nghi, trầm mặc với hơn 30 di tích, trong đó có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Vua Lê Đại Hành là 2 di tích đặc biệt quan trọng với những kiến trúc cổ độc đáo đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá ở thế kỷ XVII.
Một lần đặt chân đến nơi đây, có thể cảm nhận được từng hơi thở của những triều đại cũ khi dạo bước qua mỗi di tích tại Hoa Lư: đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, đền thờ công chúa Phất Kim, lăng vua Lê, lăng vua Đinh, chùa Cổ Am, phủ Chợ, nền cung điện dưới lòng đất. Mỗi kiến trúc đều là tuyệt tác nghệ thuật với từng nét chạm trổ tỉ mỉ trên nhiều chất liệu, nhờ vậy, khắc họa trọn vẹn sự đồ sộ và phồn thịnh của chốn kinh thành xưa.
Là miền sông nước phong cảnh hữu tình, Cố đô Hoa Lư không chỉ được biết với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà nơi đây còn có những địa điểm du lịch tâm linh được du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé thăm. Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất này lại được vua Đinh lựa chọn để xây dựng kinh thành. Đó phải là nơi có lưng tựa núi, hướng nhìn sông, bao quanh là núi đồi, tạo thành một thế phòng thủ kiên cố, bất khả xâm phạm.
Nơi đây mang nhiều công trình kiến trúc có ý nghĩa lịch sử lớn lao, cùng với các lễ hội truyền thống được lưu truyền đến tận bây giờ. Đặc biệt, đến với mảnh đất Cố đô Hoa Lư, ngoài việc thưởng ngoạn khung cảnh hữu tình thì nơi đây còn có hệ thống các ngôi chùa tâm linh nổi tiếng.
Khu di tích Hoa Lư được chia làm 3 vùng: Vùng bảo vệ đặc biệt - Vùng này gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư, có các di tích như: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh và lăng vua Lê…; một phần khu sinh thái Tràng An và tường thành, nền cung điện dưới lòng đất.... Vùng đệm gồm khu vực cảnh quan 2 bên sông Sào Khê và quần thể di tích Tràng An, bao gồm chùa và động Am Tiên, đình Yên Trạch...
Các di tích liên quan mặc dù không nằm ở hai vùng trên nhưng chúng có vai trò quan trọng trong thời kỳ nhà Đinh, bao gồm: Chùa Bái Đính, cổng Nam, cổng Động, động Hoa Lư, động Thiên Tôn, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh và các di tích thờ vua Đinh ở tỉnh Ninh Bình.
Cố đô Hoa Lư trở thành quần thể kiến trúc, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt quan trọng cần được hết sức gìn giữ của Việt Nam và cũng là nơi được tổ chức UNESSCO công nhận là 1 trong 4 vùng lõi thuộc Quần thể di sản thế giới Tràng An. Cùng với bề dày thời gian lên tới hơn 1.000 năm, đây là nơi lưu giữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.
Bên cạnh đó là cả những dấu tích thành trì cổ xưa còn sót lại, những núi non, hang động kỳ thú. Vua Đinh Tiên Hoàng đã biết khai thác triệt để thiên nhiên để phục vụ cho con người. Lối kiến trúc này tiết kiệm tối đa sức người và sức của. Chỉ cần bịt kín các vách núi, nghĩa là đắp thêm những tường thành nhân tạo để nối các dãy núi lại với nhau là có những vòng thành kiên cố. Chiều dài các núi tạo nên thành thiên nhiên khoảng 8 km. có 13 đoạn tường thành nhân tạo. Chiều dài của các tường thành nhân tạo khoảng 2 km, tường ngắn nhất là 65 m.
Những tường thành này được đắp cao từ 8 đến 10 m, có đoạn xây kín bằng đất ken gạch, chân thành bó gạch; có đoạn phía trong xây gạch, phía ngoài đắp đất; có đoạn đắp đá lẫn đất và có đoạn đắp hoàn toàn bằng đất. Móng thành được lát bằng những đoạn gỗ. Hiện nay dấu vết của 13 tuyến tường thành vẫn còn. Tường thành thiên nhiên là các dãy núi, có ngọn cao đến 200 m như ngọn Mồng Mang làm cho tường thành kinh đô Hoa Lư cao không đều, nhấp nhô nhưng bề thế, hoành tráng. Có thể nói tường thành Hoa Lư là tường thành của tạo hóa và con người.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: "Cùng với những giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất địa mạo và chiều sâu văn hóa, vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình còn ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng, trọng đại của đất nước. Ngày mùng 10 tháng 3 năm Mậu Thìn - 968, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình - gắn liền với thiết chế nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở nền chính thống quốc gia, là sự tiếp nối quốc thống của các vua Hùng. Các giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tại địa phương luôn được các thế hệ người dân gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trở thành nguồn lực vô giá cho hôm nay và mai sau".
Cùng với cố đô Hoa Lư là quần thể chùa Bái Đính có diện tích 539ha, bao gồm 27ha. Khu chùa Bái Đính cổ có lịch sử hình thành từ thời nhà Đinh và 80ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003, cùng nhiều hạng mục khác. Bao bọc xung quanh chùa là những vòng cung núi đá vôi cao lớn, kỳ vĩ, hoà hợp với cảnh chùa tạo thành một công trình đồ sộ, trang nghiêm. Với quy mô hiện tại của chùa Bái Đính, hiếm có ngôi chùa nào ở Việt Nam sánh được. Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á. Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên toà sen và niệm hoa sen ở Chánh điện trong điện thờ Pháp chủ của chùa đã được Trung tâm kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu lục.
Với chùa Bái Đính, di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư cùng các di tích khác như Chùa Nhất Trụ, động Thiên Tôn, chùa Bích Động,… các công trình thờ tự có từ hàng trăm năm đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia, Ninh Bình được biết đến là vùng đất cổ, đã thu hút sự quan tâm của các du khách trong nước và quốc tế. Bởi đến đây, du khách không chỉ được khám phá nghệ thuật kiến trúc độc đáo của các di tích lịch sử mà còn được tìm hiểu cội nguồn thông qua những câu chuyện lịch sử, các truyền thuyết đậm chất dân gian gắn liền với mỗi điểm di tích trên mảnh đất này.
"Những năm qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và thế giới. Tốc độ tăng trưởng khách bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt trên 11%. Năm 2019, Ninh Bình đón gần 8 triệu lượt khách, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân địa phương, tạo động lực thúc đẩy, định hướng chiến lược phát triển cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Và đặc biệt, năm 2021, Ninh Bình tiếp tục đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh cũng là cơ hội để khẳng định vị thế, hình ảnh du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới về một vùng đất cổ" – Chủ tịch tỉnh Ninh Bình cho biết thêm.