Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ninh Bình: Nỗ lực thực hiện các chương trình giảm nghèo

Sau 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo ở Ninh Bình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo bình quân của tỉnh từ 1,5-2%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn mới…

 

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình tỉnh Ninh Bình cuối năm 2017, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh 13.455 hộ, chiếm tỷ lệ 4,52%; tổng số hộ cận nghèo 18.160 hộ, chiếm tỷ lệ 6,1%.

Qua số liệu tổng hợp phân tích về mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản của hộ nghèo, toàn tỉnh có 756 hộ thiếu hụt về chiều tiếp cận các dịch vụ y tế; 4786 hộ thiếu hụt về bảo hiểm y tế; 478 hộ thiếu hụt về trình độ giáo dục người lớn; 289 hộ thiếu hụt về tình trạng đi học trẻ em; 2745 hộ có tình trạng nhà ở xuống cấp; 2128 hộ có diện tích nhà ở dưới 8m2/người; 951 hộ sử dụng nguồn nước chưa hợp vệ sinh; 2563 hộ sử dụng hố xí/nhà tiêu chưa hợp vệ sinh; 3808 hộ không có thành viên sử dụng dịch vụ viễn thông; 529 hộ thiếu tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Nguyên nhân nghèo chủ yếu là hộ có người ốm đau nặng dài ngày, thiếu lao động, thiếu vốn sản xuất, không biết cách làm ăn, không có tay nghề, do thiếu phương tiện sản xuất…

 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cùng đoàn công tác thăm một số mô hình kinh tế cho hiệu quả cao tại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh

 

Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, an sinh xã hội, trong những năm qua các chính sách giảm nghèo luôn được Ninh Bình triển khai thực hiện có hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục từ năm 2016 đến nay, đã miễn giảm học phí cho 32.494 lượt học sinh với tổng số tiền 6.887 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 12 nghìn lượt học sinh với tổng số tiền 9.379 triệu đồng; hỗ trợ lương thực cho 2.580 lượt học sinh bán trú người dân tộc thiểu số với 257,220 tấn gạo.

Về y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã cấp 636.905 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và người dân sống tại vùng KT-XH đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 185,8 tỷ đồng. Người nghèo được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế 100% chi phí thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh, được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đến nay, 100% trạm y tế cấp xã được trang bị thiết bị y tế, đã có 80 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm 72,28%, trong đó khu vực miền núi là 118 trạm, chiếm 55,17 %; tỷ lệ trạm y tế miền núi có bác sỹ đạt trên 80%. Nhiều bệnh, dịch đã được phát hiện sớm và khống chế kịp thời, số ca mắc dịch bệnh liên tục giảm qua các năm. có 4.301 lượt người nghèo; 102 lượt người thuộc hộ cận nghèo tham gia khám bệnh chữa bệnh…

Về nhà ở, đến nay đã có 830 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định số 33/2014/QĐ-TTg với kinh phí 49.800 triệu đồng. Bên cạnh đó, Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội của tỉnh cũng đã vận động và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 60 hộ nghèo với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Một số cơ quan đơn vị cấp tỉnh và doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 12 hộ nghèo. Để người dân được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh, môi trưởng, trong những năm qua tỉnh Ninh Bình đã huy động các nguồn vốn đầu tư các công trình cấp nước tập trung, hỗ trợ cho vay xây mới và nâng cấp công trình cấp nước hộ gia đình cho 32.421 hộ nghèo và cận nghèo xây dựng các công trình nước sinh hoạt và nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Các chỉ tiêu về nước sinh hoạt hơp vệ sinh của nhân dân vùng đặc biệt khó khăn vùng miền núi, đồng bào DTTS, vùng bãi ngang ven biển đã được cải thiện, góp phần giảm thiểu bệnh tật liên quan đến VSMT, nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang triển khai thực hiện cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền cho vay là trên 1.140 tỷ đồng với 31.655 lượt hộ được vay vốn, tiêu biểu một số chương trình như sau: Chương trình hộ nghèo là 273 tỷ đồng với 6.240 lượt hộ nghèo vay vốn; Chương trình hộ cận nghèo là trên 416 tỷ đồng với 9639 hộ vay vốn; Chương trình hộ mới thoát nghèo là trên 964 tỷ đồng với 23.718 hộ vay vốn…

Từ việc thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo, đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã giảm được 7.834 hộ nghèo (từ 21.289 hộ xuống còn 13.455 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 2,94% (từ 7,46% xuống 4,52%). Hiện nay, đã có xã Kim Đông là xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển đạt chuẩn nông thôn mới và thoát khỏi Chương trình 30a; ngoài ra thôn đặc biệt khó khăn Tri Điền, xã Yên Thái, huyện Yên Mô thoát khỏi danh sách thôn bản đặc biệt khó khăn diện đầu tư của Chương trình 135.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội nhưng công tác giảm nghèo ở Ninh Bình trong những năm quan còn nhiều khó khăn, bất cập cần phải tháo gỡ như: Một số chỉ tiêu về nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà ở, thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, tài sản tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Vẫn còn tình trạng hộ tái nghèo, tái cận nghèo. Số doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn còn ít. Mức cho vay một số chương trình tín dụng còn thấp; vẫn còn hiện tượng hộ nghèo vay vốn sử dụng chưa đúng mục đích, vay đảo nợ; tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu còn xảy ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách giảm nghèo bền vững cho nhân dân, đặc biệt là cho người dân ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS ở một số địa phương còn chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức. Một số địa bàn thôn xã, công tác tuyên truyền về chính sách của đề án hỗ trợ xuất khẩu lao động chưa được sâu rộng dẫn đến nhiều hộ dân chưa biết đến chính sách hỗ trợ của đề án. Một số địa phương chưa chú trọng đến công tác quản lý nên còn xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách giảm nghèo như: đưa người thân vào danh sách hộ nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi, khai man đối tượng là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ về chi phí học tập, công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa khách quan, chưa thực hiện đúng quy trình và tiêu chí theo quy định... công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các ngành chưa thường xuyên, chưa sâu sát… Điều này đã gây không ít khó khăn và ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo ở địa phương….