Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ninh Bình: Thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

(Dân Sinh) - Ninh Bình hiện có trên 29.400 người dân tộc thiểu số, chiếm 2,99% dân số toàn tỉnh. Trong đó đa số là đồng bào Mường sinh sống tập trung thuộc 8 xã của huyện Nho Quan.

Những năm qua, hiệu quả từ các chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo đà cho sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình.

Để tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Ninh Bình đã thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi. Đến nay, toàn tỉnh có 1.890 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn Ngân hàng chính sách, với tổng dư nợ là 66.383 triệu đồng; 8 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo với tổng số 455 hộ, số tiền: 75,7 triệu đồng. 

Thực hiện Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, Ninh Bình đã triển khai miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh 9 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời hỗ trợ chi phí học tập cho 212 đối tượng với tổng số tiền 106 triệu đồng; miễn giảm học phí cho 726 đối tượng với tổng số tiền 504,618 triệu đồng. 

Ninh Bình: Thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi, vùng cao thuộc huyện Nho Quan tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay đã có 4/8 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống về đích NTM gồm các xã: Xích Thổ, Yên Quang, Văn Phương và Cúc Phương. Dự kiến tháng 7/2021 xã Thạch Bình và xã Kỳ Phú đạt chuẩn NTM; tháng 12/2021 xã Quảng Lạc và xã Phú Long đạt chuẩn NTM. 

Tính đến ngày 01/6/2021 các xã vùng dân tộc thiểu số đã tiếp nhận 5.506 tấn xi măng, làm được 33 km đường giao thông nông thôn với tổng số 69 tuyến đường. Đến nay, 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông thuận lợi từ trung tâm xã đến các thôn bản; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 70% số hộ dân đã được dùng nước sạch; hơn 90% dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông được phát triển đến 100% các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất và đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; sự đồng lòng, vượt qua khó khăn và kiên trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. 

Theo đó, các chính sách về y tế, giáo dục- đào tạo được chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm. Đến nay 100% các phòng học được kiên cố hóa; 100% trẻ em trong độ tuổi ở cả 3 cấp học đều được đến trường; Mạng lưới y tế được củng cố, mở rộng đến thôn, bản và ngày càng phát huy hiệu quả thực tế, hiện 80% số xã đã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và 100% số trạm y tế đã có bác sỹ. 

Có thể nói, việc triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với vùng dân tộc thiểu số đã tạo động lực mới, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc có nhiều đổi mới, số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào vùng núi vẫn còn khó khăn, mức sống của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số còn cao, nhiều hộ thoát nghèo chưa thật sự bền vững, còn tình trạng tái nghèo. Một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dịch COVID-19, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số. 

Chính vì vậy trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các nội dung về công tác dân tộc; các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chú trọng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương. Tăng cường công tác khuyến nông, lâm, ngư, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp đồng bảo tăng năng suất trên 1 ha canh tác. 

Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số từ đó xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số.