Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 15/100.000 trẻ em
Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 500/100.000 trẻ em và 450/100.000 trẻ em vào năm 2030. Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 15/100.000 trẻ em và 10/100.000 trẻ em vào năm 2030. Hằng năm giảm 5 - 10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 15% vào năm 2030.
Phấn đấu 35% ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; 65% trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; hằng năm tăng 10% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận sẽ tích cực truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em.
Phấn đấu 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030.
90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% vào năm 2030.
60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030.
90% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và 95% vào năm 2030.
Mặt khác, tỉnh cũng tiến hành đào tạo, tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan. 100% công chức, viên chức, cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. 80% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em năm 2025 và 90% vào năm 2030. 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích. 100% các huyện, thành phố triển khai thu thập thông tin, dữ liệu về tai nạn, thương tích trẻ em.
Thí điểm và nhân rộng việc triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, từ 2021 đến 2030.
Xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là Xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ hướng dẫn thực hiện và nhân rộng tiêu chí Ngôi nhà an toàn, tiêu chuẩn Trường học an toàn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Theo dõi, kiểm tra, đánh giá công nhận đạt Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Nhân rộng mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em với các hoạt động: Xác định nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình; hướng dẫn các gia đình cách loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình và xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị an toàn tại gia đình; triển khai các hoạt động can thiệp loại bỏ nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em tại gia đình; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên cách triển khai mô hình và kỹ năng phát hiện và loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em trong ngôi nhà.
Đánh giá và nhân rộng mô hình Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; triển khai các hoạt động can thiệp, cải tạo môi trường học tập, vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn thương tích trong trường học.
Rà soát, hoàn thiện, hướng dẫn thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá các tiêu chí, tiêu chuẩn và nhân rộng mô hình xã, phường, thị trấn đạt cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Đánh giá và nhân rộng mô hình Cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của ngành Y tế. Triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng. Phát triển hệ thống sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, điều trị cho trẻ em bị tai nạn thương tích tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; Theo dõi, giám sát về tình hình tai nạn thương tích trẻ em và công nhận đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới, gia cố, cải tạo các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.