Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) và đuối nước trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị.
Ðặc biệt, để phòng, chống đuối nước trẻ em vào mùa hè, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước; tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm, giám sát trẻ; khảo sát các địa điểm có nguy cơ mất an toàn và thực hiện cắm biển cảnh báo; khuyến khích, tạo điều kiện để học bơi, dạy bơi trong trường học, rèn luyện kỹ năng cấp cứu khi bị đuối nước...
Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn còn diễn ra. Theo thống kê, từ năm 2016 đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 87 vụ đuối nước, làm tử vong 87 em. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Các nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều nhà dân xây dựng gần sông, suối, ao, hồ không có rào chắn và các giếng, bể nước thường không có nắp đậy hoặc có nhưng không chắc chắn, an toàn; Nhiều công trình xây dựng khi thi công để lại hố sâu nhưng không được san lấp sau khi hoàn thành, không có hình thức cảnh báo; Hệ thống biển báo, biển cấm ở những vùng nước nguy hiểm chưa được trang bị đầy đủ, kịp thời; Nhận thức của bản thân trẻ em, gia đình và xã hội về đuối nước vẫn còn hạn chế...
Trước thực trạng đó, trong tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Bàn giải pháp hạn chế tình hình tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh”. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên nhấn mạnh: “Mất một đứa trẻ do đuối nước là một bi kịch mà gia đình phải gánh chịu. Trẻ em là mối quan tâm của toàn xã hội, là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Công tác chăm lo cho sự phát triển của trẻ em, bảo vệ an toàn cho trẻ em khỏi bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống TNTT và phòng, chống đuối nước trẻ em; Ðẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em và hãy cùng hành động để lan tỏa thông điệp “Hãy hành động để chấm dứt tình trạng đuối nước”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhằm thực hiện quyết liệt, có hiệu quả hơn các giải pháp trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 398/CÐ-TTg ngày 2/5/2022, về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống TNTT và đuối nước trẻ em. Cụ thể:
Sở LÐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT; chỉ đạo việc thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”, “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”...; Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; Phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương theo định kỳ và đột xuất; Ðảm bảo nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp, nhất là cấp xã và trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em.
Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là học sinh về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em; Triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học, trung học cơ sở, từ đó nhân rộng trong toàn tỉnh; Triển khai xây dựng mô hình “Trường học an toàn” trong phòng, chống TNTT trẻ em. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè.
Các địa phương tăng cường phối hợp giữa các ngành, các tổ chức, đoàn thể quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp hè, thời gian bão, lũ, thiên tai để đảm bảo an toàn cho trẻ em nhất là đuối nước; Rà soát lại các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước và nguy cơ mất an toàn khác để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ em; Những khu vực có sông, hồ, ao, suối, kênh, rạch, mương, hố nước, giếng nước, cống thoát nước, công trình đang thi công... chưa có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc biển cảnh báo bị hư hỏng, chưa có rào chắn thì phải khắc phục và lắp đặt ngay; Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương, nhất là trong trường hợp trẻ em bị đuối nước do yếu tố chủ quan từ các công trình đang thi công, địa điểm dễ xảy ra đuối nước mà không có biển cảnh báo thuộc thẩm quyền quản lý của các cá nhân sở hữu hoặc doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tài liệu, thông điệp truyền thông phòng, chống TNTT, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh, cha mẹ và cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức của các gia đình trong việc quan tâm, quản lý, bảo vệ trẻ em trong các hoạt động vui chơi, giải trí hằng ngày, nhất là ở các vùng nông thôn để tránh tình trạng TNTT, đặc biệt là đuối nước xảy ra.